Nút thắt điện gió

05/12/2013 08:40

Giá thấp là rào cản lớn nhất đối với các dự án điện tái tạo mặc dù Chính phủ đã có cơ chế hỗ trợ.

Nút thắt điện gió

Giá thấp là rào cản lớn nhất đối với các dự án điện tái tạo mặc dù Chính phủ đã có cơ chế hỗ trợ.

Dự án điện gió Bạc Liêu do Công ty Công Lý đầu tư - Ảnh: nangluongvietnam.vn

>Năng lượng tái tạo: Trước lực cản EVN
>Cần phát triển nguồn năng lượng sạch
>
Bước ngoặt của điện gió Việt Nam
>Điện gió & Quạt gió bơm nước
>
Không phải đối tác nào cũng hiểu về điện gió

Sau một thời gian dài chờ đợi, ông Tô Hoài Dân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý, cuối cùng cũng thở phào nhẹ nhõm khi Chính phủ thông qua giá bán điện mới của dự án điện gió Bạc Liêu do công ty ông đầu tư.

Ông cho biết giá chính thức mà công ty ông bán điện cho Tập đoàn Điện lực (EVN) đã được Chính phủ thông qua là 9,8 cent/kWh. Dù vẫn còn thấp hơn mức 12 cent/kWh theo đề xuất của nhà đầu tư, nhưng mức giá này đã cao hơn 2 cent so với giá Chính phủ quy định trước đó trong Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ cho các dự án điện gió.

“Như vậy cũng là tốt rồi,” ông Dân nói và cho biết nếu Chính phủ vẫn áp mức giá theo Quyết định 37 đối với dự án điện gió Bạc Liêu thì chắc chắn công ty ông sẽ bị lỗ.

Lý do là suất đầu tư của dự án điện gió Bạc Liêu rất cao. Theo báo cáo của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng hồi tháng 7, dự án Bạc Liêu có tổng công suất 99,2 MW và tổng vốn đầu tư 4.893 tỉ đồng cho cả hai giai đoạn. Suất đầu tư của dự án là 2.371 USD/kWh.

Theo giải trình của Công ty Công Lý, suất đầu tư cao là vì dự án sử dụng công nghệ turbin gió hiện đại do Tập đoàn General Electric cung cấp. Hơn nữa, vị trí dự án nằm ven biển, cách bờ 300 m, khiến cho chi phí xây dựng tăng cao.

Với mức giá mới đã được thông qua, ông Dân cho biết Công ty Công Lý sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn hai của dự án vào năm sau. Hiện tại, Công ty đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Phát triển Việt Nam nhằm thu xếp tài chính cho giai đoạn hai.

Chính phủ đang khuyến khích các công ty tư nhân làm, để tăng nguồn cung cho hệ thống điện quốc gia và đảm bảo an ninh năng lượng. Tuy nhiên, cho đến nay, có rất ít nhà đầu tư tư nhân hưởng ứng.

Có thể nói việc Công Lý đầu tư vào lĩnh vực điện gió cách đây vài năm là một quyết định có phần mạo hiểm. Hiện nay, đây là dự án điện gió thứ hai được đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân tại Việt Nam, cho dù Chính phủ đã ban hành Quyết định 37 quy định về cơ chế ưu đãi, hỗ trợ các dự án điện gió từ năm 2011.

Và đây cũng là quyết định duy nhất liên quan đến cơ chế hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam cho đến thời điểm này. Trước khi dự án Bạc Liêu được xây dựng, Công ty Năng lượng Tái tạo Việt Nam đã xây dựng một dự án tại Bình Thuận.

Theo ước tính của Vụ Năng lượng mới và Năng lượng Tái tạo thuộc Bộ Công Thương, ước tính tiềm năng điện gió ở Việt Nam vào khoảng 7.000 MW. Ông Werner Kossmann, tư vấn trưởng của Dự án Hỗ trợ Năng lượng tái tạo thuộc tổ chức GIZ (Đức), cho rằng tiềm năng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió, ở Việt Nam không thua kém gì Malaysia, Indonesia hay Thái Lan.

Dù tiềm năng lớn nhưng điện gió tại Việt Nam chưa thể cất cánh. Lý do, theo ông Kossmann, nằm ở vấn đề giá. “Giá thấp là rào cản lớn nhất đối với các dự án điện tái tạo, mặc dù Chính phủ đã có cơ chế hỗ trợ nhằm giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro khi bước chân vào ngành này”, ông nói.

Theo ông, Chính phủ Việt Nam tương đối chậm trong việc xây dựng cơ chế hỗ trợ giá này so với các nước khác trong khu vực. Ông nói rằng Thái Lan hoặc Malaysia đã thành công trong việc phát triển năng lượng tái tạo nhờ cơ chế hấp dẫn do Chính phủ ban hành.

Trong sơ đồ quy hoạch điện từ năm 2010 đến năm 2020, Chính phủ Việt Nam cũng đặt mục tiêu đưa 1.000 MW điện gió đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Nhưng trong báo cáo trình lên Chính phủ gần đây, Bộ Công Thương thừa nhận mục tiêu này đang bị đe dọa vì thu hút đầu tư vào lĩnh vực này vẫn rất khó khăn.

“Giá điện gió quy định tại Quyết định 37 tương đương 7,8 cent là không hợp lý và không đủ để khuyến khích phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam”, báo cáo viết. Cũng theo báo cáo này, tất cả nhà đầu tư đã và đang chuẩn bị xây dựng dự án điện gió đều đề xuất mức giá bán điện cao hơn mức quy định 7,8 cent.

Ông Kossmann cho rằng toàn thị trường chỉ có hai dự án điện gió làm được mà thôi, nhưng có tới 50-60 nhà đầu tư đăng ký và đang đợi điều kiện tốt hơn để thực hiện đầu tư vào lĩnh vực này. Tại Ninh Thuận và Bình Thuận, hai tỉnh được cho là có tiềm năng lớn nhất về điện gió tại Việt Nam, đã có hàng chục nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký đầu tư vào các dự án điện gió.

“Tôi nghĩ Chính phủ cần cân nhắc quyết định trên và nhìn theo một khía cạnh rằng tại sao hiện nay các nhà đầu tư lại không đầu tư theo cơ chế hỗ trợ hiện hành. Việc xem xét lại cơ chế hỗ trợ là điều rất quan trọng”, ông nói.

Các nhà đầu tư hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ thấp cho các dự án điện gió để giảm chi phí đầu tư và như vậy vẫn có thể có lợi nhuận với mức giá 7,8 cent. Nhưng theo ông Kossmann, điều đó đồng nghĩa với việc chi phí bảo dưỡng và vận hành sẽ tăng, độ rủi ro trong vận hành cao hơn và lợi nhuận sẽ không bền vững.

Có lẽ việc Chính phủ chấp nhận một mức giá cao hơn đối với dự án Bạc Liêu được xem là một tín hiệu đáng mừng đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực điện gió. “Tôi tin rằng mức giá sẽ dần tăng lên trong thời gian tới,” ông Dân, Công ty Công Lý, nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nút thắt điện gió
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO