Du lịch ĐBSCL: Cục bộ "đè" thế mạnh

THANH NGUYÊN - VÕ HÙNG/DNSG Cuối tuần| 11/08/2012 07:17

Đầu năm 2012, tạp chí du lịch Lonely Planet bình chọn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam là một trong mười điểm đến có ý nghĩa nhất trong năm

Du lịch ĐBSCL: Cục bộ

Đầu năm 2012, tạp chí du lịch Lonely Planet bình chọn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam là một trong mười điểm đến có ý nghĩa nhất trong năm. Đã bước qua đầu tháng 8 rồi mà mùa du lịch dường như chưa kết thúc ở vùng này. Các đoàn du khách cứ nhộn nhịp kéo nhau về, đẩy doanh thu du lịch ở các địa phương tăng cao so với các năm trước.

Đọc E-paper

Có nhiều nhận định khác nhau về sự tăng trưởng đột biến ấy, nhưng tựu trung vẫn là sự liên kết xây dựng bản đồ du lịch toàn vùng không có sự lặp lại nhàm chán, rập khuôn của các sản phẩm du lịch.

Tuy vậy, du lịch vùng ĐBSCL chưa có sự hợp tác bền chặt giữa các địa phương, các công ty du lịch. Lâu nay, chỉ có liên kết trong việc tổ chức sự kiện, chứ chưa thật sự liên kết để cùng phát triển sản phẩm du lịch.

Thực tế đó làm nảy sinh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, liên kết chắp vá hoặc chưa có chiều sâu giữa các địa phương. Tình trạng “mạnh ai nấy làm” và “rập khuôn” đã ảnh hưởng đến tiến trình xúc tiến du lịch mang tính vùng, miền. Năm 2010, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL (MDTA) phối hợp với các Sở Văn hóa - Thông tin - Du lịch trong vùng xúc tiến việc bình chọn sản phẩm du lịch đặc trưng cho mỗi địa phương, song vẫn chưa có kết quả sau cùng.

Nhìn chung, sản phẩm du lịch vẫn rập khuôn: Chợ nổi trên sông, ghé miệt vườn nghe đờn ca tài tử, thưởng thức các món ăn khá giống nhau… Ngay Kiên Giang - một địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch - nhưng theo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, ngành du lịch Kiên Giang còn nhiều hạn chế trong đó sản phẩm du lịch còn trùng lắp, đơn điệu, gây nhàm chán, đầu tư còn dàn trải…

Đêm Sài Gòn - Cần Thơ

Một doanh nhân từ TP. Hồ Chí Minh điện thoại về Cần Thơ nhờ chúng tôi thiết kế giùmmột chương trình đi chơi sông nước: “Đi đâu cũng được, miễn sao càng gần gũi với thiên nhiên càng tốt. Ở đất Sài thành hoa lệ đã quá ngán ngẩm với sức ép của bê tông và tiếng ồn. Nhưng nhớ, chuyến này chỉ sắp xếp đi được chiều thứ Bảy và sáng Chủ nhật thôi, nên ưu tiên cho một đêm đầy huyền thoại”.

Trời ơi, đi chơi đêm ở đất này? Tôi cố lục hết trong đầu về những điểm lui tới quen thuộc, những nơi được nghe nói đến hoặc chí ít cũng một lần đi ngang qua. Ăn đặc sản lẩu mắm, uống rượu trái nhàu? Xưa rồi, Sài Gòn lẩu mắm đâu thiếu, còn rượu thì càng tha hồ. Chơi bowling, hát karaoke lành mạnh? Thú chơi thời thượng ấy chắc chắn Cần Thơ có “vắt giò lên cổ” cũng không đuổi kịp Sài Gòn.

Lại càng thất vọng khi nhận ra các mục chơi đêm trong những tour du lịch ĐBSCL đều mờ nhạt và nhàm chán. Thôi thì cứ đi chơi theo kiểu khẩn hoang của ông bà mình thời lưu dân. Chúng tôi thuê một chiếc tác ráng mui trần, cho chạy khắp các tuyến kinh rạch trên sông Cần Thơ để khách Sài Gòn ngắm nhìn vườn cây và đời sống của cư dân sông nước hai bên bờ lúc màn đêm chưa buông xuống, đốt một bếp lửa hồng để mọi người trong đoàn nấu nướng các loại đặc sản miền Tây mang theo, cùng nhắm ly rượu nếp sủi tăm, cay nồng, rồi ôm đàn hát bập bùng bên ánh lửa...

Trong không gian vằng vặc của bóng đêm, trăng treo lơ lửng trên đầu, xa xa có chùm sao lạc, xung quanh là sóng nước lấp lánh mênh mông, rồi tiếng đàn, giọng hát lúc trầm, khi bổng... Giá như có thêm ai đó trong đoàn hát được vọng cổ, huê tình, hoặc ngâm nga câu hò điệu lý thì có lẽ cái không gian tìm về nguồn cội sẽ càng trọn vẹn hơn. “Không sao - anh bạn tôi quả quyết - cây nhà lá vườn như vậy là quá đẹp rồi. Quanh năm suốt tháng chìm trong một khối bê tông khổng lồ, đầy tiếng ồn và khói bụi, có được khoảnh khắc thư giãn như thế này quả là tuyệt vời”.

Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Suốt mấy ngày loay hoay chuẩn bị cho chuyến đi chơi đêm trên sông, quả thật tôi chưa thật tự tin về ý tưởng “sinh thái cây nhà lá vườn” của mình, nhưng dù gì thì cũng thú vị hơn là ngồi trên chiếc tàu du lịch khổng lồ ngắm nghía đêm tối, hay thả bộ tới lui trên đoạn đường chưa đến nửa cây số của bến Ninh Kiều.

Giải mã bài toán liên kết

Ông Phạm Phước Như, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho biết “Hiện nay việc liên kết trong hoạt động du lịch đã bắt đầu từ khi có Quyết định 492 của Chính phủ quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm của ĐBSCL. Hiệp hội đã vận động xây dựng cụm du lịch tiêu biểu bao gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau cộng với Bạc Liêu (4+), phối hợp cùng một số công ty lữ hành ở TP.HCM, Hà Nội, Huế tổ chức chuyến khảo sát để xây dựng sản phẩm du lịch của vùng kinh tế trọng điểm này.

Theo đó, xây dựng tour du lịch chung cho cả năm địa phương. Đây được xem như bước tập dượt để giải bài toán liên kết lâu nay không có nơi bấu víu. Kết quả gặt hái được sáu tháng đầu năm từ cụm du lịch 4+ tiêu biểu này cho thấy nhiều triển vọng khi doanh số du lịch ở các địa phương này tăng gấp đôi so với trước.

Mới đây, Công ty Điền Quân Media (TP.HCM) đưa Martin Yan - vua đầu bếp thế giới - đi một vòng ĐBSCL khảo sát đời sống dân dã, tiềm năng sông nước, văn hóa ẩm thực để xây dựng bộ phim truyền hình “Khám phá Việt Nam cùng Martin Yan” nhằm quảng bá rộng rãi hình ảnh du lịch ĐBSCL ra thế giới.

Ông Bửu Điền, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty, cho biết Điền Quân Media đã đầu tư hơn một triệu USD hợp tác với Martin Yan thực hiện ý tưởng trên. Điền Quân Media đã thành lập văn phòng đại diện tại Cần Thơ hồi tháng 6 năm nay với định hướng lâu dài trên vùng đất giàu tiềm năng này là khai thác tối đa lĩnh vực du lịch thông qua các sản phẩm không chỉ thỏa mãn nhu cầu thưởng ngoạn mà cả nhu cầu khám phá và hòa nhập thiên nhiên, hòa nhập đời sống cư dân tại chỗ của du khách.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL Phạm Phước Như nói rằng từ mô hình 4+ sẽ tiếp tục mở rộng ra toàn vùng tạo thế liên kết không phải mang tính địa giới hành chính mà liên kết thế mạnh đặc thù của từng địa phương như biển đảo (Kiên Giang), văn hóa tâm linh (An Giang), rừng biển (Cà Mau), văn hóa dân tộc thiểu số (Sóc Trăng, Trà Vinh)…

Mô hình 4+ còn có nghĩa là sự mở rộng mời gọi, tiếp nhận liên kết đối với các địa phương còn lại, theo Phạm Phước Như, khi khép kín được vòng tròn liên kết 13 tỉnh thành, các thế mạnh về du lịch (tiềm năng sinh thái, văn hóa) ở vùng đất trẻ này sẽ được phát huy, thỏa mãn nhu cầu gần ba triệu lượt du khách quốc tế và gần bốn triệu lượt khách nội địa (theo chiến lược phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020).

Việc liên kết đồng bộ để phát triển du lịch giữa các địa phương vùng ĐBSCL không chỉ là việc kết nối các sự kiện, mà phải tận dụng lợi thế và bản sắc của địa phương này để vực dậy điểm yếu của địa phương kia, từng bước mang lại sự phát triển đi lên đồng bộ, hài hòa.

Ðiều quan trọng là phải xây dựng được thương hiệu du lịch vùng và thương hiệu mạnh của từng địa phương. Hai loại hình thương hiệu du lịch này bổ sung cho nhau và kết nối trong tất cả các hoạt động du lịch. Cần gạt bỏ tính cục bộ để chủ động liên kết, việc hợp tác sẽ thật sự mang lại hiệu quả.„

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Du lịch ĐBSCL: Cục bộ "đè" thế mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO