Phải thay đổi chất lượng nguồn nhân lực

LÊ LOAN thực hiện| 01/06/2017 06:24

Về lâu dài, để thay đổi cơ cấu nguồn lực lao động, chúng ta phải có những chiến lược để thay đổi chất lượng nguồn nhân lực.

Phải thay đổi chất lượng nguồn nhân lực

Trước những câu hỏi Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (sau đây gọi tắt là Dự thảo Luật) có thể hỗ trợ gì cho doanh nghiệp, cũng như Việt Nam liệu có mất nhiều đơn hàng khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, TS. Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn Kinh tế Trung ương có những chia sẻ về vấn đề này. 

Đọc E-paper

* Hiện tại Dự thảo Luật đang trong quá trình bàn thảo, theo ông thì luật nên có những quy định gì để giúp phát triển loại hình doanh nghiệp quan trọng này?


- Tôi từng tham gia vào quá trình soạn thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về cơ bản, thông qua khung pháp lý của bộ luật này, Chính phủ sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và vừa có điều kiện phát triển, phát huy vai trò trong tiến trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là song hành cùng khối doanh nghiệp FDI sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Theo đó, những Dự thảo Luật tập trung vào các vấn đề mà doanh nghiệp cần tiếp sức. Mặc dù vậy, thời gian qua vẫn có ý kiến cho rằng Dự thảo Luật chưa đi sâu chi tiết từng lĩnh vực.

Cá nhân tôi nghĩ rằng, vấn đề này cần phải có thời gian để Chính phủ xem xét. Và nếu trong kỳ họp thứ ba Quốc hội Khóa XIV, Dự thảo Luật được thông qua cùng với khoảng thời gian để chuẩn bị các nghị định hướng dẫn thi hành thì Luật sẽ được áp dụng vào đầu năm 2018.

* Các tập đoàn FDI thường đem theo những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, như vậy có ảnh hưởng đến ngành công nghiệp này của Việt Nam không, thưa ông?

- Ta muốn được chuyển giao công nghệ, muốn gia công cho các doanh nghiệp FDI đều phụ thuộc vào công nghiệp hỗ trợ. Hiện nay nước ta chưa có doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp FDI về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nên vẫn có rất nhiều tập đoàn FDI khi đầu tư tại Việt Nam đều kéo các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đi cùng.

Tôi nghĩ, nước ta mời họ tới, phải chuẩn bị cho tốt mọi khâu chứ không nên lo ngại khối doanh nghiệp FDI làm ảnh hưởng đến sự phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

* Theo ông, tình hình nhập siêu tăng gần đây có thể gây lo ngại cho nền kinh tế Việt Nam?

- Về bản chất, nhập siêu là không tốt, nên hướng tới phải là xuất siêu. Tuy nhiên trong điều kiện Việt Nam hiện nay, nhập siêu thời gian gần đây lại có dấu hiệu tích cực, tức doanh nghiệp trong nước nhập nguyên liệu để tự sản xuất do đã tự chủ được kỹ thuật, công nghệ.

Tuy nhiên, Việt Nam muốn thay đổi từ nhập siêu sang xuất siêu thì phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, phải nâng tỷ lệ nội địa hóa trong những sản phẩm công nghệ cao, song muốn làm được điều ấy thì phải có lộ trình trong nhiều năm. Hiện nay, khối doanh nghiệp FDI đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát huy lợi thế cạnh tranh về nguồn nhân lực để phát triển.

* Một số thống kê cho thấy sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ ảnh hưởng nhiều nhất đến những ngành thâm dụng lao động. Ông đánh giá thế nào về sự ảnh hưởng này đến nguồn lao động cũng như tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới?

- Tôi lấy ví dụ, nếu ứng dụng công nghệ tự động trong ngành dệt may, tức những thao tác như cắt, may thì robot đều thay thế được. Nhưng theo tôi, điều chúng ta lo là hơi xa. Dĩ nhiên, trong điều tiết kinh tế, trong điều hành kinh doanh, lo xa là tốt nhưng tôi chắc rằng, dân Mỹ hay dân Hàn Quốc họ không tham gia may từng chiếc áo hay ráp từng đôi giày thay cho dân Việt Nam đâu.

Những nước phát triển mạnh về công nghệ sẽ không cạnh tranh ở lĩnh vực, ngành nghề thâm dụng nhiều lao động. Song về lâu dài, chắc chắn chúng ta phải có những chiến lược để thay đổi chất lượng nguồn nhân lực thì mới có thể thay đổi cơ cấu nguồn lực lao động.

* Ông nghĩ Việt Nam sẽ đứng ở vị trí nào trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

- Việt Nam mới vượt mức nghèo với thu nhập bình quân đầu người 2.000 USD/năm. Nếu muốn nói đến vị trí thì trước hết quốc gia đó phải đạt mức thu nhập bình quân đầu người từ 5.000 - 10.000 USD/năm. Vì vậy không nên nghĩ đến những vị trí còn quá xa.

* Cảm ơn ông!

>>Doanh nghiệp trẻ và bài toán nguồn nhân lực

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phải thay đổi chất lượng nguồn nhân lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO