Giá xăng dầu: Hài hòa lợi ích ba bên

TS. LÊ QUỐC PHƯƠNG| 17/03/2015 03:56

Với quyết định tăng gấp 3 lần thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, Nhà nước đã thực hiện cách tốt nhất để bảo vệ môi trường là thu phí đối tượng gây ô nhiễm.

Giá xăng dầu: Hài hòa lợi ích ba bên

Giá xăng dầu là điển hình về việc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa "ba người chơi". Đây là bài toán khó, Nhà nước phải rất cẩn trọng mới có lời giải đúng.

Đọc E-paper

Với quyết định tăng gấp 3 lần thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, từ 1.000 lên 3.000đ/lít, Nhà nước đã thực hiện cách tốt nhất để bảo vệ môi trường là thu phí đối tượng gây ô nhiễm. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh môi trường thiên nhiên nước ta đang xuống cấp nghiêm trọng dưới tác động các hoạt động của con người.

Tăng thuế môi trường trong bối cảnh giá xăng dầu rẻ là hợp lý. Động thái này góp phần hạn chế sử dụng xăng dầu. Tuy nhiên, việc tăng một lần tới 3.000đ là bước tăng khá lớn, từ mức thuế môi trường 1.000đ/lít tính cho xăng dầu được áp dụng trong nhiều năm qua.

Để giảm tác động đến những đối tượng chịu thuế, các nhà làm chính sách có thể đi những bước nhỏ hơn, chẳng hạn tăng lên 2.000đ và sau đó một thời gian mới tăng lên mức 3.000đ.

Thực tế, các nguồn thu từ thuế đều chảy vào ngân sách nhà nước. Không thể tăng thuế môi trường để bù đắp cho giảm thuế nhập khẩu, mà thuế môi trường phải được xem là khoản ngân sách riêng dành cho mục đích bảo vệ môi trường.

Chính phủ cần có phương án chi tiêu hợp lý nguồn tiền thuế này, trong khi Quốc hội phải có cơ chế giám sát đảm bảo ngân sách được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Nếu không, nguồn thuế thu được sẽ có thể bị sử dụng kém hiệu quả, thậm chí lãng phí.

Trong việc tăng thuế môi trường lần này, Nhà nước có thể đã có cân nhắc, nhưng phải rất thận trọng mới có thể đảm bảo hài hòa lợi ích giữa "ba người chơi" chính trong nền kinh tế: Nhà nước, doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, kiềm chế lạm phát chưa thực sự bền vững, nếu không thận trọng, lạm phát có thể quay trở lại dù lần tăng giá và thuế này ảnh hưởng không nhiều đến chỉ số CPI.

Trường hợp thiếu thận trọng sẽ dẫn đến một bên được hưởng lợi và bên kia phải chịu thiệt mà việc tăng thuế nhập khẩu khi giá xăng dầu giảm vừa qua là ví dụ. Nhà nước tăng thuế nhập khẩu thì sẽ tăng thu ngân sách, song người tiêu dùng không được hưởng lợi gì từ việc giá xăng dầu giảm.

Lâu nay, người tiêu dùng đang phải gánh chịu tất cả những tác động bởi các yếu tố cấu thành giá, từ giá nhập khẩu, thuế nhập khẩu, phí môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt... đến lãi của các công ty kinh doanh xăng dầu.

Lần này, tăng thuế môi trường nhân tiện giá xăng dầu đang thấp, Nhà nước thu được thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường và thuế nhập khẩu. DN được hưởng lãi khi kinh doanh. Nhưng một lần nữa, người tiêu dùng lại phải chịu thiệt. Còn môi trường cũng chỉ được lợi khi tiền thu thuế môi trường từ xăng dầu được sử dụng hiệu quả.

Liên quan đến tăng thuế lần này, một việc nữa Nhà nước cần làm để đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, đó là đưa ra thời hạn cụ thể về giảm 15% thuế nhập khẩu. Về nguyên tắc, khi giảm thuế nhập khẩu thì người tiêu dùng được lợi, còn Nhà nước có thể bị thiệt.

Một ngày sau khi Quốc hội đồng ý tăng thuế môi trường, giá xăng được điều chỉnh tăng 1.600 đ/lít, đã làm gia tăng quan ngại về lộ trình giảm thuế có thể bị kéo dài.

Giá xăng dầu Việt Nam hiện nay cao hơn nhiều nước. Nhưng sắp tới, giá bán lẻ xăng dầu có thể tiếp tục được điều chỉnh mạnh hơn do tiền thu thuế môi trường phải thu từ bán lẻ xăng dầu cho người tiêu dùng, không thể thu từ DN.

Việc tăng giá xăng dầu sẽ làm tăng chi phí của DN, do vậy ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của DN nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung. Do đó, Nhà nước, mà cụ thể là Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cần cân nhắc về mức độ hợp lý của giá xăng dầu hiện nay và sắp tới.

CPI thấp trong 4 tháng qua là lý do khiến Nhà nước mạnh dạn hơn trong việc điều chỉnh tăng giá xăng, giá điện và thuế môi trường trong thời gian chưa đầy 2 tháng. Trước đây, khi chỉ số CPI cao, sức mua mạnh, nếu tăng thuế, giá điện, giá xăng dầu như hiện nay lập tức có thể ảnh hưởng đến CPI. Năm nay, dự báo GDP sẽ tăng lên 6,2%.

Theo đó, tổng cầu tiêu dùng, tổng cầu đầu tư đều tăng, niềm tin tiêu dùng, niềm tin kinh doanh đang tăng lên, đẩy mặt bằng giá lên. Nhưng giá điện tiếp tục tăng, mức tăng giá điện lên 7,5% vào ngày 16/3 mới chỉ là một phần.

Nếu chiếu theo công bố của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trước nhu cầu hội nhập cao, yêu cầu đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế tăng 6,2% thì ngành điện phải tăng ít nhất 13%.

Tăng giá đồng loạt nhiều mặt hàng trong bối cảnh như thế, rất có thể sẽ gây tác động cộng hưởng khiến lạm phát tăng mạnh như đã từng xảy ra năm 2012, khi giá dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế tăng cùng lúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giá xăng dầu: Hài hòa lợi ích ba bên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO