Giải cơn khát vốn cho các chương trình vượt tầm ngân sách

HOÀNG ANH thực hiện| 29/06/2017 06:57

Chính phủ đã đồng ý cho TP.HCM sử dụng 67.000 tỷ đồng từ tiền cổ phần hóa và thoái vốn các DNNN và cho phép HFIC thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc UBND TP.HCM.

Giải cơn khát vốn cho các chương trình vượt tầm ngân sách

Chính phủ đã đồng ý cho TP.HCM sử dụng 67.000 tỷ đồng từ tiền cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và cho phép Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc UBND TP.HCM. Chúng tôi phỏng vấn đại biểu quốc hội, Tổng giám đốc HFIC - ông Phạm Phú Quốc về vấn đề này. 

Đọc E-paper

Ông Quốc cho rằng: "Mô hình cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại TP.HCM được thành phố thí điểm từ năm 2010 và được đánh giá tốt vì đã bảo toàn và phát triển nguồn vốn Nhà nước giao, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn huy động. UBND TP.HCM đã báo cáo Thủ tướng mô hình này.

Việc Chính phủ cho phép HFIC chính thức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DNNN thuộc UBND TP.HCM có ý nghĩa quan trọng bởi HFIC sẽ được phép tạo nguồn lực, sử dụng hiệu quả đồng vốn nhà nước cho mục đích phục vụ dân sinh.

Có thể nói, cùng với định hướng thành lập cơ quan chuyên trách quản lý vốn DNNN trực thuộc trung ương, việc phân cấp cho những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM quản lý vốn DNNN trực thuộc là phù hợp và cần thiết, nhất là phát huy mô hình quỹ đầu tư phát triển địa phương với mục tiêu làm đòn bẩy kinh tế thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

HFIC là cơ quan quản lý vốn DNNN TP.HCM hướng tới việc áp dụng ở mức tối đa các nguyên tắc quản trị công ty, là điều kiện để thực thi các quyền của chủ sở hữu doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường và gắn với mục tiêu tối đa hóa hiệu quả kinh tế.".

* Quyết định của Chính phủ có phải đã tạo điều kiện cho sự phát triển hạ tầng phục vụ dân sinh của TP.HCM, thưa ông?

- TP.HCM đang cần nguồn vốn rất lớn để xây dựng hạ tầng đồng bộ theo nhu cầu phát triển. Nhưng nếu TP.HCM tự huy động vốn sẽ đụng trần nợ công, vượt quy định không được huy động quá 70% số tiền so với tổng ngân sách được giữ lại (năm 2017, TP.HCM được giữ lại 67.000 tỷ đồng), tức huy động không quá 42.000 tỷ đồng.

Nghị định 48 ngày 24/4/2017 của Chính phủ Quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP.HCM, chẳng hạn, khi đã đụng trần nợ công thì DNNN được tự vay, tự trả. Mà doanh nghiệp muốn vay được nhiều thì vốn đối ứng, vốn chủ sở hữu phải nhiều.

Để vay được vốn phải quy vốn về một mối. Khi doanh nghiệp có vốn đối ứng nhiều thì trần huy động tăng lên gấp 6 lần so với vốn chủ sở hữu. Điều này có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của TP.HCM trong bối cảnh nguồn ngân sách khó khăn, nguồn vốn ODA bị hạn chế. Đây là lối thoát duy nhất cho ngân sách TP.HCM trong thời gian tới.

>>2 mặt của đồng tiền ngân sách

* TP.HCM cân đối nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp từ năm 2017 trở đi khoảng 67.000 tỷ đồng. Ông có thể cho biết con số này được tính toán trên cơ sở nào và tiêu chí sử dụng nguồn vốn ra sao?

- Chúng tôi tính toán dựa trên tổng số vốn chủ sở hữu của các DNNN của TP.HCM sẽ được cổ phần hóa trong giai đoạn 2016 - 2020. Tiêu chí về các công trình được dùng nguồn tiền 67.000 tỷ đồng được xác định rất rõ, đó là những công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ dân sinh vượt tầm ngân sách thành phố.

* Có ý kiến còn băn khoăn lẽ ra tiền thu từ doanh nghiệp cổ phần hóa phải được chuyển về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, sau đó mới phân bổ cho các công trình trọng điểm. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- TP.HCM là nơi đầu tiên có khu công nghiệp, khu chế xuất, ngân hàng thương mại. TP.HCM cũng là nơi cổ phần hóa DNNN đầu tiên, từ đó mới lan tỏa ra phạm vi cả nước. Vì thế, TP.HCM được hưởng một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù là hợp lý. Ngay cả khi cơ quan trung ương chuyên trách đại diện vốn sở hữu nhà nước được thành lập cũng cần đặt câu hỏi liệu có nên dồn hết vốn nhà nước vào một chỗ. Dồn hết vốn vào một chỗ, lỡ thua lỗ thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

HFIC đã đại diện rất tốt và phát huy có hiệu quả đồng vốn nhà nước, bởi vậy, cần phải được trao quyền chính thức. Việc Chính phủ đồng ý để TP.HCM sử dụng nguồn vốn 67 nghìn tỷ đồng và HFIC chính thức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DNNN thuộc UBND TP.HCM có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển của thành phố. HFIC sẽ được phép tạo nguồn lực, sử dụng hiệu quả đồng vốn nhà nước cho mục đích phục vụ dân sinh và đầu tư cơ sở hạ tầng.

Việc TP.HCM đề nghị giữ lại 67.000 tỷ đồng phù hợp với Điều 37 Luật Ngân sách. Điều luật này quy định những nguồn lực do địa phương đầu tư vào doanh nghiệp thì việc thoái vốn, cổ phần hóa hay cổ tức sẽ được giữ lại cho địa phương. Mặt khác, ngân sách của trung ương có giới hạn, lại phải phân bổ cho rất nhiều tỉnh - thành.

Nhưng vấn đề cử tri cả nước và giới tài chính mong muốn là nguồn vốn thu được từ việc cổ phần hóa không nên hòa vào nguồn ngân sách rồi "pha loãng" cho việc chi thường xuyên hay một số khoản chi khác. Vấn đề là nguồn thu từ cổ phần hóa này nên được tập trung cho đầu tư phát triển hoặc tái đầu tư vào các nguồn lực nhà nước để tạo nên lợi nhuận, tất cả để phục vụ cho dân sinh, cho phát triển hạ tầng đô thị.

Cụ thể hơn, tổng vốn sổ sách của các DNNN của TP.HCM (gồm 54 công ty THHH MTV) khoảng 46.000 tỷ đồng, so với 1,3 triệu tỷ đồng vốn của các tập đoàn, tổng công ty thuộc bộ, ngành trung ương thì chỉ chiếm khoảng 3,5%. Một khi TP.HCM được đầu tư đồng bộ về hạ tầng xã hội - kỹ thuật sẽ còn phục vụ cho các địa phương khác và cả nước.

* Cám ơn ông!

>>Cổ phần hóa DNNN: Bên mặn, bên ngọt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải cơn khát vốn cho các chương trình vượt tầm ngân sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO