Nỗi lo lạm phát trở lại làm chuyển màu bức tranh kinh tế

GIA MINH/DNSGCT| 19/07/2016 06:17

Nhiều chuyên gia e ngại lạm phát đang trên đà tăng tốc.

Nỗi lo lạm phát trở lại làm chuyển màu bức tranh kinh tế

Tại hội thảo “Diễn biến giá cả thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2016” do Học viện Tài chính tổ chức ngày 7/7, các chuyên gia đều e ngại lạm phát đang trên đà tăng tốc. Nhận định này phù hợp với các số liệu từng được công bố.

Đọc E-paper

Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ, có đến 10 nhóm tăng trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất, với mức tăng 2,99%. Nguyên nhân chính là do giá xăng dầu tăng vào các ngày 20/5 và ngày 4/6 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 6,46% so với tháng trước, làm tăng chỉ số giá tiêu dùng chung khoảng 0,27%.

Dù mức tăng của tháng 6 là khá cao nhưng tốc độ tăng tương đối thấp nhờ giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định, một số mặt hàng như nhiên liệu, chất đốt, sắt thép còn có xu hướng giảm, khiến giá trong nước cũng được điều chỉnh giảm.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều hành lãi suất và tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, góp phần quan trọng vào kiềm chế lạm phát trong 6 tháng qua.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tiếp trong 6 tháng đầu năm đã dấy lên những quan ngại về việc lạm phát sẽ quay trở lại. Chỉ số giá tiêu dùng năm nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng mạnh do tác động của thị trường thế giới về giá lương thực, nhiên liệu trong thời gian tới. Đặc biệt, những rủi ro tiềm ẩn về giá điện, giá nước, giá dịch vụ y tế, giá xăng dầu tăng lại là áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát trong năm nay.

Tính từ tháng 2/2016, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) – chỉ số cơ bản để đo lường lạm phát – đã tăng liên tục trong 5 tháng. Đây là một hiện tượng hiếm thấy trong 20 năm qua.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, lạm phát tiềm ẩn khả năng diễn biến bất thường, vì từ nay đến cuối năm 2016 có nhiều yếu tố dự báo sẽ gây áp lực lên CPI, đặc biệt trong nửa sau của năm 2016 khi các mặt hàng y tế và giáo dục được đồng loạt điều chỉnh; thiên tai, thời tiết mất mùa; tăng lương cơ bản; độ trễ của tăng cung tiền; áp lực tỷ giá… Ông Long dự báo năm 2016 khó thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 5%.

Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại Lê Quốc Phương phân tích 6 tháng cuối năm, CPI có thể tăng cao ở mức 2,7 – 3% là do giá hàng hóa thế giới có xu hướng tăng và giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục tiếp tục được điều chỉnh. Khả năng tăng trưởng tín dụng năm 2016 lên trên 20% để đổ vào các khu vực có tính đầu cơ như chứng khoán, bất động sản cũng có thể đẩy giá lên.

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội - cũng dự báo lạm phát sẽ ở mức 5,2 - 5,5% trong năm 2016, cao hơn chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm, tuy nhiên trong điều kiện hiện nay đó cũng là một thành công trong công tác điều hành giá cả của nhà nước.

Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng trong 6 tháng cuối năm 2016, công tác quản lý, điều hành giá sẽ gặp nhiều thách thức do vẫn còn nhiều yếu tố có thể tác động mạnh đến chỉ số CPI. Trong đó sức ép từ cân đối ngân sách, việc tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ công (y tế và giáo dục) theo lộ trình thị trường, chính sách điều hành tỷ giá và mặt bằng lãi suất trong thời gian tới sẽ là những nhân tố cần được quan tâm, theo sát để điều hành cho phù hợp với diễn biến thị trường và thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát như đã đề ra.

Dù khẳng định lạm phát đang được kiểm soát nhưng trong báo cáo gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tỏ ra hết sức lo ngại khi “vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao”. Cơ quan này lưu ý, thời gian tới nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là trọng tâm hàng đầu. Điều này đặt ra cho Chính phủ nhiều cố gắng để đưa nền kinh tế vượt khó.

>>Nền kinh tế nhìn từ những động lực

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi họp Chính phủ hồi đầu tháng 7 nói rằng xuất khẩu là kênh quan trọng nhất cho tăng trưởng và yêu cầu Bộ Công thương có chuyên đề riêng để xuất khẩu tăng trưởng hơn nữa trong những tháng cuối năm.

Theo ông, Bộ Công thương đang quản lý nhiều ngành hàng, lĩnh vực quan trọng, nếu không chấn chỉnh lại để phát triển mạnh mẽ thì rất khó đạt kế hoạch, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo bị sụt giảm như vậy thì cần phải tính toán lại một cách bài bản và có hệ thống hơn.

Hàng nông sản Việt Nam hiện phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, trong 5 tháng đầu năm nay, 11% nguồn thu xuất khẩu là từ thị trường Trung Quốc.

Vào cuối tháng trước, Tổng cục Thống kê cho biết GDP 6 tháng đầu năm 2016 ước tính tăng 5,52% so với cùng kỳ năm 2015. Mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đề ra cho cả năm 2016 là 6,7%.

Các nguyên nhân gây ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế gồm thương mại và đầu tư chậm lại trên toàn cầu, những biến động khó lường tại các thị trường tài chính tiền tệ trên thế giới. Các yếu tố khác là nạn hạn hán trầm trọng nhất trong nhiều thập niên nay trong khu vực, gây thiệt hại tới 681 triệu USD cho Việt Nam. Vụ cá chết ở miền Trung cũng được coi là một nguyên nhân.

Được biết Chính phủ sẽ không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng cho cả năm nay. Như vậy, với tốc độ tăng khá thấp của GDP trong 2 quý đầu năm, để đạt mục tiêu tăng trưởng chung 6,7% cho cả năm nay thì tăng trưởng trong 2 quý cuối năm ước tính phải đạt 7,6%.

Mặc dù tăng trưởng GDP quý II đã có sự cải thiện nhẹ so với quý I và dự báo tăng trưởng trong quý III và IV có thể tăng tốc mạnh hơn nữa do yếu tố mùa vụ, nhưng việc hoàn thành mục tiêu 6,7% như trên sẽ là thách thức không nhỏ cho Chính phủ.

Trên thực tế, trong bối cảnh lạm phát tăng trở lại và tỷ lệ nợ công/GDP đang tiệm cận dần mức trần Quốc hội cho phép (65%) thì Chính phủ cũng không còn nhiều dư địa chính sách để có thể “xoay trở”. Các giải pháp vì vậy cũng sẽ hướng đến sự thay đổi về chất nhằm nâng cao năng suất lao động và hiệu quả của nền kinh tế thay vì tăng mạnh cung tiền hay chi tiêu công.

Đã có ý kiến của vài chuyên gia đề nghị một số giải pháp nhằm thúc đẩy GDP trong thời gian còn lại của năm 2016 bao gồm:

– Duy trì chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng với liều lượng vừa phải bằng cách tạo điều kiện thuận lợi để kích thích dòng tín dụng chảy vào nền kinh tế với mức tăng trưởng từ 18 – 20% cho cả năm nay.

– Đẩy mạnh vốn giải ngân đầu tư công khi mà 5 tháng đầu năm mới chỉ giải ngân được 81.876 tỷ đồng, tương đương 32,6% kế hoạch năm. Hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ rất thuận lợi trong 2 quý vừa qua nhưng nếu không giải ngân được nguồn vốn này thì sẽ lại xuất hiện hiện tượng tiền chỉ quanh quẩn trong hệ thống ngân hàng chứ không vào được nền kinh tế.

– Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực cho khu vực doanh nghiệp tư nhân.

– Tăng sản lượng khai thác dầu thô thêm khoảng 2 triệu tấn, mà theo tính toán của Tổng cục Thống kê, mỗi tấn dầu khô khai thác sẽ giúp GDP tăng trưởng thêm 0,3%. Giải pháp này cũng đang được hậu thuẫn nhờ xu hướng hồi phục khá tích cực của giá dầu thô thế giới.

>>Vì sao giá dầu thô giảm 40%, giá xăng chỉ giảm 12%?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nỗi lo lạm phát trở lại làm chuyển màu bức tranh kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO