Độc lập và dân chủ - cội nguồn thành quả cách mạng

19/08/2015 09:41

Thành quả Cách mạng Tháng Tám đem lại giá trị độc lập dân tộc và vị thế của người dân trong một nước độc lập đang là, mãi là những nhân tố tạo sức mạnh nội lực quốc gia để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Độc lập và dân chủ - cội nguồn thành quả cách mạng

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, đất nước ta đã trải một quá trình lịch sử 70 năm với nhiều khó khăn, gian khổ để thu giang sơn về một mối và tiến hành đổi mới đất nước đạt những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, mang tầm vóc thời đại như hôm nay.

Tất cả những điều đó có cội nguồn từ sự kiện chính trị - lịch sử 70 năm trước, vốn mang lại những thành quả nổi bật, cốt lõi có giá trị xuyên suốt thời đại Hồ Chí Minh ở Việt Nam. Đó là độc lập dân tộc và nền dân chủ nhân dân.

Đánh chiếm phủ Khâm Sai, tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ảnh tư liệu

1. Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong Tuyên ngôn Độc lập: “Dân ta đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ, lập nên chế độ dân chủ cộng hòa” (Hồ Chí Minh toàn tập. tập 6; tr.174). Bắt đầu một thời đại mới. Thời đại đánh dấu sự đổi thay thân phận người dân từ bị áp bức, bị bóc lột trong ngàn năm phong kiến, trăm năm thực dân hiên ngang bước lên vũ đài chính trị nước nhà với tư cách chủ nhân đất nước. Cách mạng Tháng Tám đã đem lại cho người dân quyền làm chủ đất nước thực sự, cái mà ngàn năm trước đó không có.

Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám tạo tiền đề thành công cho cuộc Tổng tuyển cử tháng 1/1946 với việc ra đời Quốc hội và ban hành Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Sự kiện này là dấu mốc phát triển nhảy vọt chưa từng có về thể chế dân chủ nhân dân trong lịch sử nước nhà. Hiến pháp dân chủ khẳng định vị thế chủ nhân đất nước là nhân dân. Mọi quyền lực, quyền lợi đều thuộc về nhân dân. Lần đầu tiên trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc, giá trị dân quyền và giá trị nhân quyền được khẳng định và tuyên bố được bảo vệ.

Giá trị ấy lại chỉ có trong điều kiện dân tộc độc lập. Mà nền độc lập dân tộc lại là kết quả vẻ vang gắn chặt với quá trình đấu tranh gian lao và hy sinh to lớn của nhân dân dưới sự lãnh đạo của một tổ chức chính trị do lãnh tụ Hồ Chí Minh thành lập.

Đảng Cộng sản Việt Nam trước khi giành chính quyền có một quá trình vừa chiến đấu, vừa tự hoàn thiện bản thân về tổ chức, tư tưởng và cơ sở lý luận. Nhận thức được vai trò làm nên lịch sử của quần chúng nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam ngay sau khi ra đời, đã tập hợp được sức mạnh quần chúng nhân dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất. Đảng cùng nhân dân chiến đấu, hy sinh. Nhiều đảng viên trung kiên đã hiên ngang không sợ súng gươm, không ít quần chúng, vì thế, cũng anh dũng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh, không sợ tù đày để bảo vệ cách mạng. Uy tín của Đảng ngày một nâng cao, được nhân dân đùm bọc chở che, ủng hộ, đi theo hình thành một thế trận vững chắc của dân tộc. Chính vì thế, với hơn 5 nghìn đảng viên, nhưng được nhân dân ủng hộ nên Đảng ta đã hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo cách mạng giành chính quyền vào mùa Thu năm 1945.

Thực tiễn xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay đang đòi hỏi Đảng ta hòa mình vào nhân dân, giữ gìn đạo đức cách mạng, để gần dân, làm cho lòng tin của nhân dân và quan hệ Đảng - Dân không khi nào phai nhạt. Nếu ai đó có quan niệm làm quan để phát tài thì lòng tin nơi dân sẽ giảm sút, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân không được tập trung, hệ quả, sức mạnh dân tộc, nội lực quốc gia sẽ bị yếu dần, sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc bị ảnh hưởng.

Trong đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam thật sự là tấm gương tiên phong hy sinh, phấn đấu vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, được “dân tin, dân phục, dân yêu, dân bảo vệ, dân đi theo” thì hôm nay phong cách ấy càng cần được biểu hiện thiết thực hơn trong sự nghiệp đổi mới và để quan hệ Đảng - Dân sắt son như trước.

Thực tiễn đấu tranh cách mạng cho thấy bài học: Khi Đảng hòa mình cùng quần chúng nhân dân, gương mẫu trước nhân dân chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân thì Đảng luôn ở vị trí xứng đáng và được tôn trọng. Bài học này vẫn mang tính thời sự và cần thiết được nhân lên trong sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hôm nay.

70 năm sau ngày Cách mạng Tháng Tám, đất nước đã đạt những thành tựu to lớn. Ảnh: Võ Quốc Thanh (tham gia cuộc thi ảnh Tết Việt 2013)

2. Thành quả Cách mạng mang lại cho dân một nền dân chủ nhân dân. Cách mạng Tháng Tám thành công, một Nhà nước dân chủ cộng hòa ra đời. Ngay từ đầu, Nhà nước kiểu mới này được Hồ Chí Minh nhiều lần định hướng thực hành dân chủ (Trong các tác phẩm để lại, có tới 106 lần Người đề cập chế độ dân chủ, nền dân chủ). Theo Người, thực hành dân chủ trong xã hội là “Thực hiện dân chủ thực sự đối với dân để làm cho ai cũng được hưởng quyền dân chủ tự do, làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc chắn thành công. Quần chúng tham gia càng đông thì thành công càng đầy đủ, mau chóng” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, tr.494 và tập 5, tr.30). Rõ ràng, dân chủ là động lực tạo sức mạnh, tạo thành công.

Ngày ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn rất cụ thể về chế độ dân chủ tập trung: “Tập trung trên nền dân chủ với phương châm: Chính sách, nghị quyết của Đảng đều do quần chúng đảng viên tập trung kinh nghiệm và ý kiến lại mà thành. Rồi lại do các hội nghị của Đảng thảo luận giải quyết, chứ không ai được tự ý độc đoán” (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 7, tr.240); “Chế độ dân chủ tập trung khiến cho toàn thể nhân dân trở nên chủ nhân chân chính của nước nhà” (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 7, tr.219). Đây chính là giáo huấn giản dị của Người về quy trình làm chính sách của Đảng và Nhà nước. Một quy trình hoạch định chính sách có dân tham gia, vì dân là chủ. Phải chăng, tư tưởng này hôm nay vẫn giữ nguyên giá trị thời sự.

3. Sự biến đổi lịch sử năm 1945 đã đưa Đảng Cộng sản Việt Nam từ vai trò của một Đảng chính trị tuyên truyền, vận động và lãnh đạo phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc chuyển sang vị thế một Đảng cầm quyền. Một biến đổi về chất trong lịch sử chính trị ở Việt Nam. Trong tiến trình lịch sử 70 năm qua, với bổn phận cầm quyền, Đảng ta đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao giông tố khắc nghiệt của các cuộc chiến tranh chống xâm lược và khởi xướng sự nghiệp đổi mới với những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, mang tính thời đại. Nay, chúng ta thường nói, thường viết “Đảng lãnh đạo”, “Đảng cầm quyền”. Thuật ngữ lãnh đạo, cầm quyền được sử dụng chỉ trong một ngữ cảnh cụ thể, thực chất là cầm quyền. Chắc chắn, không cầm quyền thì không có cơ sở để lãnh đạo nhà nước và xã hội!

Vị thế cầm quyền tạo cho Đảng có quyền lực trong thực tế, với cốt lõi là quyền lực định hướng sự vận động phát triển nhà nước và xã hội Việt Nam. Mà hôm nay, đất nước vận động theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chức phận cầm quyền lại không có nghĩa tự biến mình thành chính quyền, làm chức năng của chính quyền.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Đảng ta là Đảng cầm quyền (Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh) và đòi hỏi Đảng ta phải thật trong sạch. Sự trong sạch chỉ có thể có thông qua thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Điều này đang có ý nghĩa thời sự đối với mỗi đảng viên, trước hết là đảng viên tham gia “cầm quyền”.

4. Có thể nói rằng, ý thức độc lập dân tộc của nhân dân ta đã, đang mang tính xuyên suốt lịch sử nước nhà và trở thành sức mạnh truyền thống làm nên văn hiến dân tộc. Thực tiễn Cách mạng Tháng Tám đã cho thấy, giá trị lâu bền của độc lập dân tộc phải được gắn liền với quyền làm chủ của nhân dân dưới ngọn cờ tiên phong của một lực lượng chính trị chân chính. Nếu như vấn đề độc lập dân tộc là nét nổi trội trong thực tiễn dựng nước và giữ nước thì ý thức dân chủ là yếu tố mới, hình thành bắt đầu từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám - 1945.

Việc bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám chính là tìm mọi cách nhân lên giá trị độc lập dân tộc gắn liền với chế độ dân chủ dưới sự cầm quyền của Đảng. Thực tiễn ba mươi năm đổi mới, mặc dù đất nước đã đổi thay về mọi mặt, đời sống của nhân dân đã từng bước được cải thiện, đất nước có vị thế trên trường quốc tế, quan hệ đối tác với các nước, kể cả các cường quốc đã được xác lập. Tuy vậy, vẫn còn không ít chướng ngại vật nảy sinh ngay trong lòng hệ thống, đòi hỏi Đảng ta tiếp tục khắc phục với chức phận Đảng cầm quyền. Trước hết, phải khẩn trương đẩy lùi mọi lực cản dể lòng tin trong nhân dân được củng cố.

Dân chủ là một biểu hiện của năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và được xem xét ngay từ trong sinh hoạt đảng. Từ đó, đòi hỏi phải thực hành dân chủ ngay trong hệ thống Đảng trên các lĩnh vực xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, kiểm tra, giám sát và phong cách cầm quyền. Đảng phải “Thật sự phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng, từ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy ở cơ sở đến sinh hoạt Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương; đồng thời giữ nghiêm kỷ luật trong Đảng” (Văn kiện Đại hội XI của Đảng, NXB CTQG. 2011; tr.259). Đồng thời “Tăng cường dân chủ trong Đảng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân là nội dung quan trọng của đổi mới chính trị phải được tiến hành đồng bộ với đổi mới kinh tế” (Văn kiện Đại hội XI của Đảng, NXB CTQG. 2011; tr.145). Chỉ có như thế, sức lan tỏa trong xã hội mới có giá trị cụ thể.

Thành quả Cách mạng Tháng Tám đem lại giá trị độc lập dân tộc và vị thế của người dân trong một nước độc lập đang là, mãi là những nhân tố tạo sức mạnh nội lực quốc gia để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc, về dân chủ là sự hòa quyện một cách nhuần nhuyễn mối quan hệ dân tộc và dân chủ. Triết lý dân chủ của Người là những chỉ giáo sinh động để xây dựng một môi trường dân chủ trong Đảng, trong xã hội. Lịch sử xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước đang đòi hỏi Đảng ta phải là biểu tượng dân chủ mẫu mực nhất để huy động sức mạnh quốc gia bảo vệ nền độc lập dân tộc trước những biến đổi khó lường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Độc lập và dân chủ - cội nguồn thành quả cách mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO