Lời xưa chưa bao giờ cũ

KIM DUY/DNSGCT| 10/01/2016 06:39

Xã hội càng phát triển, càng cần phải ngẫm lại lời chỉ bảo của người đi trước. Đó là những lời vàng ngọc đúc kết từ bao nhiêu kinh nghiệm sống.

Lời xưa chưa bao giờ cũ

Phải nói, từ ngày có Phây (Facebook), không chỉ giới trẻ mà người lớn cũng lắm… chiêu trò, người ta tích cực hơn trong việc đi chơi, đi ăn, gặp gỡ bạn bè, nấu nướng, trang hoàng nhà cửa, khoe con, cháu… 

Đọc E-paper

Mỗi ngày phải cho Phây ăn, chăm sóc Phây, theo đạo Phây… không chỉ ở nước ta mà gần như toàn thế giới, nhờ đó cuộc sống phong phú hơn. Từ đó dẫn đến việc cạnh tranh trạng thái, ghi chú, hình ảnh là có thật. Phải sao cho nhiều người chú ý, thích, bình luận.

Giới trẻ phát sinh lắm thứ gây sốc mà gần đây nhất là bộ ảnh cưới trong đó cô dâu mặc trang phục công an, chú rể mặc quần áo tù với ý tưởng sau đám cưới, chàng là tù nhân của nàng. Thôi thì lắm kiểu bình luận, khen nhiều mà chê cũng không ít.

Người cho là ý tưởng này không mới vì đã có người thực hiện rồi. Khen chê là lẽ thường ở đời bởi con mắt nhìn của người thế gian quá đa đạng. Nhiều người cho rằng, có cần thiết phải dùng bộ quần áo tù nhân để gây sự chú ý hay không? Người lớn ngoài việc thở dài than rằng sao lại có ý tưởng dại dột thế, đùa mà thành sự thật thì sao? Đời ai chẳng lỡ lầm, có những lỡ lầm không mong muốn, sẩy tay tù tội như chơi. Sao lại xem thường chốn ấy và coi như trò đùa? Người thẳng thừng phán luôn: “Bộ muốn lắm hay sao mà mặc bộ đồ đó?”. Người chín chắn thì: “Cái từ “chung thân” chỉ việc vợ chồng cưới nhau ngầm ý vui, thư giãn, nói để cười xòa. Còn thì nơi ấy chỉ dành cho tội phạm, vi phạm pháp luật”.

Cái gốc của con người là văn hóa, đánh giá sự phát triển và còn nói lên sự sang trọng của một quốc gia. Không bàn về đạo đức, văn hóa thể hiện ở cách cư xử, lối sống, nói chuyện, ăn mặc, tiêu dùng…

Văn hóa nâng tầm cuộc sống giúp con người hưởng thụ được những giá trị nghệ thuật, suy nghĩ chín chắn và thấu đáo là căn bản của nhân văn. Giàu về vật chất nhưng nghèo nàn về văn hóa thì chưa thể nói đến sự phát triển được.

Bây giờ người ta lại đâm lo cho các thế hệ sau mất dần cái căn bản của văn hóa, giống như cây to mà không có gốc rễ chắc vậy! Đổ thừa cho giáo dục chạy theo thành tích đã khiến xã hội nhiễu nhương, rồi lao vào vòng xoáy kiếm tiền mong con mình thoát khỏi nền giáo dục mang nhiều tai tiếng này.

Nhìn môi trường ngổn ngang bởi những tranh cãi về lối sống, văn hóa… có người thở dài, thôi thì ráng tự rèn luyện mình để giữ mình. Cái gì cũng phải có mức độ, biết kiềm chế. Chơi trên mạng xã hội lại càng phải biết nhìn trước ngó sau. Khoe đi chơi nước này đến nước khác, chụp hình với bao nhiêu quần áo đẹp, ăn toàn món ngon vật lạ chưa chắc đã hay. Còn quá nhiều cuộc đời sống dưới mức nghèo khổ cần sự quan tâm của xã hội, việc khoe khoang như vậy e rằng không phù hợp.

Cũng là cách khoe đi chơi, nhưng sẽ hay hơn rất nhiều khi chia sẻ cho mọi người về những nơi chốn đi qua, dẫn về lịch sử, địa lý giới thiệu cho mọi người “du lịch tại chỗ”. Cái “trình” của người biết khoe, người có văn hóa là vậy. Khoe chia sẻ chứ không phải khoe khoang!

Còn nữa, việc làm từ thiện giờ đây cũng là một cái mốt để khoe khoang, phô trương. Phải chụp hình đưa lên Phây cho mọi người thấy đang đi làm từ thiện. Người có văn hóa biết việc họ làm, không cần phải cho ai thấy. Biết kín kẽ, coi đó là việc bình thường của người có điều kiện giúp đỡ người khó khăn hơn… Người nghèo cũng có lòng tự trọng, “cách cho hơn của cho” mà người xưa luôn căn dặn là vì thế. Xã hội càng phát triển, càng cần phải ngẫm lại lời chỉ bảo của người đi trước. Đó là những lời vàng ngọc đúc kết từ bao nhiêu kinh nghiệm sống.

Học lại, ngẫm lại, uống từng lời xưa, giải thích cho người nay hiểu được lời người xưa là việc cần làm để thắng lại cái đà trượt dốc của văn hóa vậy. Giấy đã rách rồi, cần phải giữ lấy lề.

>Lên "Phây" xem gì?

>Của hồi môn của mẹ

>Người trẻ loay hoay giữa các giá trị

>Văn minh

>Xử lý “hội chứng đám đông”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lời xưa chưa bao giờ cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO