Nâng tầm giao thông và vận tải

PHAN CHÁNH DƯỠNG| 06/08/2011 09:04

Chúng ta thường nói “lộ thông tài thông”, nghĩa là đường lộ phát triển đến đâu thì kinh tế xã hội phát triển đến đó. Nhờ sự phát triển giao thông mà việc làm ăn sinh sống của người dân được cải thiện, cuộc sống ngày càng thịnh vượng, tài lộc đến.

Nâng tầm giao thông và vận tải

Chúng ta thường nói “lộ thông tài thông”, nghĩa là đường lộ phát triển đến đâu thì kinh tế xã hội phát triển đến đó. Nhờ sự phát triển giao thông mà việc làm ăn sinh sống của người dân được cải thiện, cuộc sống ngày càng thịnh vượng, tài lộc đến.

Khi “giao thông” chưa hẳn là “vận tải”

Một đoạn quốc lộ 1A đi ngang tỉnh Tiền Giang

Chúng tôi vừa tham gia chuyến khảo sát 13 tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Ban Tây Nam và chương trình Fulbright tổ chức, nội dung là thử tìm một giải pháp cho sự liên kết kinh tế giữa các tỉnh trong vùng và giữa tỉnh với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP.HCM, vùng Đông Nam bộ).

Nội dung làm việc với các tỉnh đều giống nhau: Buổi sáng, chúng tôi làm việc với lãnh đạo tỉnh và các sở, ban ngành; buổi chiều làm việc với một số doanh nghiệp. Quan tâm lớn nhất của các lãnh đạo tỉnh là giao thông, môi trường, thủy lợi, các ngành sản xuất nông nghiệp, thủy sản, du lịch…

Đối với doanh nghiệp thì giao thông vẫn là hàng đầu, kế đến là hợp đồng giữa khâu cung ứng nguyên liệu nông sản, thủy sản của nông dân với các doanh nghiệp chế biến, vấn đề hợp đồng lao động, lãi suất ngân hàng…

Điều này thể hiện rất rõ và cũng đúng chức năng là phía Nhà nước lo tầm vĩ mô, doanh nghiệp lo tầm vi mô. Nhưng nếu đi sâu thêm thì lại thấy sự khác biệt khá rõ rệt, ở đây chỉ xin bàn riêng về giao thông vận tải.

Ở đây, lãnh đạo các tỉnh quan tâm xây dựng tuyến đường từ trung tâm tỉnh (tỉnh lỵ) hướng đến quốc lộ về phía TP.HCM và các lộ đến huyện, rồi từ huyện đến trung tâm xã; còn các doanh nghiệp thì quan tâm tuyến đường từ vùng nguyên liệu đến nhà máy chế biến và từ đó đến bến cảng xuất khẩu.

Tuyến đường vận tải tốt nhất là tuyến đường đưa được hàng hóa đến thị trường nhanh nhất và chi phí rẻ nhất. Chính quyền địa phương rất thiết tha xây bến cảng tại tỉnh nhà để hỗ trợ doanh nghiệp khỏi phải vận chuyển hàng hóa đi xa, nhưng doanh nghiệp chỉ quan tâm đến các chi phí vận chuyển, lưu kho, bốc dỡ..., chứ không để ý địa phương có sân bay, bến cảng hay không.

Do đó, nhiều doanh nghiệp đã cho chúng tôi biết rằng nếu địa phương có xây cảng đi chăng nữa thì họ cũng không đem hàng đến đó vì tần suất tàu ghé vào nhận hàng xuất khẩu quá thấp (một tuần chỉ vài chuyến), cước phí sẽ rất cao, hàng hóa xuất đi sẽ bị chậm trễ.

Hiện cả nước có trên 20 cảng cho phép tàu nước ngoài cập bến, nhưng có tới trên 80% hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước tập trung ở cảng TP.HCM và cảng Hải Phòng! Rõ ràng là trong khi lãnh đạo các địa phương quan tâm nhiều cho giao thông (mở mang các tuyến đường), thì các doanh nghiệp lại chủ yếu quan tâm đến vận tải (chí phí giao nhận hàng hóa).

Nghĩa là, xây dựng một bến cảng không khó, có tiền là làm được, nhưng để đưa một bến cảng vào phục vụ có hiệu quả thì không đơn giản chút nào.

Nhìn chung, thực trạng hệ thống giao thông của nước ta hiện nay không đáp ứng được yêu cầu tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế quốc dân. Do hệ thống giao thông lạc hậu mà cả hàng hóa xuất khẩu lẫn hàng hóa nhập khẩu của nước ta bị đội giá lên khá nhiều so với các nước xung quanh.

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi sản lượng hàng nông, thủy sản xuất khẩu chiếm trên 60% cả nước, vẫn tồn tại hệ thống giao thông đường bộ không cho phép xe container 40 feet lưu thông, vì hầu hết các cầu chỉ cho phép tải trọng không quá 30 tấn. Điều trớ trêu hơn là nếu muốn thì vẫn qua được, chỉ lo chịu phạt là xong!

Một chủ doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại Cà Mau cho biết rằng doanh số xuất khẩu của doanh nghiệp này trong năm qua là 240 triệu USD, nhưng do các cầu trên quốc lộ 1A không cho phép xe container đông lạnh (có tải trọng ít nhất 45 tấn) lưu thông, nên họ phải vận chuyển hàng bằng xe nhỏ lên TP.HCM, sau đó đóng hàng vào container 40 feet để xuất khẩu.

Chỉ riêng công đoạn này, một năm doanh nghiệp phải chi phí thêm khoảng 2 triệu USD. Điều tồi tệ hơn là tại vùng sản xuất tôm cá như thị trấn Sông Đốc - một cảng cá lớn bậc nhất Việt Nam hay vùng Đất Mũi Năm Căn (tỉnh Cà Mau), nơi có hàng trăm ngàn hécta nuôi tôm thì một thời gian dài không có đường bộ, vài năm nay mới có đường bộ nhưng xe tải không lưu thông được.

Rõ ràng là có giao thông nhưng không có vận tải và nếu có được vận tải thì cũng không đạt hiệu quả kinh tế cần thiết. Điều này càng rõ hơn khi biết rằng cước phí một container 40 feet chở thép cuộn từ cảng Thanh Đảo (Trung Quốc) hay từ Hàn Quốc đến TP.HCM chỉ tốn 280 USD, nhưng để chuyển lượng thép trên đến Cần Thơ, nhiều doanh nghiệp phải chi tới 500 USD!

Phải xem trọng việc phát triển giao thông vận tải

Cảng Cần Thơ

Khái niệm giao thông không chỉ phản ánh hệ thống phương tiện đi lại, mà còn hàm chứa trình độ, trạng thái giao tiếp giữa con người, sản phẩm hàng hóa ở vùng đất này với vùng đất khác (giao lưu, giao tiếp, giao nhận hàng hóa, thông tin, thông đạt, thông thương…). Nó như hệ thống xương của một cơ thể sinh vật, quyết định sinh vật đó có thể bơi dưới nước, chạy trên bộ hay bay trên không trung.

Ở tầm vĩ mô, nó không chỉ nói lên trình độ phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, mà còn cho thấy tính hợp lý của cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn trước và hướng phát triển trong tương lai. Giao thông vận tải là một ngành kinh tế cơ bản, là nền tảng cho nhiều ngành kinh tế khác phát triển.

Nước ta đã tiến hành công cuộc đổi mới trên 20 năm, cơ sở vật chất đã có một bước phát triển dài, nhưng chúng ta bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên nền tảng nền kinh tế nông nghiệp sản xuất nhỏ. Hệ thống giao thông được kế thừa từ hệ thống giao thông của nền kinh tế nông nghiệp và dựa trên nhu cầu quản lý dân chúng từ chế độ phong kiến thực dân để lại.

Dân cư phần lớn được bố trí sống theo tuyến giao thông. Cơ chế quản lý kinh tế xã hội gắn với quản lý hành chính lãnh thổ và phụ thuộc vào nhiệm kỳ lãnh đạo của bộ máy Nhà nước làm cho chiến lược phát triển dài hạn khó thực thi, trình độ đô thị hóa chưa cao, hệ thống y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội chưa hoàn thiện.

Trong khi đó, những tuyến đường giao thông bộ (quốc lộ hay liên tỉnh lộ) tuy có xây dựng thêm hay mở rộng nhưng cơ bản là dựa trên cơ sở hệ thống cũ. Lẽ ra chúng ta phải có một quy hoạch mạng lưới giao thông hoàn toàn mới (đường xa lộ, đường sắt, đường thủy, hàng không, sân bay, bến cảng) trên cả nước theo yêu cầu phát triển đất nước lâu dài, làm nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Nên lấy hệ thống giao thông mới làm nền tảng, từ đó gắn những tuyến giao thông cũ vào hệ thống quy hoạch mới và xây mới những tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc đúng chuẩn, đảm bảo tải trọng cũng như tốc độ giao thông phù hợp với nhu cầu cơ cấu lại nền kinh tế cũng như việc phân bổ lại dân cư theo cụm mới, kết hợp với việc xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội.

Vai trò quy hoạch hệ thống giao thông trong chiến lược phát triển kinh tế quốc dân là rất quan trọng. Hệ thống giao thông phải phục vụ cho các yêu cầu sau: (1) Phục vụ cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả nước. Phục vụ việc bố trí lại dân cư theo điểm để xây dựng các khu đô thị và nông thôn mới. (2) Bảo vệ được môi trường (nước, không khí, cây xanh…). (3) Nối liền các đầu mối giao thông và tạo nên cơ hội phát triển đồng đều cho mọi miền, mọi vùng của đất nước.

Bên cạnh đó, tốc độ của giao thông cũng phải đạt được chuẩn mực, phù hợp với yêu cầu sử dụng hiệu quả công suất phương tiện giao thông. Nếu vì một lý do nào đó mà hạn chế tốc độ thì sẽ gây lãng phí lớn. Lý do là tốc độ giao thông quyết định loại hình công nghiệp nào, ở đâu và hiệu quả đầu tư ở mức nào.

Đồng thời, nó cũng là yếu tố quyết định cho công tác quy hoạch đô thị và phân bổ dân cư. Tốc độ giúp cho khoảng cách không gian được thu hẹp lại, nhưng không gian sinh hoạt lại rộng ra. Vì vậy, nó là yếu tố quan trọng hàng đầu trong số các yếu tố cần và đủ cần chú ý khi xây dựng hệ thống giao thông của nước ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nâng tầm giao thông và vận tải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO