Giá cước vận tải: Mức nào là phù hợp?

LÊ LOAN| 16/09/2015 06:58

Mặc dù giá xăng dầu, yếu tố cấu thành quan trọng trong giá cước vận tải (chiếm từ 25% - 30%) đã giảm 5 lần liên tiếp trong ba tháng vừa qua, nhưng các DN vận tải vẫn chưa chịu giảm giá cước.

Giá cước vận tải: Mức nào là phù hợp?

Tuần qua, ngay khi xăng dầu có đợt giảm giá mới thì Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) tổ chức tọa đàm "Giá cước vận tải và quyền lợi người tiêu dùng", nhằm đề xuất biện pháp giảm giá cước vận tải, đảm bảo quyền lợi hành khách và cân đối giá hàng hóa trên thị trường.

Đọc E-paper

Tọa đàm tập trung phân tích các nguyên nhân gây nên tình trạng neo giá cước vận tải (cước taxi, cước vận chuyển hành khách tuyến cố định và vận chuyển hàng hóa...), đồng thời đề xuất các biện pháp giảm giá cước vận tải, góp phần đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng (NTD).

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch Vinastas, khẳng định: "NTD Việt Nam đang phải chịu thiệt hại không nhỏ từ mức cước vận tải hiện nay. Cụ thể, giá cước taxi trung bình 1km ở TP.HCM đang cao hơn giá cước taxi tại Singapore khoảng 40%.

Mặc dù giá xăng dầu, yếu tố cấu thành quan trọng trong giá cước vận tải (chiếm từ 25% - 30%) đã giảm 5 lần liên tiếp (khoảng 16,3%) trong ba tháng vừa qua, nhưng các doanh nghiệp (DN) vận tải vẫn chưa chịu giảm giá cước".

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho rằng, giá cước taxi ở Việt Nam hiện nay đang cao đáng kể so với các nước trong khu vực.

Viện dẫn điều này, ông Thỏa cho hay: "Giá cước taxi trung bình ở Bangkok là 3.800đ/km (6 bath), ở Manila là 5.700đ/km (11.93 peso), ở Jakarta là 6.300đ/km (4.000 pupiah), ở Singapore cũng chỉ 8.700đ/km (0,55 USD)".

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh các biện pháp hành chính đang được thực thi như DN phải kê khai giá cước vận tải, Nhà nước phải có chính sách kịp thời mang tính thị trường để buộc các DN vận tải điều chỉnh giá cước khi nhiên liệu giảm giá sâu.

Trước phân tích, kiến nghị từ đại diện các tổ chức hiệp hội, đại diện Sở Tài chính TP.HCM nói: "Nguyên tắc quản lý giá là theo cơ chế thị trường, Nhà nước tôn trọng quyền quyết định giá của DN.

Ở các nước, DN vận tải thuộc đối tượng kê khai giá, tức khi có biến động thì có sự can thiệp của nhà nước.

Riêng tại TP.HCM, từ tháng 7/2014 đến tháng 1/2015, các DN vận tải đã giảm giá cước. Tính đến nay, giá cước taxi đã giảm gần 1.500 đồng/km, giá cước vận tải hành khách tuyến cố định đã giảm từ 3% đến 21% so với tháng 1/2015.

Theo kết quả kiểm tra của Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Tài chính, mức giảm giá vừa nêu được xem là phù hợp.

Tuy nhiên, nếu tính từ 21/1/2015 đến nay, giá xăng dầu lại được chia thành ba giai đoạn. Cụ thể, từ 21/1 đến tháng 5/2015, giá xăng tăng gần 30% (từ 15.676đ/lít - 19.230đ/lít).

Ở thời điểm này, đúng ra các DN vận tải sẽ tăng mức cước từ 6,8% - 8%, nhưng không có DN nào tăng giá.

Giai đoạn 2, từ tháng 5 đến tháng 7/2015, giá xăng có giảm, nhưng vẫn còn cao hơn giá của giai 1. Lúc này, giá cước taxi tăng 500đ/km (đúng ra phải tăng 1.000đ/km). Giai đoạn 3, đến ngày 3/9, giá xăng giảm còn 17.300đ/lít.

Theo thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước có thể yêu cầu DN taxi, DN vận tải hành khách cố định giảm giá.

Trên cơ sở này, Sở Tài chính đã có văn bản (ngày 20/8/2015) yêu cầu các DN giảm giá, đến nay đã có 2/11 DN taxi là Vinasun và Air taxi giảm 500đ/km và 10/51 DN vận tải hành khách tuyến cố định đã giảm 5% giá cước".

Điều đó cho thấy, Sở Tài chính TP.HCM đã theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu, thời hạn gia hạn của Sở Tài chính đối với các DN vận tải về việc nộp văn bản điều chỉnh giá cước đến ngày 11/9 đã hết.

Theo Sở Tài chính, sau thời gian này, DN vận tải nào chậm kê khai mức giá mới sẽ bị phạt, đồng thời bắt buộc phải điều chỉnh giá cước vận tải.

Song, ở góc độ nhà quản lý, đại diện Sở Tài chính cũng chia sẻ với các DN vận tải.

Vị này cho hay, giá cước vận tải không phải xuất phát 100% từ yếu tố xăng, dầu mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như tiền lương tăng từ 2% - 10%/năm, phí cầu đường tăng..., do đó, nếu chỉ căn cứ vào giá xăng dầu để áp đặt việc giảm giá cước vận tải đối với các DN vận tải là "xử ép".

"Ngành vận tải có tính cạnh tranh rất cao. Tôi cũng là người thường đi taxi, nhưng hay chọn Grab Taxi, vì rẻ. Từ nhà tôi vào cơ quan mất 31.000 đồng, trong khi nếu tôi đi taxi Mai Linh sẽ tốn khoảng 120.000 đồng. Nói điều này để thấy, nếu DN vận tải tự điều chỉnh giá vô tội vạ, thì sẽ chẳng khác nào họ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi có rất nhiều sự cạnh tranh này", đại diện Sở Tài chính nói.

>CEO Grabtaxi: Cơ hội từ "cái đuôi dài"

>Thị trường taxi: Cuộc đua công nghệ

>Pháp: Tài xế taxi bạo động, phản đối dịch vụ Uber

>Thị trường taxi: Cuộc đua công nghệ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giá cước vận tải: Mức nào là phù hợp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO