Những mùa nước nổi…

PHAN THỊ TUYẾT MAI| 18/11/2011 09:07

Hằng năm, cứ vào mùa nước nổi, miệt Đồng Tháp Mười thuộc Long An quê tôi nước lên trắng xoá, từ tờ mờ sáng đến chiều tối khắp xóm tôi vang lên tiếng rao lanh lảnh: “Cá linh tươi đây! Ai mua cá linh không?”.

Những mùa nước nổi…

Hằng năm, cứ vào mùa nước nổi, miệt Đồng Tháp Mười thuộc Long An quê tôi nước lên trắng xoá, từ tờ mờ sáng đến chiều tối khắp xóm tôi vang lên tiếng rao lanh lảnh: “Cá linh tươi đây! Ai mua cá linh không?”.

Cá linh nấu canh chua bông so đũa, nấu lẩu bông điên điển, rồi cá linh kho mía, cá linh cuốn bánh tráng... là món ăn khoái khẩu, là hồi ức tuổi thơ mà sau này, khi rời xa quê hương, lập nghiệp ở Sài Gòn, tôi đã thèm biết mấy những món ăn ngày xưa đó!

Cả nhà tôi có bốn chị em, đứa em gái kế kém tôi ba tuổi, từ ngày nhỏ chơi trò chơi với mấy đứa trẻ trong xóm, nó đã luôn thích đóng vai cô giáo dạy học. Ngày tôi nhận bằng tốt nghiệp đại học, cũng là ngày em gái tôi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm.

Sau đó, tôi lên Sài Gòn làm việc, còn em tôi thì tuyên bố là sẽ đi nhận nhiệm sở theo sự phân công, tức gõ đầu trẻ ở nơi khỉ ho cò gáy Tân Thạnh, Mộc Hóa, một năm ngập lụt đôi ba tháng. Đã vậy, nó phải dạy tiểu học theo nhu cầu của địa phương.

Má tôi thì khóc bu lu bù loa vì thương con gái. Ba tôi thì chấp tay đi tới đi lui, lẩm bẩm: “Bỏ nhận nhiệm sở đi con ơi!”. Ông không ngừng trách móc người anh chú bác với tôi lúc ấy là Phó Phòng Giáo dục Tân An: “Thằng Ba làm tới chức đó mà không phân công em gái mình về thị xã!”.

Mặc cho ai nấy lo lắng, em gái tôi vẫn phấn khích ra mặt, hào hứng sắp xếp hành lý lên đường. Nó an ủi ba má tôi là chỉ đi khoảng hai năm là có thể chuyển về thị xã, nó còn thủ thỉ: “Nếu ai cũng bỏ nhiệm sở thì ai sẽ dạy mấy đứa trẻ ở đó hả ba?”. Vậy là em tôi lên đường. Năm ấy nó vừa tròn 20 tuổi.

Thấm thoát hai năm, em gái tôi sống và dạy học với học trò vùng muỗi kêu như sáo thổi, đêm đêm trăn rắn bò vào quấn cột nhà. Lần đầu tiên lên thăm em, tôi phát hoảng vì nó ra lộ cái đón tôi bằng chiếc xuồng ba lá do nó tự chèo.

Trời đất, tôi không thể tưởng tượng ngôi nhà sàn lợp lá lụp xụp, xung quanh toàn là nước, vậy mà em gái tôi đã ở gần hai năm qua!

Xuồng cặp sàn nhà, tôi run rẩy bò lên, vì sợ trượt té bởi vốn dĩ chẳng biết bơi. Xung quanh nhà nó phơi đầy khô cá lóc. Em tôi cười bảo:

“Ngày mai chị về, đem khô về cho ba má, ăn còn bao nhiêu nói má đem bán dùm em, mua tập viết gởi lên cho em, mấy đúa nhỏ tội nghiệp lắm, thiếu tùm lum hết”.Đêm nằm nghe nó tỉ tê kể chuyện dạy học, nghe tiếng ễnh ương, ếch nhái kêu, tôi buồn thúi ruột.

Tôi thốt lên: “Về đi em, không dạy học ở đây nữa, không thể chôn đời con gái ở mãi nơi này”. Em tôi chỉ cười, chỉ tay vào rổ trứng gà:

“Tội nghiệp nhà đứa học trò, gà đẻ lứa đầu tiên, hốt hết trứng đem cho em đó. Có đứa nhà có nải chuối cũng đem cho cô giáo. Có đứa má sanh em bé không cho đi học, em phải năn nỉ đem xuồng qua rước. Mùa gặt lúa, có đứa phải nghỉ học phụ gia đình, em phải tới nhà xin cho nó đi học”.

Buổi sáng theo em gái qua lớp học, tôi đau lòng khi thấy mấy đứa trẻ xắn quần qua đầu gối, vạt áo trắng cũ mèm buộc túm phía trước, ngồi chồm hổm trên ghế vì trường lớp ngập trong nước, rạp mình xuống nắn nót tập viết.

Tôi hiểu vì sao em tôi không thể rời bỏ nơi này. Ra đi là sự bỏ chạy khỏi những đôi mắt trong sáng, đầy niềm tin, khát khao học chữ của những đứa trẻ nghèo này.

Vậy là em gái tôi đã là cô giáo vùng nước nổi suốt 12 năm. Mỗi năm, cứ gần đến ngày tựu trường, nó về nhà kêu gọi “nhà tài trợ” là ba tôi, má tôi, và dĩ nhiên tôi là “mạnh thường quân” của nó.

“Chị mua cho em vài chục bộ đồ đồng phục học sinh, nhớ mua nhiều cỡ khác nhau để có thể đứa học lớp 1 tới lớp 5 đều mặc được. Chị nhớ xin sách giáo khoa cũ, nếu có tiền thì mua mới càng tốt, ở đây thiếu sách lắm, với lại học trò em quá nghèo, không có tiền mua. Chị nhớ mua thêm cho em mấy chục cuốn tập nữa nghe...”.

Em gái tôi đã dành hết tiền lương của mình cho học trò, còn tôi và cả nhà trở thành “mạnh thường quân” bất đắc dĩ cho cô trò của nó suốt 12 năm. Cảnh nghèo, nước lụt không ngăn được thành tích của cô trò nó. Em gái tôi là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, còn học trò nó luôn đạt tỷ lệ lên lớp cao.

Ngày nó lấy chồng, rời xa vùng nước nổi, học trò khóc sướt mướt, chạy theo nắm tay, nắm áo cô giáo. Em gái tôi nước mắt lưng tròng vì xa đám học trò cưng...

Vừa rồi đài báo liên tục đưa tin nước ngập vùng Đồng Tháp Mười, lại ngập sâu, là mùa nước nổi lớn nhất trong 10 năm qua, em gái tôi bồn chồn không yên, lúc nào cũng lẩm bẩm: “Không biết tụi nhỏ có đến trường được không?”.

Nó lại lui cui đóng gói quần áo cũ, tập vở học sinh, bút viết gửi lên trường xưa... 

(Thương tặng cô giáo An của chị)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những mùa nước nổi…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO