Đổi mới công nghệ mới mong hưởng lợi từ TPP

25/10/2015 06:18

Hiện cả nước có gần 600.000 DN, phần lớn đều đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ.

Đổi mới công nghệ mới mong hưởng lợi từ TPP

Việc đổi mới máy móc thiết bị đồng nghĩa với việc tăng năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN). Và việc đổi mới này càng cấp bách khi Việt Nam là một trong các nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo thống kê từ Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), hiện nay cả nước có gần 600.000 DN với hơn 90% là DN vừa và nhỏ, phần lớn đều đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ, trong đó có đến 76% số máy móc, dây chuyền công nghệ nhập thuộc thế hệ những năm 60-70 của thế kỷ trước, 75% số thiết bị đã hết khấu hao.

Tại hội thảo “Cơ hội hợp tác đầu tư thiết bị máy móc công nghiệp và chính sách xuất nhập khẩu tại Việt Nam” trong khuôn khổ Triển lãm hàng công nghiệp Việt Nam, ông Trịnh Đình Đề - nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Tự động hóa Việt Nam - cho rằng: “Công nghệ, thiết bị góp phần quan trọng để DN tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm, giảm chi phí bảo hành sửa chữa, tăng sức cạnh tranh và đẩy mạnh mở rộng thị trường do tiết kiệm chi phí từ việc tiêu hao nhiên liệu. Tuy nhiên, hiện còn rất nhiều DN sử dụng công nghệ lạc hậu, lỗi thời, làm tiêu tốn nhiên liệu sản xuất”.

Hiện nay, Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế đang phát triển nên máy móc thiết bị công nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu. Số liệu thống kê nhập khẩu các mặt hàng này những năm qua liên tục tăng cho thấy nhu cầu đầu tư, đổi mới công nghệ tăng lên, nhưng khảo sát từ Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) cho thấy tỷ lệ giá trị nhập khẩu công nghệ, thiết bị của Việt Nam mỗi năm chưa đến 10% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong khi các nước phát triển khác là 40%.

“Vì vậy mà bên cạnh một số lĩnh vực đã đổi mới và phát triển bứt phá như DN ngành sữa, chế biến thực phẩm, nhựa, gỗ ép… thì nhiều dự án của Việt Nam không thể tham gia vào các chuỗi cung ứng cho các tập đoàn lớn để xuất khẩu. Chúng ta chỉ là người gia công, hoặc chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu với giá trị thấp mà không thể sản xuất sản phẩm thu về giá trị gia tăng cao” - bà Trịnh Thị Bích Ngọc (Vụ Chính sách Bộ Tài chính) cho hay.

Đặc biệt, kể từ khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO thì làn sóng đầu tư đổi mới công nghệ đã diễn ra với tốc độ nhanh chóng, đem lại bộ mặt mới cho nền kinh tế đất nước, điển hình như các ngành dệt may, chế biến thực phẩm, ngành nhựa… Việt Nam đã xuất khẩu được đa dạng các mặt hàng sang các nước trên thế giới do đạt yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, số lượng… Kể cả đối với những thị trường khó tính, đòi hỏi cao về chất lượng và an toàn cho người sử dụng.

Do đó, Chính phủ đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ thúc đẩy DN đổi mới công nghệ, đặc biệt chính sách thuế có nhiều ưu đãi đối với việc đổi mới công nghệ. Luật Thuế Xuất nhập khẩu hiện hành cho phép miễn thuế đối với DN nhập khẩu máy móc, thiết bị tạo tài sản cố định thuộc các lĩnh vực ưu đãi đầu tư nêu tại phụ lục của Luật như lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp, lĩnh vực dầu khí, công nghệ cao…

Các mức thuế suất thuế nhập khẩu cũng được xây dựng theo hướng mức thuế thấp, chủ yếu ở mức 0% đối với các máy móc, thiết bị trong nước chưa sản xuất được và để mức cao tối đa đối với các loại máy trong nước đã sản xuất được, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng cả về số lượng và chất lượng.

“Cơ hội của DN Việt Nam rất lớn trong xuất khẩu, mở rộng được thị trường xuất khẩu khi Việt Nam tham gia Hiệp định TPP. Bởi vậy, DN muốn cạnh tranh trên sân chơi thương mại tự do toàn cầu, cần đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị nhiều hơn nữa. Miếng bánh kinh tế màu mỡ có rất nhiều người muốn được chia phần, DN Việt cũng không thể bỏ lỡ” - bà Trịnh Thị Bích Ngọc nhấn mạnh. 

>TPP là gì, tác động ra sao đến kinh tế Việt Nam?

>6 kiến thức cần biết về TPP

>Giải bài toán đổi mới công nghệ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đổi mới công nghệ mới mong hưởng lợi từ TPP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO