Đồng Cao - "Sa Pa" của Bắc Giang

KIM SA| 11/11/2016 06:21

Nằm trên địa phận hai xã vùng cao Thạch Sơn và Vân Sơn thuộc huyện Sơn Động, Đồng Cao được dân phượt mệnh danh là "cổng trời", "Mẫu Sơn" hay "Sa Pa" của tỉnh Bắc Giang.

Đồng Cao -

Nằm trên địa phận hai xã vùng cao Thạch Sơn và Vân Sơn thuộc huyện Sơn Động, Đồng Cao được dân phượt mệnh danh là "cổng trời", "Mẫu Sơn" hay "Sa Pa" của tỉnh Bắc Giang. Sở dĩ được so sánh, ví von như vậy bởi ở đây là điểm cao nhất tỉnh, khí hậu mát mẻ quanh năm, những biển mây ngút ngàn trên núi hoặc chờn vờn dưới bản làng đã cho du khách một cảm giác yên bình đến nao lòng.  

Đọc E-paper

Điều đặc biệt của "cổng trời" mà những nơi khác không có đó là một vùng thảo nguyên bát ngát toàn cỏ xanh, cây bụi và những khối đá kỳ lạ...

Không ít lần đến Đồng Cao nhưng sao mỗi khi chuẩn bị lên đường đến vùng đất này, tôi vẫn háo hức và hồi hộp.

Quyến rũ người trẻ

Nếu cách đây 5 năm chỉ có xe máy mới có thể chinh phục cung đường đến thảo nguyên này thì nay đường bê tông được mở, ô tô chạy đến nơi. Tuy vậy, với các phượt thủ thì xe máy phân khối lớn vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu và hiệu quả hơn cả.

Con đường hiểm trở, vắt vẻo trên sườn núi với những khúc cua tay áo cũng không thể ngăn được sự hào hứng của những người trẻ chúng tôi cưỡi trên những "con ngựa sắt" luôn trong tình trạng số 1, số 2 ỳ ạch bò qua từng mét đường mỗi khi lên dốc.

Trước mỗi con dốc dựng đứng, người cầm lái phải nín thở kéo ga, hai mắt cứ phải căng ra để quan sát. Một cảm giác nhồn nhột, rờn rợn bởi độ chênh của cung đường đèo nhưng rồi vẻ đẹp của Đồng Cao hiện ra giữa mây mờ như bù lại tất cả nỗi vất vả ấy.

Mồ hôi ướt đẫm áo đã mau chóng được hong khô bởi ào ào gió. Thảo nguyên xanh thẳm ngút tầm mắt. Đó cũng chính là cảm giác được chờ đợi nhiều nhất của "cộng đồng phượt" - những nhóm trẻ nam có nữ có ưa khám phá miền đất lạ chẳng quản đường xa khó nhọc, đồ đạc lỉnh kỉnh.

Ấn tượng nhất khi đến Đồng Cao là được tận hưởng bầu không khí mát mẻ, trong lành, thiên nhiên hoang sơ, sự chất phác, thật thà và nhiều tập quán văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao. Sự mới lạ, mong muốn chinh phục những con đường gập ghềnh, khó đi cũng là lý do để không ít nhóm trẻ hướng lên Đồng Cao.

Vừa đặt chân tới nơi, mặt trời sắp khuất bóng, ai cũng tranh thủ ghi lại bằng máy ảnh hoặc điện thoại di động những khoảnh khắc chiều tà và khói lam chiều bên xóm vắng. Đâu đó vẳng tiếng mõ gỗ lộc cộc của đàn trâu đang trên đường trở về với những mục đồng theo sau. Phía bên kia núi, ánh nắng nhợt nhạt hắt nhẹ lên những vạt cỏ được tô điểm bởi lớp lớp mây lơ đễnh giăng ngang trời, ngang núi.

Mải mê chụp ảnh, bất chợt cả nhóm giục nhau mau chóng đốt lửa, chuẩn bị đồ ăn và dựng trại trước khi trời quá tối.

Màn đêm buông xuống, không khí loãng hơn, lữ khách cảm nhận rõ cái lạnh của cao nguyên. Bữa tối dưới ánh đèn tù mù, đốm lửa rực hồng và những ly rượu mềm môi, lời ca tiếng hát vang lên sao mà khó quên đến vậy.

Hướng làm du lịch

Nằm cách trung tâm huyện Sơn Động chừng 20km, tạo hóa đã cho Đồng Cao một thắng cảnh tuyệt vời với những thảm cỏ xanh giữa mênh mông núi đồi và những bãi đá với bao hình thù lạ mắt. Nếu muốn khám phá hết khu vực này phải mất vài ngày đi từ núi này đến núi nọ, càng đi càng thấy hấp dẫn.

Người dân trong vùng kể, xưa kia ở đây hoang vu lắm, chỉ rặt núi non và cây cối. Chính quyền địa phương đã có ý định xây dựng nơi này thành mô hình trồng rau đặc sản và nuôi bò sữa nhưng chưa thực hiện được.

Nghe dân phượt bàn tán rằng nếu không được ngắm mặt trời mọc ở Đồng Cao thì sự hấp dẫn của chuyến đi giảm mất phân nửa, nên buổi sáng hôm sau chúng tôi chủ động thức giấc sớm để chờ đón bình minh nhưng tiếc rằng trời quá nhiều mây.

Ông Triệu Tiến Thoòng - người Dao bản địa đưa chúng tôi qua một lối mòn dưới tán rừng để đến hang Vua. Đó là một vách đá dựng đứng, kế bên là dòng nước từ trên cao chảy xuống trông thật đẹp mắt. Hỏi tại sao bà con lại gọi đây là hang Vua, ông Thoòng lắc đầu không biết.

Tiếp tục hành trình khám phá cảnh quan dưới lớp mây mù. Mệt thì người ngồi, người nằm trên cỏ tận hưởng cảm giác mát lạnh tràn qua da thịt. Rồi chúng tôi bắt gặp một quần thể đá to lớn với nhiều hình thù khác lạ ở bên kia đồi. Như có sự sắp đặt của bàn tay con người, những khối đá đẹp mắt và lạ lẫm nổi bật giữa không gian như là điểm nhấn cho thảo nguyên.

Từ một nơi heo hút và lạ lẫm, ngôi làng của 27 hộ dân tộc Dao ở Đồng Cao giờ đã trở nên sôi động. Người dân đã dần biết cách làm du lịch. Các bà, các mẹ gùi củi lên tận nơi cắm trại cho khách, đồng bào trong bản đã có thêm thu nhập nhờ nông sản và làm một số dịch vụ khác. Dịp đông khách, có gia đình thu được cả triệu đồng một ngày nhờ bán củi, trông xe.

Đáng mừng là tuyến đường liên xã qua Đồng Cao vừa hoàn thành giữa năm 2016, tạo nhiều thuận lợi cho đồng bào đi lại. UBND tỉnh Bắc Giang đã giao cho huyện Sơn Động mời chuyên gia lập quy hoạch phát triển du lịch Đồng Cao. Cũng có người đề xuất ý tưởng trồng những cánh đồng hoa, cây cỏ đặc trưng của địa phương.

Trước mắt địa phương sẽ bảo tồn tốt các khu rừng đặc dụng, môi trường cảnh quan, hướng dẫn cách làm du lịch cho bà con để xóa đói giảm nghèo.

>Khám phá Đồng Cao hoang sơ

>Du ngoạn thảo nguyên Nội Mông

>Tìm về ký ức thảo nguyên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đồng Cao - "Sa Pa" của Bắc Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO