Không nên tăng chi tiêu mà nên giảm thuế!

HẢI VÂN| 06/06/2012 03:45

Ổn định kinh tế vĩ mô, một trong những công cụ của Chính phủ là chính sách tiền tệ. Giáo sư Robert Brown nói, chính sách tiền tệ sẽ không giải quyết căn nguyên thay đổi cung - cầu gây ra bong bóng tài sản, mà đem lại tác động lớn ở chỗ khác.

Không nên tăng chi tiêu mà nên giảm thuế!

Ổn định kinh tế vĩ mô, một trong những công cụ của Chính phủ là chính sách tiền tệ. Giáo sư Robert Brown nói, chính sách tiền tệ sẽ không giải quyết căn nguyên thay đổi cung - cầu gây ra bong bóng tài sản, mà đem lại tác động lớn ở chỗ khác.

* Đối phó với bong bóng tài sản, theo ông, thách thức mà Chính phủ Việt Nam phải đối mặt là gì?

- Để đối phó hiệu quả, đòi hỏi chúng ta vừa phải thành công trong việc xác định bong bóng khi mới chớm hình thành, vừa phải xây dựng, triển khai biện pháp đối phó, nhằm hạn chế sự tăng trưởng của bong bóng và tránh được sự đổ vỡ khi giá tài sản suy giảm.

Đó không phải là điều dễ dàng vì rất khó nhận ra bong bóng tài sản theo thời gian thực và mỗi bong bóng lại một khác. Tuy nhiên, đó không phải là lý do để Chính phủ không hành động.

* Nhưng Việt Nam làm thế nào có thể thoát khỏi tình trạng bong bóng tài sản hiện nay?

- Đối với nhiều nước, một khi đã rơi vào tình trạng bong bóng thì tình hình rất khó khăn. Kinh nghiệm gần đây cho thấy, bong bóng tài sản có tồn tại. Sự đổ vỡ của nó gây ra nhiều tổn hại đối với hệ thống tài chính và nền kinh tế vĩ mô.

Điều tôi muốn nói là các bạn có thể làm 2 việc: giảm nhu cầu và tăng cung. Chính phủ có thể bắt đầu hạn chế người dân đầu tư để cố gắng tiếp đất nhẹ nhàng thay vì sụp đổ và có thể tăng cầu đối với các lựa chọn thay thế khác.

Tuy nhiên, cách tiếp cận chủ động, phù hợp là phải thỏa mãn 3 điều kiện. Thứ nhất, phải xác định có rủi ro thực chất về đổ vỡ giá tài sản trong tương lai có thể đe dọa tới ổn định tài chính.

Thứ hai, xác định những công cụ có khả năng thành công ở mức độ hợp lý. Thứ ba, tin tưởng một cách hợp lý rằng chi phí sử dụng các công cụ đó có thể thấp hơn những lợi ích đem lại qua việc phòng tránh khả năng đổ vỡ. Khi cả 3 điều kiện đó được thỏa mãn, chúng ta cần quyết tâm hành động.

* Gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có một loạt động thái nhằm ổn định nền kinh tế, như đưa ra gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng, mở van tín dụng cho bất động sản, tiêu dùng..., ông có nhận xét nào không?

- Số lượng tiền đó cũng rất có ích, nhưng quan trọng hơn là nó giúp tạo ra lòng tin không chỉ cho nền kinh tế trong nước, mà cả với các nhà đầu tư nước ngoài. Tôi hay lấy ví dụ về Ireland, từng bị coi là thành viên nghèo của Liên minh Châu Âu, nhưng họ đã chuyển đổi bằng cách giảm chi tiêu, giảm thuế chứ không chi tiền nhiều hơn.

Nhờ thuế thấp nên họ kích thích đầu tư trực tiếp nước ngoài và thúc đẩy kinh tế phát triển. Tôi không cho rằng tiêu tiền là cách tốt nhất để thoát khỏi khủng hoảng. Chính việc giảm thuế và chi tiêu sẽ khuyến khích đầu tư hơn.

* Ông nhận định thế nào về sự tham gia của Chính phủ Việt Nam vào nền kinh tế?
- Tôi nghĩ thời điểm hiện nay là lúc tuyệt vời để Chính phủ Việt Nam dẫn dắt nền kinh tế thoát khỏi suy thoái. Không có thị trường nào là hoàn hảo.

Thị trường luôn luôn cần có can thiệp, nhưng làm thế nào để can thiệp hiệu quả thì tôi hay nhắc đến bài học thế kỷ XIX về tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và bài học thế kỷ XX là về những gì không được làm. Ví dụ, Nhật Bản đã không giải quyết được các khoản nợ xấu. Vì vậy, nền kinh tế Nhật Bản vẫn đang vật vã và từ năm 1991 đến nay hầu như không có tăng trưởng kinh tế.

* Theo ông, sự can thiệp của Chính phủ Việt Nam đã kịp thời hay chưa?


- Tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam đang dẫn dắt nền kinh tế đi đúng hướng. Điểm tốt là họ luôn cố gắng học hỏi từ các nước khác để xử lý tình huống. Học hỏi và nỗ lực thay đổi để đạt hiệu quả tối đa là điều tốt nhất. Ngày hôm nay chúng ta học một vài bài học và để tiến tới mức tăng trưởng kinh tế cao hơn thì còn nhiều điều phải học nữa.

* Vậy Chính phủ Việt Nam có cần thay đổi cách tham gia vào nền kinh tế không?

- Như tôi đã nói, không nên tăng chi tiêu mà nên giảm thuế!

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không nên tăng chi tiêu mà nên giảm thuế!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO