Nợ công không chỉ là gánh nặng ngân sách

Chuyên gia kinh tế PHẠM CHI LAN| 11/11/2015 01:38

Dân chưa kịp giàu, nền kinh tế chỉ mới phục hồi một chút, việc tăng thêm gánh nặng các mức phí cho doanh nghiệp, người dân thì rất khó có tăng trưởng dài hạn.

Nợ công không chỉ là gánh nặng ngân sách

Báo cáo kinh tế quý 3 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố tuần trước phản ánh khá rõ bức tranh kinh tế năm nay.

Đọc E-paper

Phục hồi kinh tế tương đối rõ, chỉ số cơ bản về sản xuất công nghiệp, lạm phát duy trì ở mức khá thấp, thậm chí thấp hơn mức Quốc hội đặt ra hồi đầu năm. Bức tranh kinh tế như vậy thể hiện những điểm đáng mừng, giúp nền kinh tế ra khỏi những khó khăn của những năm vừa qua, chuẩn bị tốt hơn cho 5 năm tới.

Tuy nhiên, xuất khẩu khó đạt được chỉ tiêu tăng 10% như Quốc hội đề ra do những điều kiện rất khó khăn trên thị trường thế giới, cũng như nguồn lực thực chất của nước ta không còn nhiều để tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu. Đặc biệt, nợ công vẫn tăng cao và trở thành vấn đề bức bách từ năm ngoái đến năm nay và trong năm nay nó thể hiện liên tục từ quý này sang quý khác.

Qua các diễn đàn kinh tế, các cuộc thảo luận và ngay trong báo cáo của Chính phủ tại phiên họp Quốc hội kỳ này cũng thể hiện mối lo ngại rất lớn về nợ công.

Con số nợ công chính thức hiện nay, như Thủ tướng báo cáo với Quốc hội là ở mức 61,3% GDP, tức là vẫn dưới ngưỡng Quốc hội cho phép, trong khi có con số khác tới 64,4%. Nhưng dù theo con số nào thì tính bức bách của nợ công vẫn rất lớn.

Nợ công tăng lên cùng lúc với việc nước ta chưa cải thiện được cách thức đầu tư, cách thức chi tiêu ngân sách. Chi thường xuyên từ ngân sách vẫn tiếp tục tăng, đầu tư cho phát triển vẫn hạn chế, chất lượng của đầu tư chưa được cải thiện, vẫn manh mún, dàn trải, khó kiểm soát. Khát khao đầu tư của các tỉnh - thành vẫn rất lớn, trong đó có những công trình chưa cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Nợ công tăng cũng đẩy bội chi ngân sách tăng lên. Một khi bội chi ngân sách tăng sẽ buộc các cơ quan nhà nước tận thu từ các nguồn khác nhau, nhằm có thêm nguồn thu cho ngân sách. Cạnh đó, việc tăng thu ngân sách chưa phục vụ cho đầu tư, vẫn phục vụ cho chi thường xuyên nhiều hơn.

>>Tổng thu ngân sách tăng 7,9% trong 5 tháng đầu năm

Thực tế, việc nỗ lực giảm chi thường xuyên không làm được bao nhiêu mà vẫn tiếp tục tăng và trở thành gánh nặng của ngân sách. Cũng để tăng thu ngân sách, Chính phủ bàn đến chuyện bán một số tài sản thuộc về Nhà nước đã đầu tư phát triển trong thời gian qua.

Ví dụ, bán đường cao tốc, bán một số cơ sở hạ tầng, các công trình được làm từ vốn ODA để lấy tiền đầu tư tiếp, nhưng về bản chất, đó cũng là một cách bán tài sản.

Gần đây nhất, Chính phủ cho phép SCIC bán cổ phần 10 doanh nghiệp nhà nước. Động thái đó là tốt theo cách thức tiếp tục con đường cải cách doanh nghiệp, Nhà nước rút ra khỏi khu vực mang tính chất thương mại và để cho thị trường quyết định. Nhưng nếu vì bí nguồn thu mà bán tài sản, thì đó lại là vấn đề rất cần xem xét.

Một vấn đề nữa, việc tăng thu tràn lan đang gây bức xúc cho xã hội. Đáng lẽ, vào thời điểm ổn định giá cả và lạm phát rất thấp như hiện nay, Nhà nước phải tạo cho người dân một cuộc sống dễ chịu hơn, các hoạt động của doanh nghiệp khởi sắc hơn, để khôi phục sản xuất, kinh doanh, tăng cường đầu tư phát triển, từ đó có thêm nguồn để nộp cho ngân sách dài hạn, nhưng nước ta chưa làm theo cách đó.

Những gì đang diễn ra trên thực tế cho thấy doanh nghiệp và người dân đã phải đóng quá nhiều loại phí, chưa được hưởng lợi từ việc ổn định kinh tế vĩ mô, từ tăng trưởng cao hơn trong năm nay.

Quốc hội ở kỳ họp trước đã rất bức xúc về việc mấy chục loại phí khác nhau, một con lợn phải chịu 51 loại phí, một quả trứng gà phải chịu 14 loại phí. Đến nay, các khoản phí ấy không những chưa thay đổi mà còn tăng lên, chẳng hạn tăng chi phí về giáo dục, y tế trực tiếp lên tất cả người dân.

Dân chưa kịp giàu, nền kinh tế chỉ mới phục hồi một chút, việc tăng thêm gánh nặng các mức phí cho doanh nghiệp, người dân thì rất khó có tăng trưởng dài hạn.

HẢI VÂN ghi

>>DN Việt bị hạn chế cạnh tranh do gánh nặng cước phí

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nợ công không chỉ là gánh nặng ngân sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO