Miễn thuế TNCN năm 2012: Hiểu đúng để làm đúng

LÊ VĂN TỨ| 20/07/2012 06:03

Quốc hội đã thông qua nghị quyết về một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân vào chiều 21/6/2012...

Miễn thuế TNCN năm 2012: Hiểu đúng để làm đúng

Quốc hội đã thông qua nghị quyết về một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân (vào ngày 21/6/2012), trong đó có quyết định “miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ ngày 1/7/2012 đến hết ngày 31/12/2012 đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế TNCN ở bậc 1 của Biểu thuế lũy tiến từng phần được quy định tại Luật thuế TNCN”.

Câu chữ ghi trong nghị quyết xác định rõ là: 1) Quốc hội chỉ miễn thuế cho thời gian “từ 1/7/2012 đến 31/12/2012” và 2) chỉ miễn cho những người nộp thuế TNCN “ở bậc 1 của biểu thuế lũy tiến từng phần”.

Nhớ lại năm 2011, Quốc hội cũng đã có một nghị quyết miễn thuế TNCN tương tự. Điểm khác nhau chỉ ở thời gian miễn thuế. Nghị quyết 2011 miễn từ 1/8 đến 31/12/2011 (tính theo tháng là 5 tháng), còn nghị quyết 2012, miễn từ 1/7 đến 31/12/2012 (tính theo tháng là 6 tháng).

Nhưng khi triển khai thi hành, nhất là từ khi Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn quyết toán thuế TNCN cả năm 2011, dư luận xã hội đã xôn xao, cho rằng Bộ Tài chính hiểu và thi hành không đúng nghị quyết của Quốc hội.

1) Nghị quyết miễn thuế TNCN năm 2011 của Quốc hội ghi rõ là miễn thuế “từ 1/8 đến 31/12/2011", tức là chỉ định rõ miễn thuế 5 tháng cuối năm, nhưng Bộ Tài chính lại tùy tiện hiểu và hướng dẫn thành miễn thuế 5 tháng tính bình quân cả năm. Ai cũng biết thu nhập từng tháng khác với thu nhập tháng tính bình quân cả năm.

Do đó đáp số các bài toán tính thuế theo thu nhập cụ thể từng tháng sẽ khác với đáp số tính theo thu nhập bình quân. Vì thế thắc mắc mới phát sinh. Nghị quyết miễn thuế 5 tháng cuối năm, nhưng thực tế thi hành lại miễn thuế 5 tháng bình quân.

Nếu nghị quyết năm 2011 của Quốc hội ghi là miễn 5/12 tháng thuế TNCN, chứ không phải ghi là miễn từ 1/8 đến 31/12/2011, thì hướng dẫn thi hành của Bộ Tài chính mới là đúng. Tương tự, nghị quyết năm 2012 phải ghi là miễn 50% thuế TNCN, chứ không phải là từ 1/7 đến 31/12/2012.

Quốc hội đã ghi rất cụ thể thời gian miễn thuế như nêu trên, cho nên miễn thuế 5 hoặc 6 tháng tính bình quân phải coi là tùy tiện sửa nghị quyết. Tin mới nhất cho biết, văn bản dự thảo hướng dẫn thi hành nghị quyết miễn thuế năm 2012 sẽ sửa chữa sai sót này của năm 2011.

Năm 2012 sẽ tính thuế TNCN thành hai phần: phần thuế phải nộp tính theo thu nhập 6 tháng đầu năm và phần được miễn tính theo thu nhập 6 tháng cuối năm.

2) Nghị quyết Quốc hội cũng ghi rõ rằng miễn thuế cho những người có thu nhập tính thuế đến mức phải chịu thuế ở bậc 1 của Biểu thuế suất lũy tiến từng phần. Năm 2011, Bộ Tài chính đã hướng dẫn chỉ thi hành cho những người nộp thuế ở bậc 1, những người có thu nhập cao hơn - do đó phải chịu thuế ở bậc 2, bậc 3… hoàn toàn không được miễn.

Xin trình bày bằng số cho dễ hiểu theo một thí dụ tối giản. Có hai người, một người có tổng thu nhập tháng là 9.000.000 đồng, còn người kia là 9.100.000 đồng. Thuế TNCN tính theo thu nhập tính thuế = tổng thu nhập – các khoản giảm trừ gia cảnh. Mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân
người nộp thuế là 4.000.000 đồng, cho mỗi người phụ thuộc là 1.600.000 đồng.

Vậy một người có tổng thu nhập là 9.000.000 đồng/tháng, nếu không có người phụ thuộc và các giảm trừ khác, thu nhập tính thuế sẽ còn 5.000.000 đồng, thuộc thuế suất bậc 1 là 5%. Với thu nhập chịu thuế 5.000.000 đồng, số thuế phải nộp sẽ là 5.000.000 x 0,05 = 250.000 đồng.

Có nghĩa là sau khi nộp thuế, thu nhập còn lại sẽ là 9.000.000 – 250.000 = 8.750.000 đồng. Vì thuế bậc 1 được miễn, do đó người nộp thuế được nhận đủ cả tổng thu nhập 9.000.000 đồng. Trường hợp người có tổng thu nhập cao hơn, thí dụ 9.100.000 đồng, sau khi giảm trừ cho bản thân, thu nhập tính thuế sẽ là 5.100.000 đồng, chia thành hai phần.

Phần 5.000.000 đồng đầu tiên phải nộp theo thuế suất bậc 1 là 5%, tức 250.000 đồng. Phần 100.000 đồng còn lại phải nộp theo thuế suất bậc 2 là 10%, thành tiền là 10.000 đồng. Tổng số thuế phải nộp khi có tổng thu nhập là 9.100.000 đồng, thu nhập tính thuế 5.100.000 đồng sẽ là 250.000 + 10.000 = 260.000 đồng.

Theo hướng dẫn thi hành năm 2011, vì thuế chỉ miễn cho người nộp thuế ở bậc 1, nên người có tổng thu nhập 9.100.000 đồng, thu nhập chịu thuế 5.100.000 đồng không được miễn. Nếu năm 2012 vẫn thi hành như năm 2011, số thuế phải nộp của những người này vẫn là 260.000 đồng.

Do đó sau khi nộp thuế, thu nhập còn lại chỉ là 9.100.000 – 260.000 = 8.840.000 đồng, thấp hơn người có tổng thu nhập thấp hơn (9.000.000 đồng) nhưng được miễn thuế.

Cho nên để thực hiện đúng chính sách thuế lũy tiến từng phần, để chính sách thuế không mâu thuẫn với chính sách lao động – tiền lương, cần hiểu và thi hành nghị quyết của Quốc hội theo nghĩa miễn toàn bộ thuế bậc 1. 

Theo nghĩa này, người có tổng thu nhập 9.100.000 đồng, thu nhập tính thuế 5.100.000 đồng cũng được miễn 250.000 đồng thuộc thuế suất bậc 1. Do đó số thuế phải nộp chỉ còn 10.000 đồng, tổng thu nhập sau khi nộp thuế sẽ là 9.100.000 đồng – 10.000 đồng = 9.090.000 đồng.

Thu nhập sau thuế của người có lương cao luôn cao hơn người có lương thấp. Hiểu nghị quyết miễn thuế TNCN năm 2012 như vậy là đúng với nghĩa câu chữ viết trong nghị quyết của Quốc hội, phù hợp với tinh thần lũy tiến từng phần, cũng là thực hiện công bằng xã hội. Vấn đề giàu nghèo nên bàn trong những chính sách khác.

Chữ và nghĩa ghi trong nghị quyết rõ, vậy mà cách hiểu lại khác nhau và dư luận không đồng tình với cách hiểu và cách làm của Bộ Tài chính về năm 2011. Hiện chưa có văn bản hướng dẫn thi hành nghị quyết miễn thuế TNCN năm 2012 của Quốc hội. Chưa có thông tin về cách hiểu miễn thuế bậc 1. Vẫn làm như 2011 chăng?

Trong khi bàn về biện pháp miễn thuế TNCN theo nghị quyết 2012, để bảo vệ ý kiến của mình, có người đã viện dẫn lý do “có lợi cho dân”. Phải nói thẳng rằng lý do này hoàn toàn không phù hợp với bản chất của thuế là quan hệ phân phối thu nhập giữa từng người dân nộp thuế với nhà nước.

Ở đây không có cơ sở để nói về “lợi” cho một phía, bởi một bên “lợi” tất sẽ có một bên “thiệt”. Vấn đề chỉ là chính sách phân phối sao cho hợp lý, thể hiện trong các văn bản pháp quy. Do đó tiêu chuẩn cao nhất là quán triệt đúng câu chữ trong văn bản pháp quy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Miễn thuế TNCN năm 2012: Hiểu đúng để làm đúng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO