Kỳ 1: Trong ngôi làng Giẻ Triêng

BÙI HỮU CƯỜNG| 04/11/2011 00:57

Làng Petakpot (thuộc xã Đắc Pring, huyện Nam Giang) thuộc dân tộc Giẻ Triêng có 9 hộ với 36 nhân khẩu, chủ yếu là người già và trẻ con, nằm lọt thỏm giữa đại ngàn Trường Sơn.

Kỳ 1: Trong ngôi làng Giẻ Triêng

Những câu chuyện ly kỳ về “bùa mê, thuốc lú”, “săn đầu người”, “ma rừng”... đã thôi thúc chúng tôi có chuyến đi khám phá cung đường vắt qua dãy Trường Sơn hùng vĩ trên địa phận tỉnh Quảng Nam, nơi đó vẫn còn có những buôn làng người Cơ Tu, Giẻ Triêng, M’nông, Xê Đăng... quần tụ như bao đđời. Thế nhưng, đằng sau những câu chuyện mang nhiều huyền tích, huyễn hoặc là những số phận mỏng manh như khói, như sương, như bị lãng quên giữa núi rừng bạt ngàn. Họ đang chống chọi với cái đói, cái rét, với cả sự tối tăm của cái dốt và hủ tục bao đời...

Làng Petakpot (thuộc xã Đắc Pring, huyện Nam Giang) thuộc dân tộc Giẻ Triêng có 9 hộ với 36 nhân khẩu, chủ yếu là người già và trẻ con, nằm lọt thỏm giữa đại ngàn Trường Sơn. Làng đã lập trên đất này từ rất lâu rồi, chỉ có điều dân của làng vốn di cư từ huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) sang. Bao nhiêu năm qua, họ sống biệt lập như một ốc đảo giữa đại ngàn, cách biệt với thế giới bên ngoài và dường như bị lãng quên.

Đã mấy lần tìm cách về làng Petakpot nhưng chúng tôi đều thất bại, bởi khi lội rừng chưa được 1 km lại gặp những cơn mưa tầm tã, và phải qua bốn con suối sâu nước lên rất nhanh, trong khi mưa nhiều, lại rất chóng tối nên không tài nào bước chân đi tiếp được.

Phải đến lần thứ tư với sự liều lĩnh cần thiết, chúng tôi mới đến được làng Petakpot.

Từ Bến Giằng, trung tâm hành chính của huyện Nam Giang vượt chừng 75 km đường xóc đến ói mửa mới đến được chân núi, để tìm đường vào “ốc đảo”.

Em Kring Khánh, cô học sinh duy nhất của làng đang học tại trường nội trú Nam Giang là người dẫn đường của chúng tôi, cho biết, phải mất 7 giờ đồng hồ lội rừng mới đến được làng Petakpot.

Vượt được chừng 8 km đường mòn men theo dốc núi, chúng tôi phải băng qua mấy con suối, nước chảy cuồn cuộn trông rất hung dữ như thể muốn nuốt chửng những ai muốn tìm đến làng Petakpot.

Con đường vào làng chỉ đủ cho một người đi, có nhiều khúc đường một bên núi cao với vách đá dựng đứng, bên kia lại là hố sâu thăm thẳm. Lội bộ hơn 4 giờ trong mưa lạnh, làng Petakpot mới hiện ra lờ mờ trong mây khói.

Giữa lưng chừng núi, làng Petakpot tưởng chừng như nằm lẫn vào trong mây, chỉ cần với tay một cái đã tới.

Thấy người lạ đến, mọi người trốn hết không giao tiếp

Theo lời của Kring Khánh, con đường chúng tôi đi là con đường mới làm năm 2006, còn con đường cũ ngày trước khủng khiếp hơn nhiều, phải mất ít nhất hai ngày đuờng mới đến được làng.

Đêm ở làng Petakpot vắng hiu và lạnh lẽo, chỉ có tiếng kêu của côn trùng và tiếng gầm rú của gió núi, không một bóng người qua lại, xung quanh toàn là núi đồi.

Bên bếp lửa nhà sàn, bố Kring Đí đốt một điếu thuốc, rót rượu vào chai tỉ mẩn nói: “Mọi bữa, khi con gà vừa vào chuồng là mọi người đã đóng cửa ngủ, nhưng hôm nay có mấy chú nên cả làng mới thức khuya như vậy!”. Lúc đó mới 8 giờ tối.

Chúng tôi ngồi chung quanh bếp lửa, uống rượu trong đêm, và được nghe kể về những câu chuyện thật ly kỳ của những con người bao năm sống lặng lẽ trong rừng sâu này.Trẻ con sinh ra 4 tuổi đã biết cầm dao theo cha vào rừng lấy củi, lội suối mò ốc, bắt cá.

Cả làng 9 hộ với 36 nhân khẩu, chủ yếu là người già và trẻ con.Duy nhất chỉ có gia đình bố Kring Thôi, cả 3 đứa con nhỏ đều đã được ông cho xuống xã trọ học, riêng con gái lớn Kring Khánh, học hết cấp THCS bên Ngọc Hồi, ông cũng chuyển về Nam Giang tiếp tục học trường THPT dân tộc nội trú Nam Giang.

Bố Kring Thôi bảo: “Phải cho cái Khánh đi học để sau này về làm cô giáo dạy cái chữ cho bọn trẻ con trong làng!”. Có một điều đặc biệt, gần 50 năm qua dù sống ở vùng sơn cùng thủy tận, nhưng người dân rất khỏe mạnh, ít bệnh tật, đặc biệt không ai chết vì thú dữ, dịch bệnh.

Trong một thời gian dài Petakpot là làng của người Giẻ Triêng thuộc tỉnh Kon Tum nhưng lại ở trên đất Quảng Nam. Do đó khiến làng bị tách biệt, chẳng thuộc sự quản lý của chính quyền địa phương nào.

Năm 2007, tỉnh Kon Tum mới có thủ tục bàn giao làng Petakpot về với Quảng Nam, chịu sự quản lý nhà nước trực tiếp của xã Đắc Pring, huyện Nam Giang.

Nhưng làng Petakpot mới chỉ được “công nhận bằng miệng” chứ chẳng có giấy tờ hành chính nào chứng nhận Petakpot là thôn, khiến các chương trình, dự án chưa thể đưa về đầu tư cho Petakpot, ngoại trừ vài căn nhà thuộc Chương trình 134 vừa được hỗ trợ cho 4 hộ trong làng.

Vào sâu trong làng, mấy nóc nhà co cụm trên khu đất nhỏ, im ỉm. Sự sống có lẽ không được cảm nhận nếu không có vài ba chú bò đang nằm nấp nắng dưới hiên ngôi nhà thuộc chương trình 134. Điều lạ là nhà nào cũng có người nhưng chẳng ai ra khỏi cửa.

Chúng tôi tìm đến nhà của một thanh niên tên Unh, chừng 25 tuổi, có vợ và hai con, đứa lớn năm nay lên 4 tuổi. Hỏi mãi Unh mới trả lời bằng thứ tiếng Kinh lơ lớ: “Nhà không còn cái ăn đã lâu, còn gạo thì đã hết từ con trăng lâu lắm rồi. Lâu nay không có trăng nên không biết!”.

Ngôi nhà nhỏ mới dựng ngay bìa rừng, vài ba đứa trẻ lấp ló ở đầu cửa khi thấy người lạ từ phía xa. Chúng tôi đến gần, chúng đã lẩn mất vào bên trong ngôi nhà tối om rồi khóc thét lên.

Làng vẫn còn tục “đàn bà đi rẫy, đàn ông ở nhà”. Thế nên, trẻ con vừa ra đời đã phải theo mẹ lên rẫy dãi nắng dầm mưa. Chúng tôi vào nhà Mế Ngới, nhà của người già nhất làng khi nhà mế đang ăn trưa. Hạt bắp cuối cùng trong nhà đã vét sạch. Mế Ngới lột mấy lõi chuối non chuẩn bị cho buổi chiều.

Trên bếp có mớ bắp trả công mế đi trỉa bắp cho nhà bên, nhưng chưa dám ăn, để dự trữ. Mế Ngới đã được làm cho ngôi nhà thuộc Chương trình 134 nhưng vẫn không ở.

Mế bảo: “Nhà người Kinh làm ở không được. Nắng thì nóng, mưa đau tai, mùa con nước lớn về thì lại lạnh! Mà cái nhà đó không giống nhà của mình, không dám ở đâu!”. Cả làng có được 4 ngôi nhà Chương trình 134 nhưng làng dùng để cột bò hoặc bỏ trống hoác.

Chúng tôi tìm đến nhà bố Kring Thôi, Trưởng thôn Petakpot. Bố Kring Thôi cho hay: “Cả làng hết gạo ăn lâu rồi, chỉ mình nhà Thôi là còn có gạo ăn thôi”.

Thì ra nhà nào có gạo cũng đem đổi rượu uống cả. Còn nhà bố Thôi lại nấu rượu để dân làng đem gạo tới đổi, sau đó bố Thôi lại dùng gạo đó để nấu rượu.

Cũng chính vì chuyện “đàn bà đi rẫy, đàn ông ở nhà uống rượu” đã khiến cái làng nhỏ bé heo hút và tách biệt này đã nghèo càng thêm nghèo khó. Sự nghèo đói ở đây cứ thế bao bọc, phủ trùm lên những con người như không còn lối thoát.

Từ ngày làng Petakpot được đưa về định cư tại đây, Đồn biên phòng 661 tích cực cùng dân làng đi rẫy, vận động đàn ông lên nương, khám chữa bệnh cho người dân...

Nhưng có lẽ để giúp dân làng ổn định cuộc sống hiện nay, để thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy, cần phải qua một thời gian dài mới mong có hiệu quả.

Chúng tôi rời làng trong một buổi sáng lạnh mù sương trên độ cao hơn một nghìn mét của vùng biên giới, chặng đường về cũng đầy chông gai như thế. Những khó khăn của làng nhiều không như ốc đảo giữa đại ngàn này mong sẽ không còn nữa.

Chắc rằng đến một nào đó gần đây thôi, cuộc sống của làng sẽ đổi khác, nhận thức được nâng cao lên, chất lượng cuộc sống sẽ được cải thiện hơn để làng Petakpot nhỏ bé được hòa nhập với sự thay đổi của cuộc sống mới.

Kỳ 2: Nỗi buồn “ngủ duông”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỳ 1: Trong ngôi làng Giẻ Triêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO