Không thể mãi săn lợi nhuận ở "vùng nước đục"

DIỆP KHÁNH/DNSGCT| 12/01/2016 06:26

Rất ít doanh nghiệp Việt Nam thực hiện được các cơ chế liêm chính trong kinh doanh.

Không thể mãi săn lợi nhuận ở

Minh bạch trong kinh doanh ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp cũng như năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thế nhưng trên thực tế, rất ít doanh nghiệp Việt Nam thực hiện được các cơ chế liêm chính trong kinh doanh, một phần xuất phát từ bộ máy quản lý nhà nước thường xuyên “gây khó” cho doanh nghiệp, một phần do thói quen kinh doanh dựa trên “mối quan hệ”.

Đọc E-paper

Minh bạch trong kinh doanh: Nói dễ, làm khó

Ngày 29/12, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) công bố báo cáo Khảo sát hiện trạng thực hành liêm chính trong kinh doanh và nhu cầu hỗ trợ xây dựng năng lực của doanh nghiệp. Khảo sát được thực hiện tại ba thành phố lớn gồm Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM với sự tham gia của hơn 180 doanh nghiệp.

Theo khảo sát này, hơn 92 – 93% doanh nghiệp tại Việt Nam hiểu về khái niệm liêm chính và minh bạch trong kinh doanh (gồm kinh doanh đúng pháp luật, không hối lộ, không vi phạm pháp luật trong kinh doanh…), trong đó có hơn 55% doanh nghiệp cho rằng liêm chính kinh doanh cần phải gắn liền với các nguyên tắc, chuẩn mực về đạo đức và quy phạm pháp luật, tạo ra rào cản đối với nạn tham nhũng, hối lộ.

Tuy nhiên, dù hiểu rõ về khái niệm, theo khảo sát này, chỉ có 29% doanh nghiệp cam kết và thực hiện các biện pháp liêm chính trong kinh doanh như: kiểm soát nội bộ, kiểm soát chi tiêu, thực hiện cơ chế báo cáo minh bạch với cơ quan thuế, hải quan…

Điểm đáng chú ý, gần một nửa số doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng cho biết thỉnh thoảng gặp hành vi gây khó khăn khi giao dịch với cơ quan Nhà nước (thuế, hải quan…). Đây là điều hết sức đáng lo ngại để xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch trong tình hình hội nhập quốc tế hiện nay.

Cũng theo khảo sát trên, ngành da giày, ngân hàng, chế biến lương thực – thực phẩm có tần suất gặp cản trở từ các cơ quan nhà nước nhiều nhất. Doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực này dù áp dụng liêm chính trong kinh doanh nội bộ nhưng luôn gặp phải những phiền hà, nhũng nhiễu từ các cơ quan nhà nước. Đây cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp dù hiểu được liêm chính nhưng tỷ lệ thực hiện còn quá ít.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Quang Vinh - Phó tổng thư ký VCCI, nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa coi trọng hoặc áp dụng cơ chế kiểm soát hối lộ, vi phạm pháp luật kinh doanh. Đây sẽ là rào cản lớn để doanh nghiệp có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, để thành công trong việc thực hiện liêm chính, doanh nghiệp cần có sự đồng thuận và tính cam kết cao trong nội bộ; tính trách nhiệm trong kinh doanh, thường xuyên nâng cao yêu cầu về các chuẩn mực liêm chính như một nguyên tắc cần tuân thủ… Đây cũng là lõi trong quản trị kinh doanh, chi phối quá trình giao tiếp, trao đổi thông tin trong nội bộ doanh nghiệp và cần có sự tương tác từ cả chiều trên xuống – dưới lên.

Cần thay đổi tư duy săn lợi nhuận ở "vùng nước đục"

So với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam được đánh giá có khả năng hội nhập kém. Trong khi doanh nghiệp ở các nước láng giềng từ lâu đã xem khu vực là thị trường chung và sớm áp dụng tư duy toàn cầu thì nhiều doanh nghiệp Việt vẫn giữ tư duy “ao nhà”. Đây sẽ là hạn chế rất lớn để doanh nghiệp hội nhập và cạnh tranh trong môi trường quốc tế.

Xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, tạo điều kiện để doanh nghiệp áp dụng cơ chế liêm chính trong kinh doanh là điều kiện cơ bản để doanh nghiệp Việt có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tận dụng hiệu ứng lan tỏa từ các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để học hỏi chuyển giao kiến thức, công nghệ và nâng cao năng suất.

Theo thống kê, chỉ có 36% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất (bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp), so với 60% ở Malaysia và Thái Lan. Trong khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp Việt chỉ có 21% trong khi Thái Lan có 30%, Malaysia đạt 46%.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng đang là mối lo của nền kinh tế khi các báo cáo gần đây, Việt Nam lại tụt hạng tại các bảng xếp hạng quốc tế. Theo Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu 2015 - 2016 do diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố tháng 9/2015, Việt Nam xếp hạng thứ 56 trên tổng số 144 nền kinh tế.

Chỉ số Năng lực Cạnh tranh toàn cầu (GCI 2014 - 2015) đạt 4,3/7. Trong đó, có ba nhóm yếu tố để WEF xếp hạng GCI cho Việt Nam gồm: Các yếu tố cơ bản (60%), các yếu tố nâng cao hiệu quả (35%), và các yếu tố sáng tạo (5%) dựa trên 12 trụ cột của năng lực cạnh tranh.

Mặc dù chỉ số GCI năm nay của Việt Nam có tăng hạng so với năm trước, thế nhưng trụ cột về môi trường kinh doanh vĩ mô của Việt Nam lại giảm từ vị trí 75/144 của năm ngoái xuống 118/140.

Theo chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan, vấn đề liêm chính tại doanh nghiệp đang khó bởi vì hối lộ, kinh doanh gian dối xuất phát nhiều từ bộ máy quản lý.

Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới, doanh nghiệp Việt Nam làm được 1 đồng thì phải chi gần 1 đồng cho bôi trơn chính sách. Phí và thuế là hai lĩnh vực chiếm tới 40,8% trong số tổng lợi nhuận doanh nghiệp phải chi trả, đó là chưa nói đến hàng loạt các chính sách gia nhập thị trường khác nữa.

Như vậy, rất khó để doanh nghiệp có thể phát triển được, chưa nói đến phát triển bền vững. “Đây thực sự là rào cản rất lớn của doanh nghiệp, doanh nghiệp không thể sống được chứ chưa nói đến lợi nhuận”, bà Lan cho hay.

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức có hiệu lực, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp được thực thi và hàng loạt các hiệp định thương mại đang được đàm phán sẽ là động lực để nhà nước thực hiện các cải cách thể chế, chính sách tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp, bên cạnh đó, chính doanh nghiệp cũng cần xây dựng một cơ chế làm việc minh bạch và kiên trì thực hiện để nâng cao năng lực cạnh tranh nếu muốn gia nhập thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó tổng Thư ký VCCI cho rằng, liêm chính trong kinh doanh được xem là chuẩn mực đạo đức doanh nghiệp và đây cũng là chuẩn mực của quốc gia và quốc tế. Ông nhấn mạnh, “Tìm cơ hội săn tìm lợi nhuận ở “vùng nước đục”, đó là cách làm chỉ mang tính ngắn hạn. Giờ đây, nền kinh tế đã phát triển đến mức, cơ hội thực sự chỉ dành cho những doanh nghiệp có cái nhìn dài hạn theo đuổi giá trị phát triển bền vững mà thôi”.

>Thói quen minh bạch – Khi nào?

>Muốn chặn thao túng, phải minh bạch

>Cho vay tiêu dùng: Thêm minh bạch, bớt phiền hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không thể mãi săn lợi nhuận ở "vùng nước đục"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO