Ký ức Xuân Tân Mùi 1991

ĐỖ LONG - Tổng giám đốc Công ty Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân - Bitas| 21/02/2015 07:50

Câu chuyện cách đây 24 năm và không thể nào quên trong đời làm “thương gia” của tôi.

Ký ức Xuân Tân Mùi 1991

Câu chuyện cách đây 24 năm và không thể nào quên trong đời làm “thương gia” của tôi.

Năm 1982, từ một thầy giáo, tôi chuyển sang tham gia sản xuất trong một tổ hợp có tên là Tổ hợp Cao su Vạn Thành cùng với anh chị em gia đình bên vợ. Tôi là Tổ phó và phải lo khá nhiều thứ: điện, nước, xăng dầu, nguyên liệu cho sản xuất... (cơ chế lúc đó là cần gì cũng phải làm đơn rồi đem lên Liên hiệp xã xin phép, có lúc xin mua nguyên liệu của một nhà máy quốc doanh phải chạy vài tuần mới được).

Tôi nhớ như in đó là ngày 30 tháng Chạp năm Canh Ngọ, tức ngày 14/2 năm Tân Mùi 1991, cách đây vừa tròn 24 năm. Theo phong tục ngày Tết Việt Nam, đó là ngày rước ông bà cùng về ăn Tết hết sức thiêng liêng. Dù hoàn cảnh lúc bấy giờ Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhưng với chính sách mở cửa, dường như ai cũng thấy sức sống mới đang len vào từng gia đình, từng khu phố, cộng với nắng Xuân ấm áp làm cho mọi người đều cảm thấy hân hoan và náo nức đón cái tết “con Dê” đầy ý nghĩa.

Nhưng riêng tôi và những người thân thì lại bùi ngùi, ngổn ngang trong lòng nhiều tâm trạng khó tả, bởi vì ngày rước ông bà cũng là ngày tôi nhận nhiệm vụ phải đi “đòi nợ” ở tận đất nước Liên Xô xa xôi (chính thể Liên bang Xô Viết giải tán, các công ty sản xuất theo phương thức hàng đổi hàng chỉ còn thời hạn 30 - 60 ngày làm tất toán hợp đồng với các tổng công ty nhà nước Xô Viết.

Mặc dù có cơ chế là Bộ Kinh tế Đối ngoại Việt Nam có trách nhiệm làm việc để giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhận lại được tiền hoặc hàng, nhưng thời điểm này Tổ hợp của chúng tôi đã chuyển thành Hợp tác xã Cao su Bình Tiên, lại được cơ chế xuất nhập khẩu có thời hạn và chuyên sản xuất các sản phẩm giày dép cao su cho thị trường Liên Xô theo Hiệp định hợp tác khối Komercon nên phải tự tìm cách xử lý công nợ).

Chuyến bay duy nhất của Hãng Hàng không Nga Aeroflot cất cánh từ Hà Nội tối 30 tháng Chạp (14/2) để kịp ngày 16/2 có mặt tại Bộ Kinh tế Liên Xô thực hiện “đối chiếu công nợ”. Một chuyến bay không mong muốn, cũng là chuyến bay với máy bay to nhất (IL86), ít người đi nhất (vì ai cũng đang ăn Tết ở Việt Nam) và thay vì chỉ mất 7 - 8 tiếng đồng hồ nhưng do phải bay vòng ghé qua Karachi (Pakistan), rồi máy bay trục trặc động cơ phải sửa chữa mất hơn 4 tiếng nữa nên phải mất hơn 13 - 14 tiếng mới đến được thủ đô Moskva. Trong lúc máy bay được sửa chữa, tất cả hành khách không ai được rời khỏi máy bay vì thời điểm này Liên Xô và Pakistan không có quan hệ ngoại giao.

Việc phải làm tại Moskva là nhờ Sứ quán Việt Nam giới thiệu một phiên dịch (thật ra chúng tôi có may mắn được chị Bình, người đại diện cho Tổng công ty Minexport ở Liên Xô, nhiệt tình giúp đỡ suốt hành trình “cân nợ”). Ngoài ra, Sứ quán không thể giúp gì hơn khi cả trăm công ty ở Việt Nam đều đang kéo nhau sang đây.

Viễn cảnh trước mắt khiến tôi hình dung ra không thể đòi được gì với khoản nợ hơn 1 triệu rup (1 rup được quy đổi thành 1,6 USD) của các công ty thuộc Bộ Kinh tế Liên Xô. Tôi nản lòng vô cùng khi hết sáng rồi đến chiều cứ phải chạy đi chạy lại từ chỗ ở gần Sứ quán Việt Nam đến Bộ Kinh tế Liên Xô, 5 ngày rồi 7 ngày, thậm chí họ hứa mai sẽ chuyển tỷ lệ quy đổi 1 triệu rup còn có thể lấy được là 50%, chúng tôi cũng chấp nhận, nhưng cuối cùng lại không có tiền, chỉ có hàng là các loại như bánh xe công nông loại to hết cỡ, thịt ngựa...

Thú thật tôi đã muốn bỏ cuộc, nhưng chị Bình đã kiên trì đấu tranh cho từng đồng rup thu hồi, với kinh nghiệm hơn 10 năm học tập và làm việc tại Liên Xô, chị đã dùng các mối quan hệ, ngay cả với một số quan chức cũng là bạn học, nên chúng tôi thu được nợ, dù số tiền không đáng kể.


Dự định sẽ ở Liên Xô khoảng 1 tuần lễ cho đến 10 ngày là tối đa, nhưng thời gian lo công nợ mất hơn nửa tháng (nghe đâu nhiều công ty còn phải ở tới vài tháng mà cũng không đòi được nợ), rồi đến khi định về thì nội tình Liên Xô lại lộn xộn, đường phố thiếu an ninh, nạn giựt dọc, cướp bóc xảy ra, nhiều nơi giới nghiêm... Sứ quán Việt Nam cũng khuyến cáo công dân Việt Nam hạn chế ra đường, mọi chuyến bay về Việt Nam cũng không còn chỗ (hoặc phải mua chỗ với giá cao).

Hằng ngày nhìn đường phố ảm đạm trong cái rét mùa Đông lúc nào cũng từ âm 10 độ đến âm 15 độ. Giày dép, áo phông, áo da chống lạnh mang từ Việt Nam sang không dùng được vì không chịu nổi thời tiết khắc nghiệt, phải nhờ anh em du học sinh và các anh em đang lao động hợp tác tại các nước Liên Xô mua hộ những thứ cần thiết để chống lạnh.

Rồi hàng hóa khan hiếm, thực phẩm dùng hằng ngày đắt đỏ, rượu là thứ cần cho mùa Đông cũng bị cấm bán. Quần áo bằng vải jean, son phấn, kem thoa da bán rất chạy, thế là các du học sinh, kể cả nghiên cứu sinh, phó giáo sư, giáo sư đều tham gia sản xuất hoặc “đánh hàng” từ Trung Quốc, Việt Nam sang kinh doanh.

Lúc đó, phải tận mắt chứng kiến mới thấy người Việt Nam năng động cỡ nào, khi mà Trung Quốc đã sản xuất được vải jean “wast”, chỗ đậm chỗ nhạt, chiếm lĩnh thị trường Liên Xô, hàng jean truyền thống Việt Nam có nguy cơ tồn kho và mất giá, thì các nghiên cứu sinh nghĩ ra cách lấy vải jean trải ra trong phòng các ký túc xá rồi dùng các loại hóa chất pha chế, lấy bàn chải đánh chỗ đậm, chỗ nhạt màu..., thế là có ngay sản phẩm cạnh tranh với hàng Trung Quốc.

Còn ở các khu lao động hợp tác thì anh em lao động Việt Nam tìm cách sản xuất rượu theo kiểu thủ công như “nếp cái hoa vàng” hoặc “đế Long An”, dân bản địa Nga được hẹn giờ đến mua rượu, mặc dù cách làm này là phi pháp.

Nấn ná ở Moskva hơn 20 ngày nhưng không cách nào trở về được, mỗi tuần có 2 chuyến bay về Việt Nam nhưng đều đầy ắp người. Bàn tính chuyện đi tàu hỏa sang Ba Lan rồi bay về Việt Nam, hoặc qua các ngã Hungari, biên giới Đông Bắc Trung Quốc đều không khả thi vì nguy hiểm. Nhiều người mất sạch, lại lội vòng về Liên Xô.

Sau nhiều lần thuê xe ra Sân bay quốc tế Sheremetyevo của Moskva cũng không thể chen lấn để giành chỗ dù vé có tên, có ngày, giờ bay; lại lội ngược về thành phố, thuê người đi chen giành chỗ, mà phải thuê người châu Âu to con mới chen lại (dịch vụ có một không hai thời điểm hỗn loạn này). Cuối cùng cũng lên được máy bay với điều kiện phải đổi mua ghế hạng thương gia nhưng vẫn ngồi hạng thường.

Thôi thì miễn sao có chỗ để bay về nhà là tốt lắm rồi, vì nhớ Việt Nam, nhớ vợ con, nhớ bữa cơm gia đình, nhớ hương vị Tết cồn cào cả ruột gan. Và sau 29 ngày rưỡi tôi đã về đến TP.HCM, được người thân trong gia đình cho thưởng thức lại các hương vị ngày Tết. Quả là một cái Tết “con Dê” và chuyến đi không bao giờ quên được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ký ức Xuân Tân Mùi 1991
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO