Luật Phá sản: Lối thoát... cuối đường

13/04/2012 00:06

Trước tình hình kinh tế khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Nhưng những quy định hiện hành của Luật Phá sản đã khiến cộng đồng doanh nghiệp xem tuyên bố phá sản như một việc khá xa lạ.

Luật Phá sản: Lối thoát... cuối đường

Trước tình hình kinh tế khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Nhưng những quy định hiện hành của Luật Phá sản đã khiến cộng đồng doanh nghiệp (DN) xem tuyên bố phá sản như một việc khá xa lạ.

Những quy định hiện hành của Luật Phá sản đã vô hình trung biến những chủ nhân điều hành DN dẫn đến phá sản bị pháp luật xem là tội đồ.

Theo luật sư Lê Thành Kính - Trưởng văn phòng Luật sư Lê Nguyễn, mục đích chính của Luật Phá sản là tạo lối thoát “nhân đạo” cho những DN lâm vào hoàn cảnh khó khăn về tài chính, không còn khả năng trả dứt nợ. Nhưng trên thực tế, các quy định của luật này lại quá tập trung vào việc bảo vệ sự công bằng cho các chủ nợ với hàng loạt thủ tục rườm rà khó thực hiện.

Cả DN và chủ nợ đều... né

Hiện tượng DN lâm vào tình trạng phá sản, mất khả năng thanh toán nợ đến hạn, nhưng không nộp đơn xin phá sản DN như luật định khá phổ biến. Vì thực tế cho thấy, nếu mọi việc trôi chảy thì từ khi mở thủ tục phá sản đến khi mở thủ tục thanh lý tài sản phải mất ít nhất sáu tháng.

Thế nhưng, từ khi có Luật Phá sản đến nay, chưa có trường hợp nào được giải quyết “trơn tru” trong sáu tháng mà trường hợp nhanh nhất cũng hơn một năm. Do đó nhiều DN khi lâm vào cảnh vỡ nợ, phải phá sản, họ không muốn chọn Luật Phá sản để giải quyết - ông Kính chia sẻ.

Theo quy định của Luật Phá sản hiện hành, chủ DN phá sản và những người quản lý DN đó sẽ bị tòa ra quyết định không được quyền thành lập cũng như cấm đảm nhiệm các chức vụ quản lý DN từ một đến ba năm, kể từ ngày DN bị tuyên bố phá sản.

Đối với người giữ chức vụ quản lý, điều hành công ty 100% vốn nhà nước, người được giao đại diện phần vốn góp của nhà nước ở DN khác bị tuyên bố phá sản thì sẽ không được đảm đương chức vụ đó ở bất kỳ DN nhà nước nào, cũng như DN nào có vốn nhà nước.

Những quy định hiện hành của Luật Phá sản đã vô hình trung biến những chủ nhân điều hành DN dẫn đến phá sản bị pháp luật xem là tội đồ. Và sẽ không khuyến khích DN chọn cách phá sản theo luật.

Số liệu từ Tòa Kinh tế TP.HCM cho thấy, cả năm 2011 chỉ thụ lý 11 vụ phá sản DN. Trong khi đó, chỉ hai tháng đầu năm 2012 Cục Thuế TP HCM đã công bố có trên 3.100 DN ngừng kinh doanh và “chết”.

Ông Phạm Xuân Thọ - nguyên Chánh tòa Kinh tế TP.THCM cho biết, dù theo quy định, khi nhận thấy DN của mình lâm vào tình trạng phá sản thì chủ DN đó phải có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Nhưng nếu không nộp đơn thì DN vẫn không sao.

Do đó, tại TP. HCM mỗi năm có hàng chục ngàn DN mất đi nhưng tòa chỉ thụ lý khoảng 10 vụ phá sản. Điều đó chứng tỏ rất hiếm khi DN “tự chôn mình” bằng Luật Phá sản, ngoài một số trường hợp chủ DN bị chủ nợ đe dọa tính mạng hoặc một số nhà đầu tư nước ngoài đã quen dùng luật.

“Bạn đồng hành” khi phá sản

Một bộ luật không thể tránh khỏi những hạn chế nhất định trong phạm vi điều chỉnh. Vì vậy, để Luật Phá sản là “bạn đồng hành” của các DN lúc lâm vào cảnh phá sản thì luật cần phải được chỉnh sửa.

Theo luật sư Lê Thành Kính, Luật Phá sản cần phải sửa đổi sao cho cả DN và chủ nợ thấy được rằng phá sản DN là chuyện bình thường. Theo đó, tòa án cần có sự linh hoạt khi xử lý các vụ phá sản, chỉ cần kiểm tra tính hợp pháp của yêu cầu phá sản, cần rút gọn quy trình, thủ tục...

Đồng tình với quan điểm trên ông Phạm Đình Hưng - Công ty Luật TNHH Sài Gòn Á Châu cũng cho rằng, điều quan trọng là Luật Phá sản phải được sửa sao để các DN lâm vào cảnh phá sản coi đây là lối thoát, là phương thức tốt nhất cho họ giải quyết nợ nần và bảo vệ quyền lợi của họ. 

Được biết, hiện các cơ quan bảo vệ pháp luật đã đưa ra kiến nghị Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao đề xuất sửa đổi Luật Phá sản theo hướng: trước khi thụ lý hồ sơ phá sản của DN lâm vào tình trạng phá sản, các DN này phải hoàn tất thủ tục kiểm toán và thẩm định giá trị tài sản còn lại.

Tòa án chỉ thực hiện đối chiếu công nợ, triệu tập hội nghị chủ nợ để xem xét cơ sở cho phép khôi phục hoạt động của DN hoặc ban hành quyết định tuyên bố phá sản DN, đồng thời ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản. Trách nhiệm quản lý tài sản thuộc về DN phá sản.

Tuy nhiên, để luật bám sát nhu cầu thực tiễn và trở thành người “bạn đồng hành” của DN chúng ta cũng cần phải học hỏi kinh nghiệm từ các nước.

Đơn cử, như thủ tục phá sản của Hoa Kỳ cho thấy, một vụ án phá sản bắt đầu bằng việc DN nộp đơn ở tòa phá sản. Tòa yêu cầu DN nộp bảng cân đối tài chính, liệt kê tài sản, tên và địa chỉ của tất cả chủ nợ với khoản nợ kèm theo.

Ở một số vụ phá sản DN được phép tổ chức lại sản xuất kinh doanh và lập kế hoạch trả nợ, trong khi một số vụ thì giải quyết việc thanh lý tài sản của con nợ.

Thiết nghĩ, trong cơn “bĩ cực” của nền kinh tế hiện nay với số lượng DN phá sản không ngừng tăng thì việc sửa đổi những quy định hiện hành của Luật Phá sản là điều cấp bách để DN tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Luật Phá sản: Lối thoát... cuối đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO