Nhóm lợi ích và lợi ích nhóm

NGUYỄN VI KHẢI - Nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, HẢI VÂN ghi| 04/12/2013 00:58

Nhóm lợi ích và lợi ích nhóm là hiện tượng gắn kết giữa một số doanh nghiệp với những người có quyền lực tạo thành mối quan hệ ngầm chi phối xã hội, làm méo mó chính sách.

Nhóm lợi ích và lợi ích nhóm

Tại Hội nghị lần thứ III Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu khai mạc đã chỉ ra vấn đề lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ, đồng thời yêu cầu Quốc hội có trách nhiệm có giải pháp xử lý.

Đọc E-paper

Đây là cách đặt vấn đề rất cần thiết. Trong buổi tiếp xúc cử tri Hải Phòng đầu tháng 5/2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định: "Cần kiên quyết loại bỏ nhóm lợi ích".

Thủ tướng chỉ rõ, nhóm lợi ích có thể hiểu là nhóm người có chức quyền câu kết với nhau nhằm trục lợi cá nhân, điều này là trái với luật pháp, ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người khác, đi ngược với lợi ích của đất nước, của nhân dân.

Đặc biệt hồi tháng 9/2012, trong Báo cáo "Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu", Ủy ban Kinh tế Quốc hội lần đầu tiên đưa ra một loạt những nhận định thẳng thắn về lợi ích nhóm. Ủy ban này cho biết những nhóm lợi ích ở Việt Nam hoạt động rất linh hoạt, theo từng vụ việc, vây quanh một số cá nhân nhất định.

Lợi dụng tính thiếu công khai, minh bạch, các nhóm lợi ích thường tiếp xúc theo "quan hệ” cá nhân. Lợi ích nhóm ở Việt Nam có đặc trưng là liên quan đến những người có chức, có quyền, nhất là quyền liên quan đến cán bộ, tài chính, ngân sách, đầu tư, đất đai, rừng biển...

Không khó để nhận diện nhóm lợi ích ở Việt Nam. Trong một đề tài nghiên cứu hồi tháng 4/2013, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cũng đã chỉ rõ: Nhóm lợi ích và lợi ích nhóm "theo xu hướng tiêu cực như một hiện tượng bùng nổ không chỉ thuần túy xuất hiện rất "nóng" về ngôn ngữ, mà là sự phản ánh thực tiễn có vấn đề như hiện tượng giàu lên rất nhanh, có nhiều nhà đất và có khối lượng lớn về tài sản, tiền bạc của một số cán bộ có chức, có quyền trong một số cơ quan nhà nước.

Khảo sát năm 2012 của Thanh tra Chính phủ chủ trì thực hiện cho thấy gần 16% cán bộ công chức thừa nhận bắt gặp hành vi của cán bộ, công chức gọi điện, viết thư can thiệp nhằm mưu lợi cho người thân trong 12 tháng qua, gần 22% cán bộ, công chức bắt gặp hành vi của cán bộ, công chức khác cố tình gây khó khăn khi giải quyết công việc để đòi hối lộ.

Nhóm lợi ích và lợi ích nhóm là hiện tượng gắn kết giữa một số doanh nghiệp với những người có quyền lực tạo thành mối quan hệ ngầm chi phối xã hội, làm méo mó chính sách. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay phải dành nhiều tiền bạc và thời gian để chăm sóc cho các mối quan hệ với quan chức nên tạo ra một môi trường kinh doanh không lành mạnh.

Doanh nghiệp sẽ không định hướng kinh doanh vào việc nâng cao hiệu quả năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, mà chỉ cần dựa vào các mối quan hệ thân hữu, nhiều khi chỉ cần một cuộc điện thoại, qua một đêm họ đã trở thành tỷ phú.

Ngăn chặn nhóm lợi ích và lợi ích nhóm là một trong quá trình không khác gì chống tham nhũng. Cái gốc của vấn đề là dân chủ, công khai, minh bạch, dựa vào dân - cộng đồng và hệ thống luật pháp, nghiêm minh. Đây là vấn đề thuộc quan điểm - nhận thức, không thể vội vàng hô hào dẹp bỏ, loại trừ... là được ngay. Chỉ có dân chủ, công khai, minh bạch thì mới hạn chế quan liêu, độc quyền.

Hệ thống pháp luật của chúng ta còn quá nhiều vấn đề khiến cho nhóm lợi ích và lợi ích nhóm vẫn "sống khỏe", tham nhũng có chỗ dựa vững chắc vì cơ chế kiểm soát quyền lực không đầy đủ, không rành mạch, cơ chế kiểm soát quyền lực từ bên trong kém hiệu quả. Việc sửa đổi Hiến pháp 1992 còn lúng túng trong việc hình thành cơ chế Bảo hiến độc lập (Hội đồng Bảo hiến hoặc Tòa án Hiến pháp).

Cơ chế kiểm soát quyền lực từ bên ngoài còn yếu: thiếu nhiều luật liên quan đến vai trò giám sát, phản biện xã hội của nhân dân (Luật về Quyền lập Hội, Luật về Quyền Tiếp cận thông tin, Quy chế Giám sát và Phản biện Xã hội...). Việc lắng nghe ý kiến phản biện của các tổ chức xã hội trong Mặt trận Tổ quốc chưa được coi trọng đúng mức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhóm lợi ích và lợi ích nhóm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO