Người Trung Quốc và mạng xã hội WeChat

ĐỖ KHẢI LY| 06/11/2016 06:53

Áp dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống không phải chuyện quá xa lạ, nhưng sử dụng một mạng xã hội cho toàn thể người dân, với sim "chính chủ" như thế, chắc mạng xã hội cũng bớt thị phi vô bổ.

Người Trung Quốc và mạng xã hội WeChat

Lần thứ hai đến Trung Quốc, tôi vẫn bực mình vì không mua được sim điện thoại tại sân bay, phải đến một bưu điện ở trung tâm thành phố. Mất gần 30 phút cho việc xem xét hộ chiếu và visa, trả lời vài câu hỏi, điền mẫu và ký giấy tờ mới nhận sim.

Đọc E-paper

Nhớ năm ngoái, tôi xem nhẹ lời dặn của cô tình nguyện viên về chuyện trả lại sim điện thoại trước khi ra sân bay, đến mức cô ấy phải chạy đến gặp và dẫn tôi tới bưu điện. Bởi vì chỉ có tôi mới làm được thủ tục trả lại sim.

Lần này có bạn bè nhiều hơn, trò chuyện nhiều hơn, mới hú vía, nếu không trả cái sim ấy, tôi sẽ rắc rối ở cửa hải quan xuất cảnh, và tên tôi sẽ có một "vết đen" trên hồ sơ xin cấp visa. Tôi không muốn nghĩ hay so sánh gì với núi sim rác ở Việt Nam, hay chuyện mua sim mới dễ dàng thế nào. Tôi chỉ muốn biết có cái gì quan trọng ở cái sim Trung Quốc.

Ví dụ tôi đến Trung Quốc trong thời gian dài để làm việc hay học tập, muốn mua sim điện thoại dùng ổn định sẽ phải đem từ nhà hộ chiếu, có visa dài hạn, bản photo có công chứng gồm hộ khẩu ở nơi cũ, giấy khai sinh. Chưa hết, Công ty China Telecom sẽ gửi yêu cầu đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam xác minh nhân thân tôi có tốt hay không, xong hết thì được nhận sim và mở thẻ ngân hàng.

Chiếc sim điện thoại sẽ mở ra rất nhiều cánh cửa vào cuộc sống, không phải những thắng cảnh nổi tiếng mà khách du lịch đi tour thường thấy. Nó dẫn vào đời sống mà mỗi ngày người Trung Quốc trải qua, ví dụ hộ chiếu và số điện thoại sẽ dùng nối thẳng vào ngân hàng để mở một tài khoản, rồi có bao nhiêu tiền bỏ hết vào đó.

Nhớ lần tôi chạy ra vẫy taxi, xung quanh người ta nhìn tôi hết sức ngạc nhiên. Lái xe taxi thì phớt lờ và vội chạy đi đâu không rõ. Mọi chuyện là do tôi đã không ở trên "WeChat" như người dân Trung Hoa. Phải vào "Wechat" mà đặt taxi và trả tiền luôn, xe sẽ đến ngay. Đi siêu thị ư, mua hàng xong thì mở điện thoại lên, cũng vào WeChat mà đánh lệnh thanh toán.

Tóm lại, có sim điện thoại để làm gì? Để mở tài khoản WeChat và để sống, để sinh hoạt mỗi ngày, để đi lại, mua bán và rất nhiều thứ giao dịch trong cuộc sống. Nhưng sức ảnh hưởng của WeChat đến đâu? Cứ tưởng chỉ mỗi người trẻ sống "Wechat", ngủ "WeChat", phụ thuộc vào mạng xã hội này giống như một tỷ cư dân mạng ảo đang phụ thuộc vào Facebook, tuy nhiên, sau một thời gian dài công tác ở đây, tôi nhận ra không có ai gọi điện thoại cho tôi, và tất cả sử dụng ứng dụng thoại miễn phí để nói chuyện qua WeChat.

Không chỉ người trẻ, mà cả người già, không chỉ người nghèo, mà cả các triệu phú, tất cả đều ở trên mạng xã hội do người Trung Quốc tạo ra và điều khiển, đưa nó vào cuộc sống của tất cả mọi người dân. Tất cả đối tác đều dùng WeChat để liên lạc với tôi, các hội thảo quốc tế lớn được chuẩn bị và liên lạc qua WeChat chứ không phải qua email hay điện thoại.

Bạn tôi, một người trẻ Trung Quốc, nói: "Chúng tôi có ba thứ rất tự hào, đó là Vạn Lý Trường Thành, trà và cách sử dụng smartphone cho mạng xã hội. Mỗi người trả khoảng 70 tệ/tháng cho mạng 3G, và cuộc sống chuyển động trên WeChat giống như mỗi ngày họ ra chiếc xe lái đi đâu đó. Mọi dịch vụ được WeChat kết nối hoàn hảo tới ngân hàng, bệnh viện, nhà trường, giao thông.

Bạn tôi bảo: "Tôi cũng có vài trăm nghìn nhân dân tệ trong tài khoản, nhưng trong ví lại không có tới 100 nhân dân tệ. Tôi sử dụng kết nối của WeChat đến ngân hàng để chi trả mọi thứ. Lái xe thì mở WeChat để biết đường an toàn, không kẹt xe mà vào. Điện thoại khóa bằng vân tay nên khá an toàn".

Áp dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống, không phải quá xa lạ, nhưng sử dụng một mạng xã hội cho toàn thể người dân, với sim "chính chủ" như thế, chắc mạng xã hội cũng bớt thị phi vô bổ.

>Mạng xã hội đang thay đổi ngành ẩm thực thế giới như thế nào?

>Người Nhật dùng mạng xã hội ít nhất thế giới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người Trung Quốc và mạng xã hội WeChat
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO