Người Sài Gòn dễ mến

PHAN CHÁNH DƯỠNG/DNSGCT| 08/02/2014 05:33

Thời gian qua, các phương tiện truyền thông đưa khá nhiều thông tin tiêu cực trong xã hội chúng ta, nào là tệ nạn cướp giật ngang nhiên trên đường phố, tai nạn xe cộ gây chết người hay sự thiếu quan tâm của người dân trong việc bảo vệ môi trường…

Người Sài Gòn dễ mến

Thời gian qua, các phương tiện truyền thông đưa khá nhiều thông tin tiêu cực trong xã hội chúng ta, nào là tệ nạn cướp giật ngang nhiên trên đường phố, tai nạn xe cộ gây chết người hay sự thiếu quan tâm của người dân trong việc bảo vệ môi trường…

Đọc E-paper

Có người cho rằng đó là trách nhiệm của các ngành chức năng, ai can thiệp vào thường bị vạ lây, thậm chí sẽ bị kẻ xấu trả thù. Từ đó nhiều người nghĩ rằng cách bảo vệ mình tốt nhất là không can dự hoặc không giúp người thất thế, nguy nan.

Suy nghĩ trên không chỉ xuất phát từ nhiều lý do cá nhân mà còn có nguyên nhân là tổ chức quản lý an ninh xã hội chúng ta hiện nay chưa thật sự đảm bảo để người dân tin tưởng và an tâm hoàn toàn khi đối phó với cái ác, cái xấu.

Từ đó “tinh thần nghĩa hiệp” của mọi người bị xơ cứng, đến mức không ít người cho rằng dân Sài Gòn ngày nay đã bắt đầu vô cảm với những tiêu cực của xã hội.

Để hiểu rõ hơn người Sài Gòn trước đây hay dân Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay, chúng ta không thể quên về sự hình thành Sài Gòn trong ba trăm năm qua và xa hơn một chút là từ khi chúa Nguyễn vào Đàng Trong khai khẩn mở mang bờ cõi.

Từ giữa thế kỷ XVII, miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng đã là nơi hội tụ của những cộng đồng khác nhau về hoàn cảnh. Lưu dân từ dải đất miền Trung nghèo khó vốn là những người chống lại các định chế phong kiến, những tù nhân được chúa Nguyễn đưa vào đây khẩn hoang lập nghiệp với ít nhiều đặc ân. Rồi quân lính thời ấy vào Nam xây thành đắp lũy, xây dựng bộ máy cai trị.

Sau đó là những cuộc truy kích Nguyễn Ánh của quân Tây Sơn do Nguyễn Nhạc chỉ huy để lại nào quan nào lính bám rễ nơi đây.

Vùng đất sôi động này lại còn có sự hiện diện của thương nhân người Hoa cũng như tàn quân triều Minh bên Trung Quốc mang ý chí phục thù Mãn Thanh và một số người Khmer tha phương cầu thực mà phần lớn lại không phải là những người siêng năng.

Tất cả hội tụ về đây, là những anh hùng bất đắc dĩ mang tính khí của kẻ phiêu lưu, cư xử với nhau có khi như những hảo hán “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”.

Từ ngày người Pháp đặt bước chân xâm lược nước ta và sau đó là một thời gian dài gần 100 năm đô hộ, vùng đất này tiếp cận sớm hơn cả với văn minh phương Tây, với tinh thần duy lý. Tất cả để lại những dấu ấn đậm nét hình thành phong cách của một cộng đồng dân cư mà sau này người Sài Gòn kế thừa gần như đầy đủ.

Xét từ dòng người lưu dân qua nhiều thời kỳ tỏa ra khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến điểm cuối là mũi Cà Mau và sau đó khi nông nghiệp phát triển, rất nhiều người trở nên khá giả đã trở ngược lại đất Sài Gòn hình thành ra một đô thị với nền kinh tế công nghiệp – thương mại – dịch vụ có quy mô lớn nhất miền Nam.

Nếu kể thêm hai lần di dân hàng triệu người vào đất Sài Gòn năm 1954 và sau năm 1975, mới thấy rõ được người Sài Gòn quả là dân tứ xứ và chính cái đặc tính này đã tạo ra một văn hóa chấp nhận sự đa dạng và sống hài hòa giữa mọi khác biệt một cách thoải mái tự tin.

Và dù đến từ đâu, chỉ cần năm, mười năm sống ở đây, ai nấy đều tự hào mình là dân Sài Gòn sẵn sàng cưu mang nhau, một vùng đất lành cho bất cứ ai quyết tâm thực hiện ước mơ lập nghiệp.

Người Sài Gòn có tinh thần hội nhập rất cao, dễ tiếp thu cái mới và cũng luôn có những sáng tạo, vốn là đức tính của lưu dân. Nhưng không vì đặc tính dễ tiếp thu cái mới mà thỏa hiệp với những sai trái, khuất phục trước cường quyền, cam tâm chịu nhẫn nhục với nghịch cảnh.

Điều này chiều dài lịch sử đã chứng minh, gần đây nhất là tinh thần tháo gỡ khó khăn, phá rào bao cấp, tạo tiền đề vật chất cho công cuộc đổi mới của nước ta.

Người Sài Gòn luôn mạnh dạn trong đổi mới, nhưng không vì thế mà quên đi gốc gác của mình, thể hiện trong tập quán mỗi gia đình, dòng họ.Việc tìm về và sẵn sàng đóng góp cho quê nhà luôn được người Sài Gòn xem là một nghĩa vụ, là niềm tự hào riêng.

Chính vì thế mà chưa có địa phương nào như ở Sài Gòn mà các hội đồng hương, hội ái hữu nhiều không thể kể hết, hay những cuộc vận động xây dựng, quyên góp xã hội cho các tỉnh thường tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh luôn được đông đảo người dân hưởng ứng. Đây chính là một đặc điểm của người Sài Gòn xưa nay.

Người Sài Gòn trong thâm tâm không vô cảm, đó là sự khẳng định. Trong tất cả những lần thiên tai xảy ra ở mọi vùng miền của đất nước, người Sài Gòn luôn đi đầu trong mọi cuộc cứu trợ, có sự đóng góp từ các tổ chức phi chính phủ như nhóm từ thiện, chùa, nhà thờ, thậm chí một cộng đồng, mỗi khu phố đều tham gia. Trong đó nguồn vật chất, tiền bạc đều do mọi thành phần người dân trong xã hội quyên góp mới có được.

Trong mười năm qua đã có thêm nhiều tổ chức từ thiện được thành lập như Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP. Hồ Chí Minh, Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Lawrence S. Ting hỗ trợ giáo dục, hoạt động không chỉ giới hạn trong phạm vi thành phố mà còn lan rộng khắp nhiều miền đất nước.

Gần đây là những quán cơm giá 2.000 đồng được các nhà hảo tâm thành lập, đã giúp cho biết bao người lao động nghèo, trong đó có không ít dân nhập cư kiếm sống tại đây, nhẹ bớt gánh nặng mưu sinh.

Đó là chưa kể đến biết bao mái ấm tình thương cho trẻ mồ côi, các làng thiếu nhi, các nhà nghỉ từ thiện dành cho người cơ nhỡ lâu nay đã tạo ấn tượng tốt cho những ai quan tâm đến đời sống xã hội của thành phố này.

Tấm lòng tương trợ thương người của dân Sài Gòn là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc, lại được hun đúc thêm bởi tinh thân lưu dân, lá lành đùm lá rách, hoạn nạn có nhau, suốt cả chiều dài lịch sử cho đến ngày nay vẫn tỏa sáng.

Thế tại sao đối diện với những tiêu cực trong xã hội, với những cái ác, người ta gần như chựng lại? Phải chăng những lực lượng tích cực đó chưa có điều kiện liên kết để đủ sức mạnh áp đảo cái ác, cái xấu trong xã hội ta. Đây cũng là vấn đề lớn mà Nhà nước cần thật sự quan tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người Sài Gòn dễ mến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO