Quản trị nợ công nhìn từ nợ được bảo lãnh

NGUYỄN LÊ ĐÌNH QUÝ| 18/06/2018 03:31

Ngoài tiết kiệm chi tiêu, cần đẩy nhanh quá trình tinh giản, sắp xếp lại bộ máy nhà nước một cách hiệu quả, thông qua đó giảm chi thường xuyên.

Quản trị nợ công nhìn từ nợ được bảo lãnh

Nợ công luôn là vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm trên các diễn đàn kinh tế thời gian qua bởi những con số được công bố, các khoản vay và trả hằng năm. Quyết định số 473/QĐ-TTg về kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2018 vừa được Thủ tướng ký phê duyệt liệu có cải thiện điều gì?

Theo đó, cơ quan điều hành dự kiến dành 256.769 tỷ đồng (gần 11,3 tỷ USD) để trả nợ. So với năm 2016, số nợ Chính phủ dự kiến trả năm 2018 giảm 16.531 tỷ đồng, nhưng lại tăng hơn 18.760 tỷ đồng so với năm 2017. Để thực hiện kế hoạch này, Chính phủ dự kiến vay 384.000 tỷ đồng (khoảng 16,8 tỷ USD) để trả nợ, chủ yếu là vay trong nước 275.970 tỷ đồng và nước ngoài 108.030 tỷ đồng.

Có thể thấy với đất nước có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, vay nợ là giải pháp cần thiết để tài trợ vốn, đáp ứng nhu cầu đầu tư và khuyến khích phát triển sản xuất trong giai đoạn nền kinh tế còn có mức tích lũy thấp. Tuy nhiên, nếu lạm dụng việc vay nợ và sử dụng thiếu thận trọng thì các khoản nợ sẽ thành gánh nặng cho tương lai, khiến sự bền vững của nền kinh tế bị đe dọa.

Nếu so với dự toán ngân sách 2018 Quốc hội thông qua hồi tháng 11/2017, số vay để Chính phủ trả nợ tăng hơn 20.710 tỷ đồng. Trong đó, khoản vay để cân đối ngân sách là 341.770 tỷ đồng; vay bù đắp bội chi là 195.000 tỷ đồng; còn lại là trả nợ gốc và vay về cho vay lại khoảng 190.000 tỷ đồng.

Số liệu cho thấy tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam những năm gần đây có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ 2011. Theo Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, trong vòng 5 năm (2011 - 2015), tỷ lệ nợ công/GDP đã tăng khoảng 12,2 điểm phần trăm, từ 50% lên đến 62,2%. Tới cuối 2016, nợ công ước tính lên tới 63,7% GDP.

Với tốc độ tăng liên tục khoảng 5%/năm như vậy, mức trần nợ công 65% GDP do Quốc hội đặt ra có thể sẽ bị phá vỡ trong thời gian tới, mặc dù cuối năm 2017, Bộ Tài chính có thông báo mới về nợ công khoảng 3,1 triệu tỷ đồng (tăng 300.000 tỷ đồng so với năm trước) nhưng chỉ chiếm tỷ lệ 62,6% trên GDP, giảm 1 điểm phần trăm so với năm 2016 và thấp hơn 2,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Vì phần nợ Chính phủ đi vay nhằm chi tiêu trong nhiều năm nay luôn nằm trong "báo động đỏ”, không năm nào nguồn thu ngân sách đủ chi dùng.

Năm 2017, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam được cải thiện nhiều, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao và lạm phát được kiểm soát. Hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moodys và Fitchs đã nâng mức triển vọng tín nhiệm của Việt Nam từ "ổn định" lên "tích cực".

Việc cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia luôn cần thiết để thể hiện uy tín quốc gia trên trường quốc tế nhằm thông qua đó có thể giảm được chi phí huy động vốn vay hoặc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế. Đặc biệt khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình, nguồn vốn ODA giảm dần từ 2015 và dựa nhiều hơn vào vay thương mại.

Một điểm đáng lưu ý, theo số liệu của Bộ Tài chính, dư nợ bảo lãnh chính phủ của Việt Nam đã tăng từ 11,935 tỷ USD năm 2010 lên đến 20,791 tỷ USD năm 2015. Như vậy trong 5 năm qua, dư nợ bảo lãnh chính phủ tăng trung bình 11,7% mỗi năm.

Trong đó, dư nợ nước ngoài từ 4,733 tỷ USD lên 11,314 tỷ USD giai đoạn 2010 - 2015, tăng gấp 2,4 lần và trung bình 19% mỗi năm. Đây là dữ liệu cần đánh giá kỹ lưỡng, nhất là có những con số chưa được làm rõ về tỷ lệ do các doanh nghiệp nhà nước tự trả, bao nhiêu trong đó chi từ ngân sách để trả cho những dự án thua lỗ.

Theo báo cáo Kiểm toán Nhà nước vừa công bố, tính đến 31/12/2016, dư nợ nước ngoài của Chính phủ hơn 947.000 tỷ đồng, chiếm 39,8% nợ chính phủ. Trong số đó, dư nợ các khoản Chính phủ cho vay lại đối với các khách hàng, dự án là gần 316.000 tỷ đồng. Có 60 dự án chuyển nợ quá hạn gồm cả gốc, lãi, phí, tương đương 10.556 tỷ đồng, trong đó lớn nhất là nợ quá hạn của Vinashin (hơn 8.100 tỷ đồng), còn lại là các dự án khác.

Nợ trong nước tăng nhanh từ 20,4 tỷ USD lên 54,6 tỷ USD và nợ nước ngoài tăng từ 32,3 tỷ USD lên mức 39,6 tỷ USD vào cuối năm 2015. Dù Chính phủ đã nhiều lần khẳng định chủ trương không gánh nợ cho doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên với những khoản nợ đã tồn tại từ trước và bị quá hạn, Chính phủ vẫn phải đứng ra trả thay, như trường hợp Vinashin là ví dụ điển hình với khoản vay khá lớn là 750 triệu USD.

Một trong những giải pháp để tăng tín nhiệm quốc gia chính là giải được bài toán vay nợ nhiều hơn trả nợ, đưa ra được giải pháp hướng đến tăng trưởng bền vững và giảm các rủi ro kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, thực hiện đồng bộ tăng thu và tiết kiệm chi tiêu song hành mới có thể cải thiện hiệu quả.

Thực ra, không quá khó để hiểu rằng Chính phủ buộc phải tăng các khoản thu nội địa khác để bù đắp, cân bằng ngân sách cho nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng suy giảm do Việt Nam thực thi các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do, nguồn thu từ lợi tức cổ phần dần dần cũng sẽ bị co hẹp lại với xu thế thoái vốn của Nhà nước. Tuy nhiên, việc áp đặt gia tăng các mức thuế mới ở Việt Nam nên cân nhắc, nghiên cứu kỹ, chuẩn bị các phương án và giải đáp rõ ràng sử dụng nguồn thu như thế nào khi tăng thuế.

Ngoài tiết kiệm chi tiêu, cần đẩy nhanh quá trình tinh giản, sắp xếp lại bộ máy nhà nước một cách hiệu quả, thông qua đó giảm chi thường xuyên. Chính phủ cũng sớm thắt chặt đối với quản lý rủi ro bảo lãnh, vì tỷ trọng nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh lại có xu hướng tăng nhanh.

Để thực hiện được việc này cần sớm có cơ chế theo dõi và hạn chế tối đa việc ngân sách phải trả nợ thay hoặc bảo lãnh nợ cho các khoản doanh nghiệp nhà nước tự vay, tự trả khi các doanh nghiệp này phá sản. Thực hiện các biện pháp siết bảo lãnh nợ và tăng tính công khai, minh bạch trong việc bảo lãnh nợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quản trị nợ công nhìn từ nợ được bảo lãnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO