Mùa Xuân bước tới

LÊ MINH QUỐC| 31/01/2014 00:33

Trong một năm, có lẽ thời khắc khiến con người ta bồn chồn, xao xuyến nhất vẫn là những ngày đầu năm.

Mùa Xuân bước tới

Trong một năm, có lẽ thời khắc khiến con người ta bồn chồn, xao xuyến nhất vẫn là những ngày đầu năm.

Đọc E-paper

TP. HCM đón năm mới

Thời khắc mở ra một vận hội mới. Quá khứ đã khép lại. Và bây giờ là lúc bước tới. “Sài Gòn mùa Xuân còn có lá vàng bay. Có mùa Thu nào đang ở lại” (Trịnh Công Sơn). Trong tâm hồn mỗi người vừa hy vọng, vừa ngổn ngang nhớ lại ngày tháng vừa qua.

Chọn lấy một chiều nhẹ nhàng, một chỗ ngồi yên tĩnh, anh ngước nhìn ra phố nhưng thực ra đang nhìn vào lòng mình. Sở nguyện của anh lâu nay là đầu tư vào ngành giáo dục.

Từ nhiều năm trước, sau khi du học về anh càng tâm đắc với tuyên ngôn của cụ Phan Tây Hồ: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Chính vì thế, với tài sản của cha mẹ để lại và những gì cả hai vợ chồng tích góp bao nhiêu năm, anh dồn hết cho vấn đề “khai dân trí”.

Vâng, đó chính là khát vọng thắp sáng trong anh: muốn làm điều gì đó hữu ích cho đời.

Ngày ấy, còn là sinh viên, có lần anh ngồi thừ người trong căn phòng bộn bề sách vở, tiện tay vớ lấy một quyển sách cũ và lật đọc vài trang. Có dòng chữ, anh đọc xong, lập tức nhớ như in trong óc: “Các nước văn minh ngày nay đều cho giáo dục phổ cập là nhiệm vụ cấp bách, họ cho mở trường công, trường tư khắp nơi, trường tiểu học phần lớn do nhà nước thành lập, nhất là ở Anh, Đức, Mỹ. Nước Nhật Bản chỉ có 43 huyện mà có đến 26.824 trường tiểu học. Nước ta hơn 30 tỉnh, hơn 50 huyện, mà chưa nghe ai nói tới mở trường. Than ôi! Chẳng phải đáng giận lắm sao?”.

Đọc văn mà như thấy có lửa ngùn ngụt trong lòng. Ai viết? Thưa, đó là một đoạn trong sách giáo khoa Quốc dân độc bản do Trường Đông Kinh Nghĩa Thục ấn hành từ năm 1913 tại Hà Nội.

Tất nhiên ngày nay cái điều “đáng giận” ấy đã có nhiều thay đổi. Thế nhưng, với mục tiêu làm giàu, không phải ai cũng nghĩ đến đầu tư cho giáo dục. Anh lẩn thẩn nghĩ thêm rằng khi lao vào kinh doanh, mục tiêu đặt ra là kiếm tiền hay phụng sự xã hội!

Bước ra ngoài sân, nhìn nắng đang thêu lên vòm xanh một màu tơ trời óng ả, bỗng nhiên trong trí nhớ của anh lại hiện về hình ảnh những cậu học trò ở quê nhà muốn đến trường phải như Tarzan đu dây qua sông. Dòng sông cuồn cuộn nước xoáy.

Hình ảnh ấy ám ảnh đến nao lòng. Nếu với mục tiêu phụng sự xã hội, anh tin rằng có những doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền xây một chiếc cầu. Nếu chỉ vì mục tiêu kiếm tiền, chẳng ai dại, bởi biết bao giờ mới thu hồi lại vốn. Đầu tư vào bất động sản vẫn khôn ngoan hơn chứ?

Vâng, có thể như thế. Nhưng điều làm nên thương hiệu cho một doanh nghiệp không chỉ ở chỗ tài sản khổng lồ ra sao, mà phải là phụng sự xã hội như thế nào.

Trong xã hội, có những con người được trọng vọng chẳng phải vì họ nhiều tiền, mà do họ đã “có một tấm lòng”. Anh nhớ tại Hà Nội, vào đầu thế kỷ XX, bà Cả Mọc đem tiền của lập Hội Tế sinh nhằm nuôi dạy trẻ mồ côi.

Nghĩa cử này đã khiến nhà văn Vũ Trọng Phụng khen ngợi trong tác phẩm Trúng số độc đắc: “Chà! Ở cái xã hội này mà lại có được một người đáng kính trọng đến bậc này hay sao?”.

Anh nhớ đến bà chủ bút Phụ nữ tân văn đã thành lập Viện Dục anh tại Sài Gòn cũng nhằm cưu mang, dạy dỗ trẻ em mồ côi. Lại nhớ đến cụ bà Lương Văn Can đã đem tài sản kếch xù đưa cho chồng mở Trường Đông Kinh Nghĩa Thục với khát vọng cao thượng:

Một người học muôn người đều biết
Trí ta khôn muôn việc đều hay
Lợi quyền nắm được trong tay
Có cơ tiến hóa có ngày văn minh

Những tấm gương phụng sự xã hội từ đầu tư cho giáo dục, hướng đến thế hệ tương lai của đất nước còn nhiều. Nhiều lắm. Có như thế, chúng ta mới tin vào lòng nhân ái trong cộng đồng lúc nào, thời nào cũng có.

Thử hỏi, có phải Bill Gates, Chủ tịch Tập đoàn Microsoft là người giàu nhất thế giới không? Không rõ, nhưng có một điều “rõ như ban ngày”, ông là người đã phát biểu: “Đầu tư vào giáo dục là cách tốt nhất để giúp những công dân trẻ tuổi có thể phát huy được những khả năng tiềm tàng của mình”.

Vâng, muốn thay đổi não trạng của một thế hệ, nhiều thế hệ, chỉ có thể bắt đầu từ giáo dục. Thế thì, tại sao chúng ta không chung tay, góp sức với nhau để việc làm nghĩa hiệp ấy ngày càng lớn mạnh hơn?

Trong ngày đầu năm, tâm trí con người ta bao giờ cũng sáng suốt, trầm tĩnh và lạc quan nhất. Đó là lúc đi những bước đầu tiên. Viết những dòng đầu tiên. Khép lại quá khứ của năm qua. Họ đã thể hiện quyết tâm ấy bằng sự thận trọng nhưng cũng đầy hăm hở.

“Đốt lên một que diêm, còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”. Ngày đầu Xuân cũng luôn gợi cho con người ta một niềm hy vọng về sự thay đổi, có thể tóm tắt trong cụm từ “vận hội mới”. Vận hội của “mã đáo thành công”.

Suy nghĩ như thế, chính lúc ấy, anh dũng cảm bước chân vào một cuộc thử thách mới. Và dám đương đầu với khó khăn, bởi sóng gió bao giờ cũng có. Đừng ảo tưởng con đường đi lúc nào cũng chỉ có hoa hồng trải thảm. Vâng, có hoa đấy nhưng đừng quên gai nhọn.

Về khát vọng “khai dân trí” đeo đuổi từ tháng năm tuổi trẻ, bước qua năm mới lại càng chín dần. Anh chưa nghĩ nhiều đến lợi nhuận của nó, chỉ dám nghĩ rằng, đầu tư vào giáo dục là xây dựng cả một thế hệ trẻ.

Trách nhiệm ấy nặng nề mà cũng vẻ vang lắm chứ. Tất nhiên không ai ngốc nghếch uống nước lã để phụng sự xã hội. Lợi ích riêng có được từ công việc phụng sự xã hội vẫn là điều đáng biểu dương.

Nghĩ cho cùng, bất kỳ doanh nghiệp nào dù đầu tư vào lĩnh vực nào cũng suy nghĩ như vậy. Xây dựng một thương hiệu bằng nỗ lực của lý trí và tình cảm của trái tim thì mới có một sức sống lâu bền.

Sáng nay, Xuân đến sớm, anh nhìn lại công việc với một niềm tin mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mùa Xuân bước tới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO