Kỳ vọng 2014

21/02/2014 07:04

Các doanh nghiệp dự cảm về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2014 với niềm tin về sự khởi sắc. Họ đã sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển mới.

Kỳ vọng 2014

Các doanh nghiệp dự cảm về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2014 với niềm tin về sự khởi sắc. Họ đã sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển mới.

Là một người nhiều năm phụ trách việc nghiên cứu Báo cáo động thái doanh nghiệp Việt Nam, TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, không bất ngờ khi kết quả của cuộc khảo sát cuối năm 2013 khá tươi sáng.

Quả là trong lịch sử 7 lần tiến hành nghiên cứu, dường như các doanh nghiệp luôn có dự cảm lạc quan hơn so với tình hình thực tế sẽ diễn ra. Điểm khác biệt chủ yếu là ở chỗ lạc quan ít hay nhiều mà thôi, bà Hằng nói.

Qua thời “ngủ đông”

Nếu như năm 2013 ghi nhận con số kỷ lục về số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản thì năm 2014 lại được chính cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ ghi nhận con số doanh nghiệp được hồi sinh cũng ở mức kỷ lục. Niềm tin này được xây dựng trên cơ sở kỳ vọng về doanh số của năm nay được cải thiện rất lớn so với năm 2013 và giá bán bình quân cũng có xu hướng tăng lên.

>Năm 2014, đồng tiền Việt Nam sẽ ra sao?
>Kênh đầu tư nào sẽ sinh lời năm 2014?
>
IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014
>Năm 2014: chuyển động tích cực từ các nền kinh tế lớn

Ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Alphanam, sau một thời gian “im hơi lặng tiếng” đã quyết định “nổi sóng” trở lại trên thương trường với những dự án mà ông nhìn nhận là nắm bắt được trúng tâm lý của đám đông. Tuy chưa hé lộ cụ thể sẽ đầu tư vào những gì, nhưng những động thái tuyển dụng nhân sự cấp cao từ các tập đoàn bán lẻ cho thấy ông chủ này đang muốn tận dụng quỹ đất phong phú đầy lợi thế tại các đô thị lớn cho mục tiêu đột phá thị trường phân phối.

Nhưng bán và phân phối cái gì lại là một thú vị nữa khi ông úp mở rằng, sẽ có Alphanam Food sản xuất lương thực, thực phẩm và bắt tay phân phối hàng hóa cho những thương hiệu số 1 của thế giới. Chỉ có thời gian mới trả lời được việc rẽ sang đầu tư vào thực phẩm và đồ uống có phải quyết định sáng suốt hay không, nhưng rõ ràng ông Hải không phải trường hợp hiếm hoi quyết định mạnh tay đầu tư ở thời điểm này.

Bà Hằng, Tổng thư ký VCCI còn chỉ ra một điểm lạc quan nữa: nhiều doanh nghiệp tự tin hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị sẽ tốt hơn rất nhiều so với năm 2013. Nhiều doanh nghiệp sau một thời gian “ngủ đông”, rút về đẩy mạnh thực hiện tái cấu trúc, đã tự tin hơn trong việc sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của mình.

Kỳ vọng lượng đơn đặt hàng sẽ tăng lên so với năm 2013, không ít doanh nghiệp tự tin hoạch định số lượng công nhân viên sẽ tăng lên trong năm 2014. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch của VID Group, một doanh nghiệp chuyên phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất tự tin cho rằng, năm 2014 sẽ có nhiều doanh nghiệp mở rộng quy mô hoạt động, vì thế tập đoàn của bà có kế hoạch phát triển mở rộng các khu công nghiệp.

Chiến lược thực chất

Đương nhiên các doanh nghiệp muốn phát triển không thể tách rời khỏi môi trường kinh tế vĩ mô. Khảo sát của VCCI cho thấy, doanh nghiệp quyết định mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh là do nhiều yếu tố khác nhau.

Trong đó, nhóm nguyên nhân triển vọng kinh tế thuận lợi và sẵn lao động có tay nghề với chi phí cạnh tranh cao được nhiều lượt doanh nghiệp chọn nhất, tỷ lệ này lần lượt là 42,9% và 40,1%. Doanh nghiệp đang kỳ vọng rất nhiều vào những chuyển biến tại thị trường lao động vì đây là thời điểm dễ dàng nhất để doanh nghiệp có thể tuyển dụng được nhân lực đáp ứng ngay yêu cầu công việc mà không cần đào tạo, thậm chí đối với cả những vị trí chủ chốt.

Đứng thứ hai là nhóm nguyên nhân mở cửa thị trường, chính sách ưu đãi thuế và khả năng huy động vốn được cải thiện. Đứng thứ ba là nhóm nguyên nhân cơ sở hạ tầng được cải thiện và các chương trình hỗ trợ phát triển của doanh nghiệp.

Đề cập về nội dung Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2020, phần lớn các doanh nghiệp (64,6%) đã nhận thức được việc tăng giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh sản phẩm là những mục tiêu quan trọng trong chiến lược.

Tỷ lệ giá trị gia tăng trên giá bán một đơn vị sản phẩm tại doanh nghiệp thuộc diện khảo sát ước trung bình là 19,5%. Chỉ số này dao động thấp nhất là 0,05% và cao nhất là 85%. Đáng chú ý có tới 77,5% doanh nghiệp được khảo sát coi đây là vấn đề mấu chốt và trong số các doanh nghiệp này thì giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm là phổ biến nhất (có tới 74,3% doanh nghiệp áp dụng).

Cho đến nay, thực sự các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa chú trọng công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) trong doanh nghiệp (chỉ có 32,5% doanh nghiệp lựa chọn biện pháp này). Mang băn khoăn này hỏi chuyện chuyên gia Phạm Chi Lan, bà chia sẻ vừa có chuyến khảo sát tại các doanh nghiệp phía Nam, qua đó bà cảm nhận được sự vận động từ bên trong của doanh nghiệp.

Phần lớn các doanh nghiệp khuyến nghị, Chính phủ nên đẩy mạnh phát triển công nghiệp giúp để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao tỷ trọng giá trị gia tăng của sản phẩm. Điều bà Lan lấy làm tâm đắc, chính là doanh nghiệp thay đổi tư duy, không chỉ ngồi chờ sự hỗ trợ của nhà nước mà họ tự thân vận động. Họ đã thay đổi cả cách tư duy lẫn chiến lược kinh doanh để có thể tồn tại và phát triển thay vì chỉ dừng ở những cải cách bề mặt, bà Lan nói.

Tuy dự cảm tích cực về tình hình kinh doanh 2014, nhưng các doanh nghiệp cũng tỉnh táo để lường trước tình hình vẫn còn khó khăn khi doanh nghiệp vẫn chưa giải được bài toán kết nối chuỗi giá trị, khó tiếp cận tín dụng…

Ông Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, trong một cuộc bàn thảo về sửa đổi Luật Doanh nghiệp đã nhấn mạnh, hơn lúc nào hết doanh nghiệp cần có được những hậu thuẫn tích cực từ cải cách thể chế để tạo dựng nền tảng vĩ mô ổn định cho “tầng vi mô” có dư địa phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỳ vọng 2014
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO