Siết lũng đoạn

ANH THƯ| 13/05/2010 08:32

UB Thường vụ Quốc hội mới đây đã đưa ra vấn đề “hạn chế khả năng lũng đoạn của các tổ chức có thể kiểm soát được hoạt động của các ngân hàng thương mại thông qua việc nắm giữ số lượng lớn cổ phần tại NH”.

Siết lũng đoạn

Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã đưa ra vấn đề “hạn chế khả năng lũng đoạn của các tổ chức có thể kiểm soát được hoạt động của các ngân hàng (NH) thương mại thông qua việc nắm giữ số lượng lớn cổ phần tại NH”.

Chuyện này được đưa ra khi bàn về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và một số ý kiến cho rằng, đã có NH lớn bị chi phối bởi một số nhóm cổ đông. Để hạn chế khả năng “lũng đoạn", nhiều ý kiến kiến nghị: một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% (quy định hiện hành là 10%) vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; cổ đông cùng những người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ khi ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật cần có các quy định cụ thể về việc kê khai nguồn gốc tiền của các cá nhân, tổ chức góp vốn thành lập tổ chức tín dụng. Nhìn chung, mục đích chủ yếu của các quy định này là nhằm hạn chế các hoạt động cấp tín dụng trong nội bộ một tổ chức tín dụng.

Có thể thấy, ý định hạ tỷ lệ góp vốn của cổ đông được nhắc tới từ hơn một tháng trước, khi một số NH đứng trước nguy cơ mất thanh khoản và một phần nguyên nhân là sự thao túng của các cổ đông lớn. Dư luận cho rằng, giới hạn tỷ lệ góp vốn điều lệ là cần thiết để tránh nguy cơ các tổ chức kiểm soát NH thông qua việc nắm giữ số lượng lớn cổ phiếu.

Trong khi đó, các pháp nhân tham gia góp vốn lập NH không ít trường hợp chỉ là các công ty trách nhiệm hữu hạn thuộc sở hữu của một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân. Sắp tới, quy mô vốn của NH còn tăng lên. Nếu không kiểm soát tốt, các cổ đông có thể liên kết với nhau để nắm tới 50% vốn của NH.

Câu chuyện hạn chế “lũng đoạn” trong lĩnh vực NH đang đụng tới khái niệm “đại chúng hóa” trong cơ cấu cổ đông. Sự “đại chúng hóa” này được thể hiện rất rõ nét trong cấu trúc cổ đông của hầu hết 35 NH thương mại cổ phần (TMCP) đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay. Chẳng hạn, chủ sở hữu của hai NH S và A đang có tới phân nửa là các cá nhân. Đây cũng là thực trạng chung trong toàn bộ khối NH TMCP.

Mặc dù vậy, trong kinh tế thị trường thì mô hình này đang được khuyến khích phát triển, rất phù hợp với mô hình “công ty đại chúng”. Tuy nhiên, trong số các nhà đầu tư đại chúng có không ít là những nhà đầu tư trẻ, ít kinh nghiệm, không có kiến thức cơ bản... Vì vậy, đầu tư của họ thường theo tâm lý, hoặc đầu cơ “lướt sóng”. Sự hạn chế của các nhà đầu tư này cũng là rủi ro lớn nhất của mô hình NH đại chúng.

Chuyện lũng đoạn của các NH cũng nhắc lại những cảnh báo gần đây về khả năng lũng đoạn trong các thị trường "nhạy cảm" vàng, thép, ngoại tệ, trong đó có không ít các tập đoàn nhà nước. Sáu NH thương mại và NH chính sách cũng tác động rất mạnh mẽ đến thị trường tín dụng. Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp có khảo sát về số tập đoàn và tổng công ty đầu tư vào chứng khoán, NH, bất động sản.

Theo đó, có 13 đơn vị đã đầu tư vào chứng khoán, 19 đơn vị đã góp vốn thành lập NH TMCP và 13 đơn vị thành lập 15 công ty chứng khoán. Đây là những lĩnh vực có tỷ lệ đầu tư không lớn, nhưng hoạt động ngày càng tăng lên. Mặt khác, tập đoàn đầu tư vào các NH thương mại gây ra rất nhiều lo ngại, vì điều này không phù hợp với các nguyên tắc và quy tắc chung là tập đoàn kinh tế không được thành lập NH thương mại riêng. Nếu thành lập thì NH thương mại khó có khả năng cưỡng lại được những yêu cầu về vốn và sẽ không còn có khả năng giám sát hiệu quả đầu tư theo như chức năng của NH thương mại...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Siết lũng đoạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO