Mỹ quan đô thị, còn nhiều việc dễ làm

BÍCH HỒNG| 26/03/2015 09:52

Mỗi một đợt ra quân lập lại trật tự mỹ quan đô thị đều ảnh hưởng tới một bộ phận không nhỏ người dân thành phố.

Mỹ quan đô thị, còn nhiều việc dễ làm

Mỗi một đợt ra quân lập lại trật tự mỹ quan đô thị đều ảnh hưởng tới một bộ phận không nhỏ người dân thành phố.

Đọc E-paper

Nếu như bạn có nhà mặt tiền, có cửa hàng, công ty mặt phố, hoặc buôn bán quẩn quanh trên mấy mét vuông vỉa hè, góc phố trống, bạn luôn vui buồn đối mặt với những đợt "lập lại trật tự mỹ quan đô thị”.

Nếu bạn đơn giản là người ngày hai, ba bận qua lại trên con đường từ nhà đến cơ quan và ngược lại từ cơ quan về nhà, bạn cũng sẽ ghi vào bộ nhớ một vài góc phố quen thuộc, một đoạn vỉa hè sạch lát gạch, một thân cây đột ngột nhô ra chòm lá xanh mỗi khi Hè về, hay nóc nhà ai đó có điểm đặc biệt thu hút ánh nhìn.

Vì vậy, đừng ngạc nhiên khi mấy ngày nay người Hà Nội cảm thấy xốn xang vì con số 6.700 cây xanh sẽ bị đốn hạ trong công cuộc xây dựng và chỉnh trang đô thị.

Dư luận bằng đủ mọi cách, kể cả việc các nhân vật hoạt động xã hội nổi tiếng đã viết thư ngỏ gửi chính quyền thành phố kêu gọi thận trọng giữ lại màu xanh.

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo còn làm cả bài thơ bày tỏ niềm tiếc thương "mùa Thu Hà Nội" bởi ông cho rằng, chính những hàng cây cổ thụ trên phố đã tạo ra "thương hiệu mùa Thu" cho thủ đô. Biết quan tâm đến số phận của cây xanh và môi trường, phải mừng vì xã hội đã có ứng xử văn minh, thay vì chê trách người dân thiếu hiểu biết!

Và đến khi hàng cây xanh ngã xuống, nhiều người đã nhận ra cây xanh ở đô thị Việt Nam còn có một công dụng khác, nó che bớt những nhem nhuốc phố phường đến từ những căn nhà xây cất lung tung, kiến trúc mặt tiền phản cảm, mỗi tầng mỗi kiểu ban công và biển hiệu quảng cáo cửa hàng lòe loẹt; che bớt những sinh hoạt bầy hầy của cư dân đô thị với hàng rong, áo quần phơi đầy cửa sổ ban công, che đi những tấm bạt mà cư dân mặt phố cố vươn ra chiếm không gian vỉa hè.

Và ở nhiều không gian phố, cây xanh mới trồng chưa kịp lớn, chúng ta đối diện với sự thật xấu xí đó.

Làm gì đây? Ở Đà Nẵng, từ trước Tết Ất Mùi đã có chiến dịch vận động người dân cam kết gỡ những tấm bạt che nắng gắn trước cửa các căn nhà mặt tiền. Cứ tưởng chuyện vặt nhưng ai cũng nhận thấy không gian con phố thoáng đãng hẳn ra.

Vỉa hè ngập nắng sẽ không có nhiều xe máy, không có cảnh người dân đem sinh hoạt gia đình ra chiếm không gian vỉa hè như trước. Cái đẹp giúp cho người dân thích ứng rất nhanh với những bất tiện mới và họ đồng thuận cùng góp tay giữ mỹ quan đường phố.

Chỉ mấy tháng, phố phường ở các khu trung tâm Đà Nẵng đã thoáng hẳn ra. Chính quyền tiếp tục dọn luôn những thùng đựng rác nghênh ngang, quy hoạch lại chỗ chứa rác lưu động.

Ở Hội An, một yếu tố giúp cho phố cổ giữ được vẻ đẹp hài hòa là những biển hiệu. Cửa hàng san sát nhưng các biển hiệu đều nhỏ nhắn, khiêm tốn, màu sắc hài hòa với toàn bộ mặt tiền ngôi nhà cổ, đa số làm bằng gỗ. Những người kinh doanh đều hiểu rằng nếu làm biển hiệu lớn sẽ mất cân đối mỹ quan của cửa hàng.

Nhiều ngôi nhà còn cố gắng bảo tồn biển hiệu cổ xưa dù nay đã chuyển sang kinh doanh ngành khác. Những chiếc xe đẩy bán hàng rong cũng được chính quyền cấp phép để khống chế số lượng người bán hàng rong trên phố. Những hàng rong được hoạt động trên phố là để bảo tồn hình ảnh sinh hoạt xưa cũ.

Khi con phố đã quang đãng, người dân đã nhận ra công tác lập lại trật tự mỹ quan đô thị còn nhiều việc phải làm, là những việc rất dễ làm như dọn dẹp bạt che nắng lấn chiếm không gian vỉa hè, hay biển hiệu quảng cáo các cửa hàng lộn xộn, nhếch nhác. Hầu hết đó là những việc tạo ra sự đồng thuận, nhưng việc dễ làm lại ít được chú ý thực hiện hơn là các dự án lớn.

>Kiến trúc đô thị và cuộc giằng co mới - cũ
>Không bảo tồn di sản là xóa bỏ lịch sử đô thị
>
Hà Nội phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái
>Đô thị càng phát triển, ô nhiễm càng nhiều

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mỹ quan đô thị, còn nhiều việc dễ làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO