Đời ghe lu

ĐOÀN ĐẠI TRÍ| 31/10/2014 06:01

Cũng như hầu hết giới thương hồ, những phận người trên những chiếc ghe lu đâu đó miền sông nước đồng bằng mà chúng tôi đã gặp cũng vất vả nhưng luôn hào sảng, mặc dù đa phần ít vui nhiều buồn.

Đời ghe lu

Cũng như hầu hết giới thương hồ, những phận người trên những chiếc ghe lu đâu đó miền sông nước đồng bằng mà chúng tôi đã gặp cũng vất vả nhưng luôn hào sảng, mặc dù đa phần ít vui nhiều buồn. Nơi đó, cùng với những chiếc lu như sót lại từ miền quá khứ, họ rong ruổi cùng những dòng sông, qua mưa nắng thời gian, từ đời này nối sang đời kia.

Đọc E-paper

Anh Lai và những chiếc lu chưa bán được

Con đường trăm năm

Đối với người Việt Nam, những chiếc lu làm từ đất nung từng xuất hiện ở hầu hết các gia đình, với rất nhiều công dụng. Từ những chiếc lu nhỏ đựng mắm muối tương cà cho tới lu lớn hơn chút đỉnh đựng gạo, đựng bắp hay những chiếc lu bự dùng để chứa nước, chứa lúa ngày mùa...

Hình ảnh những dãy lu màu thẫm đỏ xếp từng hàng dài quanh nhà không chỉ quen thuộc mà còn là biểu hiện của của sự phồn thịnh cho tới tận bây giờ cũng vẫn khá phổ biến ở những vùng quê châu thổ sông Cửu Long.

Mặc dù rất gắn bó với những chiếc lu nhưng thật lạ là hầu hết lu lại không được sản xuất ở khu vực miền Tây. Theo đó, từ hàng trăm năm qua, những chiếc lu đất giản dị nhưng có độ bền rất lâu ấy lại được nung ở vùng đất Bình Dương.

Chính vì điều này mà mỗi ngày, hàng trăm chiếc ghe lu lại lặng lẽ lấy hàng từ Thuận An, Lái Thiêu rồi men theo sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ, sông Tiền, sông Hậu để đi về khắp ngóc ngách làng quê, đưa những chiếc lu đến với người dân Nam Bộ, làm lên một con đường sành sứ nhộn nhịp tồn tại suốt hàng trăm năm qua.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, công việc và hành trình của những người đi ghe lu thực ra khá đơn giản. Mỗi đợt, thường là một tháng, họ giong ghe lên khu vực sông Sài Gòn ở vùng Thuận An, Thủ Dầu Một lấy lu một lần. Những đợt lấy lu phải trúng vào ngày nước triều dâng ở lưu vực dòng sông này, thường là khoảng ngày 10 trở đi, tính theo lịch âm.

Nếu tới sớm quá, mớn nước chưa đủ thì khó mà đưa ghe vào bến lu cũng như việc khó đưa ghe đã nặng hàng đi được. Vì vậy, trước kia, vào những ngày con nước triều, tại khu vực này luôn có khoảng vài chục chiếc ghe cập bến lấy lu. Khắp một đoạn dài cả cây số trên bờ, từ ngày hôm trước, hàng ngàn chiếc lu đã được xếp ngay ngắn để đợi ghe.

Hiện nay, khung cảnh không còn nhộn nhịp như trước kia nữa nhưng vẫn có khá đông ghe lu tụ tập ở đây. Tùy theo ghe lớn hay nhỏ mà quy mô làm ăn cũng khác nhau. Tuy nhiên, thông thường mỗi ghe lu lớn phải chở được cả trăm chiếc lu, loại 100 lít trở lên. Nếu là lu nhỏ, số lượng phải nhiều hơn.

Có thể nói, con đường sông nối vùng sản xuất lu và khu vực tiêu thụ từ lâu nằm trong lòng bàn tay của những người đi ghe lu. Không ai biết nó có từ khi nào, chỉ biết từ hàng trăm năm trước, khi vùng đất này còn hoang sơ, những chiếc ghe lu đã men theo con đường này.

Ghe lu rong ruổi miền sông nước

Bắt đầu hải trình là ngược sông Sài Gòn rồi men theo kênh Xáng, kênh Chợ Đệm (TP.HCM) để về sông Vàm Cỏ. Từ đây, những chiếc ghe lu có thể xuôi xuống kênh Chợ Gạo, đi về vùng ven biển Gò Công, Ba Tri, Cầu Ngang hay thậm chí tới tận Đông Hải, Trần Đề để bán hàng.

Do lu thường được bán trực tiếp cho người sử dụng nên ghe phải vào tới tận ấp, tận xóm nhỏ, nằm bên sông. Tuy nhiên, đó là những ghe lu đi buôn hàng về miền ven biển vùng đồng bằng, còn những ghe lu đi về phía thượng nguồn, từ sông Vàm Cỏ, họ sẽ ngược lên Vàm Cỏ Tây rồi đưa lu về Mộc Hóa, Tân Hưng hay Tràm Chim, Hồng Ngự hoặc có thể là vùng Tri Tôn, An Phú, Kiên Lương... nhưng cũng theo những tuyến đường kênh rạch mà thôi.

Ngày nay, do thị trường tiêu thụ lu đã giảm đi khá nhiều nên nhiều ghe còn sang Campuchia để đổ hàng. Với một hành trình lên đến cả vài trăm cây số như vậy, mỗi chuyến ghe lu nếu bán nhanh cũng phải mất nửa tháng, còn chậm, có khi cả tháng mới quay lên Bình Dương lấy hàng cho chuyến kế theo.

Những mảnh đời lu lam lũ

Mặc dù còn khá trẻ, chưa tới bốn mươi tuổi, nhưng anh Lai, quê gốc ở vùng Xẻo Quýt lại là một người có thâm niên tới ba mươi năm gắn bó cùng ghe, lu và sông nước.

Ngồi cùng chúng tôi trong ánh hoàng hôn sắp tắt bên chân cầu Bà Lụa (TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) để đợi con nước triều lên, anh kể: "Gia đình nhà tôi có truyền thống mấy đời đi ghe lu. Từ lúc còn là cậu bé năm tuổi, đã được cha mẹ đưa lên ghe đi buôn lu khắp các tỉnh miền Tây. Vì thế, ngay cả khi lớn lên, lập gia đình, có con cái tôi vẫn quyết giữ cái nghiệp đi ghe lu này".

Với anh, những chiếc lu không chỉ là sinh kế mà còn là cuộc sống, là sợi dây gắn bó với cha ông. Những chuyến ghe xuôi ngược dường như đã ăn vào máu, là một phần đời của người đàn ông có nụ cười hiền lành này. Nhưng không chỉ có anh mà cả ba người anh của Lai hiện nay cũng đều nối nghiệp cha mẹ đi ghe lu.

Anh bảo: "Cái nghề này suốt ngày lênh đênh, vất vả mưa nắng mà lại chả ai giàu nổi nhưng cả bốn anh em tôi đều gắn bó với nó mà không biết vì sao". Dường như, với gia đình anh, đi ghe lu vừa là nghề, vừa là nghiệp vậy.

Những chiếc lu đất chuẩn bị xuống ghe

Về công việc hiện nay, chị Vận, vợ anh Lai cho biết: "Hai vợ chồng tôi đi ghe nhỏ, cỡ 30 CV, chỉ chở chưa tới ba trăm cả lu lớn lẫn lu nhỏ nên lời lãi cũng chỉ đủ lo cho hai đứa con đang gửi nhà bà ngoại ăn học ở dưới Thủ Thừa. Loại lu lớn hiện nay có giá 260 ngàn đồng/chiếc mà nếu đem về tận Đồng Tháp, An Giang bán lại cũng chỉ được 300 ngàn đồng.

Như vậy, trừ chi phí xăng dầu, ăn uống, mỗi chuyến đi lu chỉ bỏ ra được vài triệu đồng. Nhiều khi bán ế, phải đậu ghe đâu đó đợi khách thì chi tiêu hết. Lại còn chưa kể những tai nạn dọc đường sông làm bể lu. Nhưng, khổ nhất với người đi ghe lu là cứ xa con biền biệt. Đàn ông còn đỡ chứ phụ nữ, buồn lắm mà chẳng biết làm sao.

Mấy lần tôi bảo chồng hay là bỏ ghe lên bờ, đi làm công nhân có khi còn tốt hơn nhưng ảnh không chịu bởi hồi xưa, lúc mới cưới nhau, trót bán mảnh đất cha mẹ cho để mua chiếc ghe này. Rong ruổi gần hơn chục năm, tiền lãi mua mảnh đất cho con cái thì chưa có mà chiếc ghe ngày càng tàn tạ.

Bây giờ, có bán cũng chẳng ai mua mà bỏ thì tiếc nên hai vợ chồng cứ nấn ná, cố thêm mấy chuyến nữa, biết đâu! Mà giờ người dùng lu ít lắm, muốn bán hết một ghe có khi phải đi cả tháng. Trước kia, chỉ lòng vòng vài con kênh đã là hết một ghe rồi.

Không biết bao giờ hai vợ chồng mới gom đủ tiền mua được một mảnh đất chứ cứ ở nhà ông bà ngoại mãi cũng kỳ. Mà ngoại giờ cũng già, phải sớm xây cho con cái ngôi nhà để chúng ở, chứ để chúng đi ghe như mình mãi sao được".

Nhìn những hàng lu xếp dài, đều tăm tắp trên chiếc ghe mỏng mảnh đang được anh Lai dùng dây cột lại cho chắc chắn, trong khi ở phía cuối ghe, chị Vận lúi cúi chuẩn bị bữa cơm chiều mà chúng tôi có cảm giác, chuyến đi lu này của vợ chồng anh sẽ thuận buồm xuôi gió. Hy vọng, những chuyến ghe lu cứ êm xuôi như vậy để giấc mơ về một mảnh đất và ngôi nhà của vợ chồng anh sớm thành hiện thực.

>Săn mật giữa rừng Pù Huống
>Đá ong và người Xứ Đoài
>
Quỳ Hợp: Quật đá làm giàu
>Làng Sình hồi sinh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đời ghe lu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO