Mùa rưh penl và bí tích cà răng

HÀN THƯ| 06/11/2015 06:49

Trai Vân Kiều bên dòng Long Đại quyết tìm cho được thanh kiếm trao lễ cho chí nam nhi, gái Vân Kiều không chỉ giỏi dệt thổ cẩm mà còn hát đối đáp cao vút như cánh chim giữa rừng.

Mùa rưh penl và bí tích cà răng

Tôi bị mê hoặc bởi gia tài câu hát cổ rất mộc từ điệu Vân Kiều lỡ gặp, và còn mê hơn những câu chuyện yêu đương. Trai Vân Kiều bên dòng Long Đại quyết tìm cho được thanh kiếm trao lễ cho chí nam nhi, gái Vân Kiều không chỉ giỏi dệt thổ cẩm mà còn hát đối đáp cao vút như cánh chim giữa rừng. Và biết được cổ tục cà răng qua lời kể thôi cũng đủ hiểu thế nào là đất đẹp Vân Kiều vô cùng kỳ bí.

Đọc E-paper

Bài 1: Hùng vĩ xứ Sơn Khê

Bài 2: Văn hóa kỳ bí của người Vân Kiều

Khèn Aman bên điệu Cha chấp

Aman là khèn của anh em Vân Kiều tự chế khi họ trú ngụ sâu trong những rặng núi xa xưa. Họ không biết nó có từ khi nào nhưng theo những người chúng tôi gặp, nó bắt nguồn từ truyền thuyết tình yêu.

Trai Vân Kiều xưa không chỉ giỏi săn bắn, mà còn chơi khèn Aman làm từ ống trúc rất điêu luyện, rúc lên mỗi mùa giao tình thông qua tục lệ mà mọi người vẫn nói là "đi sim". Sim trong thế giới của người Vân Kiều là một bản ngã văn hóa riêng, cả một không gian hát hò, khèn sáo hòa với điệu Cha chấp e ấp giữa núi rừng.

Già Hồ Thao nói: "Sim không đơn giản như sự hiểu biết của bọn trẻ ngày nay. Nó là một quá trình tìm hiểu rất chặt chẽ và nghiêm ngặt, là văn hóa chứ không chỉ là chuyện yêu đương". Thế nên, ngày xưa "đi sim" là một lễ tục đạt đến sự tự tin để chơi khèn, thổi sáo, hát hò bên sông.

Thật may mắn, những điệu hát ở ngược ngàn Long Đại vẫn còn hiện diện trong các bản làng. Vợ chồng Hồ Thao xưa kia trải qua "không gian sim" để rồi gắn chặt với nhau bên con nước dòng sông này.

Và tiếng hát của người già vẫn đầy đặn niềm yêu Vân Kiều: "Bóng em lấp lánh như sao mới mọc/ Dáng em lấp lánh như vầng trăng đêm mười sáu/ Ta đi tìm em, em ơi/ Tình em vời vợi như trăng đêm mười bảy/ Ta đang lần tìm đến người, người ơi".

Đi giữa vùng đất Vân Kiều, gặp những câu hát hay đến khó tả: "Nàng ra đi đã tới gần chòm núi/ Anh ơi, sao anh vẫn chưa ngủ/ Anh cứ Oát mãi/ Trên các chòi lúa rẫy/ Anh có biết không?/ Em ở chòi bên này chưa ngủ đợi anh/ Muốn thổi khèn Aman nhưng lại thiếu một người/ Khèn Aman không thổi một người/ Em biết thương ai bây giờ ngoài anh".

Lại có những lời hát mạnh dạn vô cùng: "Nghe tin anh đến, lòng em mãi đợi/ Nghe tin anh đến, tình em mong chờ/ Thuốc hút ngon, trầu cau để sẵn đón anh tối nay/ Em đón đầu đường/ Em chờ đầu bản/ Anh đến, mừng khôn xiết/ Bối rối muốn ôm anh".

Con trai Vân Kiều cũng hát hò chọn người thương rất đặc biệt: "Lời nói đưa đừng để lòng anh xao xuyến/ Tình thoảng qua đừng để nỗi nhớ trong anh/ Anh chỉ như người mất hồn/ Anh chỉ như người cuồng điên/ Như một trăm năm gặp một lần/ Như mười năm gặp một nhịp/ Ta hãy chung vui trong phút chốc/ Cái siêng năng em hãy gác lại/ Cái lười biếng em hãy cất đi/ Ta cùng thức theo vầng trăng sáng đêm nay/ Ta cùng vui theo năm tháng trọn đầy".

Mùa rưh penl

Nghĩa của từ này là đám cưới, nhưng chứa đựng bên trong nó là cả một không gian văn hóa. Xưa, anh em Vân Kiều có nhà xui giữa bản, trai gái đến chơi sáo ka lui, hát tà riềng, diễn dân ca để hẹn hò.

Tôi đặc biệt chú ý lễ rưh penl mà Hồ Kiên ở bản Khe Dây, xã Trường Xuân, mô tả. Người Vân Kiều chọn ngày tốt, nhà trai mang lễ vật đến nhà gái làm lễ rước dâu.

Trong lễ rưh penl phải có 1 thanh kiếm, 1 nồi đồng, 1 vòng cườm đeo cổ, 1 vòng bạc trắng. Nhà trai cũng chịu luôn tiền cưới, gạo nếp, heo, gà cho bên đàng gái mở tiệc đãi bạn bè, họ tộc. Thanh kiếm tượng trưng cho tinh thần chàng trai Vân Kiều bảo vệ gia đình, bản quán, chuôi kiếm và lưỡi kiếm thể hiện nghĩa vợ chồng thủy chung.

Nồi đồng biểu trưng sự thịnh vượng của quê hương, vòng cườm và vòng bạc trắng là 2 món trang sức làm cho phụ nữ Vân Kiều đẹp thêm trong mắt trai dân bản. Một lễ cúng ma nhà và tổ tiên nhà gái được cử hành để xin cho chàng rể nhập tục họ hàng, chính thức được nhận là con cháu.

Nhà gái nhận lễ vật nồi đồng, thanh kiếm, vòng cườm, vòng bạc trong lễ cưới

Hồ Kiên kể: "Nhà trai ở lại cùng vui vẻ, hôm sau làm lễ pưh axuôi - rước dâu. Con dâu về chạm nhà sàn, mẹ chồng đón vào đường sàn cầu thang bếp làm phép riêu adang kuman, là tục rửa chân cho con, xem con là con của mẹ, không phân biệt con dâu hay con gái trong nhà.

Con dâu không được phép vào thẳng cửa chính mà phải xuống bếp làm mưchut kơpet - lễ bắc bếp cúng thần lửa, báo cáo có con dâu mới về, việc bếp núc từ nay có thêm người mới lo liệu. Lễ vật có đôi gà trống mái, một líp xôi cùng chai rượu cho thần lửa vui lòng".

Anh em Vân Kiều còn có một lần cưới thứ hai trong đời với người vợ của họ. Hồ Kiên nói thêm: "Đó là lễ koil, người Kinh gọi là "khơi" nhưng không phải, đó là lễ cưới lần hai để công nhận vợ là thành viên của họ nhà trai. Cũng tốn kém nên nhiều người phải đến già mới làm lễ này được. Làm được lễ này thì xem như mùa rưh penl đã rất hạnh phúc".

Ngày nay, con trai, con gái Vân Kiều làm đám cưới không cần có kiếm, nồi đồng, vòng cườm, vòng bạc do đặt làm quá đắt, nên trong bản Khe Dây, nhà Hồ Kiên có nồi đồng, vòng cườm, vòng bạc, nhà Hồ Cao có kiếm cổ thì cho dân bản thuê.

Vừa rồi, một cô gái trong bản lấy chồng ở Quảng Trị, cũng là trai Vân Kiều, họ đã thuê kiếm, nồi, vòng để làm lễ thành vợ chồng dưới vách núi bên lưu vực dòng sông Rồng Lớn.

Lễ cà răng mai một trên đỉnh núi

Có lẽ chúng tôi là người sau chót gặp người cuối cùng từng làm lễ cà răng, đó là già Hồ Cao sống nơi thượng nguồn Long Đại, ở xã Kim Thủy. Ông được truyền giữ bảo vật A Châu Cor và khèn pây không phải vì là dòng giống của già làng, mà do ông có uy tín vì là người duy nhất trong vùng thể hiện uy lực chiến binh Vân Kiều qua tục cà răng hay còn gọi là cưa răng.

Luật tục này đã thật sự biến mất trên dãy Răng Lược hùng vĩ bởi tính hoang dã và man rợ của nó. Nay, tục cà răng chỉ còn được kể lại trong những đêm Khan bên bếp lửa nhà làng.

Và chúng tôi may mắn được già Hồ Cao kể cho nghe về tục cà răng ông đã trải qua: "Mình lớn lên được dân bản, bố và ông nội chọn là già làng tương lai khi A Châu Cor đưa họ về Trời. Năm 18 tuổi, mình được bốn thanh niên Vân Kiều lực lưỡng đưa ra suối, họ đè ngửa mình ra trên một tảng đá, giữ chặt hai tay và hai chân, một thầy cúng của bản dùng hòn đá sắc lẹm mài răng mình, máu chảy đầm đìa, đau đớn, nhưng phải chịu đựng để chứng minh mình là chiến binh Vân Kiều oai hùng, sẽ dẫn dắt bản làng. Họ mài hàm dưới của mình sát nướu, hàm trên mài vài cái, mài trong nhiều ngày, xong xát lá cây kỳ chắc vào để cầm máu. Sau lễ cà răng, bản bắt mình xuống suối bắt 7 con cá xanh để cúng Giàng, làm lễ chiến binh, từ đó bản làng tôn kính mình lắm". Hồ Cao có vẻ tiếc nuối luật tục tuy man rợ nhưng cũng có ý nghĩa nay đã không còn.

Theo ông, tục đó đã theo A Châu Cor về Trời, và ông là người cuối cùng còn lưu lại dấu tích của luật tục này. Truyền nhân già làng của dòng họ Hồ Cao cũng đã được chọn, là cháu nội của con trai cả, nhưng tục cà răng không còn áp dụng, bởi theo Hồ Cao, phải thích nghi với giới trẻ hiện nay...

Chúng tôi thật may mắn khi được nghe kể và tận mắt chứng kiến những bí tích có từ ngàn xưa của người dân tộc Vân Kiều. Có lẽ khó có lần thứ hai bởi lối sống hiện đại đang len lỏi vào bản làng, làm mai một dần nét văn hóa truyền thống của tộc người sinh sống dưới vách núi bên lưu vực dòng sông Rồng Lớn.

>Kỳ lạ Tết Tây Nguyên

>Xuân về trên đỉnh Phu xai lai leng

>Đại Bái: Ngôi làng của bóng đêm

>Tìm về ký ức làng Chăm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mùa rưh penl và bí tích cà răng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO