Động lực tăng trưởng: Rõ khái niệm để đúng phương hướng

TS. PHAN MINH NGỌC| 19/01/2014 06:05

Có những quốc gia nghèo kiệt về đất đai và tài nguyên nhưng vẫn tăng trưởng, vẫn giàu có, khi nền kinh tế của họ không dựa vào những ngành công nghiệp “đào bới”.

Động lực tăng trưởng: Rõ khái niệm để đúng phương hướng

Gần đây, khi nhận xét về nền kinh tế Việt Nam năm qua, một số tác giả cho rằng trong 4 động cơ tăng trưởng (kinh tế) thì có tới 3 động cơ “nội” (gồm khu vực kinh tế nhà nước, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và nông nghiệp) đang trục trặc; chỉ có một động cơ “ngoại” (khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - FDI) đang chạy tốt.

Một số tác giả khác thì kể thêm cả yếu tố tài nguyên như là một động lực tăng trưởng khác nữa, ngoài yếu tố vốn, lao động, và công nghệ.

Một số khác nữa thì chỉ ra năng suất nhân tố tổng hợp như là một động lực tăng trưởng.

Thực ra, ngoài vốn, lao động, những cái gọi là “động lực tăng trưởng” như trên không phải là động lực tăng trưởng kinh tế theo đúng nghĩa của nó, theo người viết.

Đối với một cơ thể con người thì nguồn động lực để con người tồn tại và lớn lên chính là năng lượng mang lại từ sự kết hợp giữa thức ăn, nước uống và không khí, chứ không phải là cách/kênh để nạp những năng lượng này vào cơ thể con người.

Cũng tương tự như vậy, năng lượng cho một nền kinh tế tồn tại và vận hành, tăng trưởng được (tức lớn lên được) đến từ sự kết hợp của 3 yếu tố vốn, nhân lực và công nghệ/chất xám.

Nhân lực - một trong 3 yếu tố góp phần làm tồn tại và tạo ra tăng trưởng kinh tế

Đất đai và tài nguyên tuy có quan trọng nhưng chỉ với tư cách là công cụ để giúp kết hợp 3 yếu tố này với nhau, hoặc là đối tượng của việc sử dụng 3 yếu tố này.

Đất đai và tài nguyên sẽ là không có giá trị nếu không có bàn tay con người tác động vào (khai thác, sử dụng). Nói cách khác, không có nhân lực và vốn cùng với công nghệ tác động đến thì đất đai và tài nguyên mãi vẫn chỉ là đất đai và tài nguyên, vẫn nằm nguyên đó, không đóng góp gì vào quá trình tạo ra sản phẩm và dịch vụ, và do đó làm gia tăng tổng sản lượng nền kinh tế.

Minh chứng thêm nữa, có những quốc gia nghèo kiệt về đất đai và tài nguyên nhưng vẫn tăng trưởng, vẫn giàu có, khi nền kinh tế của họ không dựa vào những ngành công nghiệp “đào bới”. Trong khi có những quốc gia khác ngồi trên đống tài nguyên với đất đai mênh mông mà nghèo vẫn hoàn nghèo, lạc hậu.

Xét từng vùng, từng quốc gia riêng biệt thì vốn, nhân lực và chất xám là đủ để họ có trong tay mọi yếu tố sản xuất và dịch vụ; những gì thiếu/không có thì có thể mua hoặc thuê.

Còn nói về những cái gọi là “động lực tăng trưởng” như FDI, khu vực kinh tế nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân và nông nghiệp, e rằng càng có sự nhầm lẫn về khái niệm. Những cái này chẳng qua chỉ là công cụ, hình thức, hoặc kênh dẫn để phối hợp vốn, lao động và công nghệ với nhau tạo ra sản phẩm và dịch vụ cho nền kinh tế.

Cũng giống một cơ thể con người, nạp năng lượng vào người có thể qua đường miệng, đường mũi hoặc đường máu v.v…, nhưng dù nạp bằng cách nào thì chúng cũng chỉ là một cách/kênh đưa năng lượng (thực phẩm, nước, oxy) vào người để cơ thể hoạt động được, chứ bản thân những cách/kênh nạp này không phải là nguồn năng lượng, động lực của con người.

Đối với cái gọi là “năng suất nhân tố tổng hợp” (tiếng Anh là “total factor productivity”, viết tắt là TFP), thực ra, về khái niệm, nó là một “dư số” trong một hàm số mà vế trái là sản lượng kinh tế (Y), còn vế phải là vốn (K) và lao động (L).

Ở hàm số này, khi K và/hoặc L tăng lên thì Y cũng tăng lên, nhưng thường thường là không tăng tương ứng, và vì thế yếu tố TFP được đưa vào để phản ánh phần Y tăng lên không do K và hoặc L tăng lên.

Như thế có thể thấy TFP bao hàm nhiều thứ không đo đếm được; nó có thể là tiến bộ công nghệ hoặc vốn chất xám của người lao động (nhờ đó làm Y tăng hơn mức mang lại từ việc tăng K và/hoặc L), hoặc cũng có thể đơn thuần chỉ là sai số thống kê.

Do đó, việc kiến nghị phải làm tăng TFP xem ra là quá mông lung, thay vì nói cụ thể là, ví dụ, phải cải thiện tiến bộ công nghệ, hay vốn chất xám, hay hiệu quả (sử dụng các nguồn lực) của nền kinh tế, các thành phần kinh tế v.v…

Một khi đã xác định rõ được như trên rằng động lực cho tăng trưởng kinh tế vẫn luôn chỉ là vốn, lao động và công nghệ/chất xám, thì cũng sẽ thấy rõ hơn phương hướng cho việc hoạch định chính sách để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam nói riêng trong những năm tới.

Cụ thể là phải làm thế nào đó để cả 3 yếu tố này – vốn, lao động và, đặc biệt là, công nghệ/chất xám – tăng trưởng mạnh hơn nữa.

Trong vô số những việc phải làm theo phương hướng này, chắc chắn sẽ có việc là, nói một cách văn hoa, giải phóng hơn nữa năng lực sản xuất và sức sáng tạo của toàn xã hội. Mà để làm được vậy thì tất nhiên phải cải cách tư duy và thể chế hơn nữa để các động lực kinh tế, đặc biệt từ các kênh phi nhà nước (tư nhân, FDI), không bị chèn lấn, nhường chỗ cho kênh nhà nước.

Cải cách cũng là để bản thân kênh nhà nước có hiệu quả sử dụng vốn và lao động cao hơn, nhờ thế tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn từ cùng một lượng vốn và lao động.

Ngoài ra, tái cơ cấu kinh tế cũng là một biện pháp quan trọng phải thực hiện để đem lại một sự phối hợp tốt nhất giữa 3 động lực tăng trưởng nói trên tùy theo đặc điểm của mỗi vùng, ngành nói riêng và cả nền kinh tế nói chung, trong từng giai đoạn phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Động lực tăng trưởng: Rõ khái niệm để đúng phương hướng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO