Quản lý kinh doanh xăng dầu: Tránh để đã độc quyền còn "ăn dày"

HẢI VÂN thực hiện| 26/08/2014 00:47

Doanh nghiệp xăng dầu đề xuất tăng chi phí định mức kinh doanh thêm 400 đồng/lít thay mức 860 đồng/lít hiện nay.

Quản lý kinh doanh xăng dầu: Tránh để đã độc quyền còn

Doanh nghiệp xăng dầu đề xuất tăng chi phí định mức kinh doanh thêm 400 đồng/lít thay mức 860 đồng/lít hiện nay. Theo chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong, "giá xăng dầu phải được tường minh".

Đọc E-paper

* Ngay sau ba lần liên tiếp giảm giá và chỉ trong 20 ngày, các doanh nghiệp (DN) xăng dầu đã đề xuất tăng chi phí định mức kinh doanh, gây nghi ngại cho người dân về việc xăng dầu lại tăng giá. Ông bình luận thế nào về động thái này?

- Nghi ngại đấy là đúng và đây là thông điệp gửi tới cơ quan chức năng. Tuy nhiên, việc giá xăng dầu giảm có tương xứng với mức giảm trên thế giới hay không, phân tích về mặt logic có hai luồng.

Nếu tất cả các khoản thu ngân sách qua giá xăng dầu không thay đổi, giá thế giới giảm nhanh trong khi giá trong nước giảm chậm, đây là lỗi của Bộ Công Thương, cơ quan nhập khẩu xăng dầu, đồng thời là cơ quan quản lý các DN kinh doanh xăng dầu.

Nếu giá thế giới giảm mà Nhà nước lại tăng định mức thu ngân sách, lập quỹ xăng dầu, thậm chí tăng cả chi phí định mức cho DN, chắc chắn mức giảm trong nước không tương xứng với mức giảm trên thế giới.

* Hiện giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam cao hơn ở Mỹ. Theo ông, tại sao lại cao như vậy trong khi các DN kinh doanh xăng dầu vẫn lãi lớn?

- Có hai lý do. Một là, có lãi lớn do chi phí định mức cao, chi phí mà Nhà nước cho phép DN khấu hao, cho phép trừ vào giá thành cũng rất cao mà không có kiểm toán. Hai là, các khoản chi ngân sách chiếm 1/3, thậm chí tới một nửa tổng giá thành như một khoản thu bù ngân sách cho các khoản thu khác bị hụt, đây không phải lỗi của DN.

Ở đây có hai chi tiết. Thứ nhất, Nhà nước phải có định mức lợi nhuận bình quân hợp lý, tương xứng với các ngành khác, tránh trường hợp DN xăng dầu đã độc quyền lại còn "ăn dày". Thứ hai, các chi phí trung gian, các chi phí sản xuất của DN phải được hạch toán, đảm bảo khách quan, tránh trường hợp mập mờ, sau đó lại "ăn" thêm.

* Nhất quán điều hành giá xăng dầu theo thị trường nhưng những gì diễn ra trên thực tế đang bào mòn lòng tin của người dân và DN. Ông bình luận thế nào về điều này?

- Đợt giảm giá xăng gần đây nhất chịu sức ép của Chính phủ nhiều hơn sự chủ động của các DN xăng dầu. Việc tạo sức ép của Chính phủ là bình thường, nhưng nếu không ép, DN sẽ không giảm giá bán bởi nó là lợi ích. Mặt khác, ép như thế chứng tỏ một sự nhận thức mới, có tiến bộ hơn về điều hành giá xăng dầu, thay vì chỉ xem xét cho hoặc không cho lên giá, còn giảm giá là cho DN chủ động.

Tuy nhiên, các DN kinh doanh xăng dầu phải giải trình rõ hai điểm: Mức giảm đã tương xứng với mức giảm của thế giới chưa ? Thời gian đã nằm trong khuôn khổ cho phép hay chưa ?

* Sức ép giảm giá của Chính phủ chỉ là áp lực ngắn hạn, còn dài hạn, sự minh bạch của các công ty kinh doanh xăng dầu vẫn chỉ là viễn cảnh?

- Nghị định 84 chậm được điều chỉnh và vẫn để như một chỉ dụ, thay vì phải ghi rõ Bộ Công Thương và ngành xăng dầu phải công khai kịp thời, chính xác và có kiểm toán tất cả các hệ số: chi phí giá thành tổng thể, giá mua thầu, chi phí kỹ thuật, định mức, các khoản thu ngân sách công khai.

Đồng thời phải giải thích cái nào cố định, cái nào tăng, cái nào giảm để người dân, DN cũng như các cơ quan kiểm tra biết trước xu hướng điều chỉnh.

Ở đây, DN xăng dầu không có lỗi nhiều, bởi một khi luật pháp không quy định, sẽ không làm vì mất thời gian, thậm chí còn "vạch áo cho người xem lưng". Đây là lỗi của quản lý nhà nước. Nếu cơ quan quản lý nhà nước cho là đã quy định nhưng DN không tuân thủ, tại sao không phạt người đứng đầu DN kinh doanh xăng dầu?

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quản lý kinh doanh xăng dầu: Tránh để đã độc quyền còn "ăn dày"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO