“Doanh nghiệp đừng tiếp tay cho tiêu cực”

LÂM THAO| 03/06/2010 08:59

Tuần lễ “Lắng nghe ý kiến người nộp thuế” do Cục Thuế TP.HCM tổ chức đã thu hút sự quan tâm của các cá nhân, doanh nghiệp vượt... dự kiến.

“Doanh nghiệp đừng tiếp tay cho tiêu cực”

Tuần lễ “Lắng nghe ý kiến người nộp thuế” (từ ngày 24 - 30/5) do Cục Thuế TP.HCM tổ chức đã thu hút sự quan tâm của các cá nhân, doanh nghiệp (DN) vượt... dự kiến. Ngoài hàng ngàn câu hỏi được gửi đến bằng cách đến thẳng Cục Thuế và các chi cục, hỏi qua email, điện thoại..., hội nghị do Cục Thuế tổ chức, số lượng DN tham dự cũng vượt quá nửa, tới mức hội trường có sức chứa trên 500 người mà còn phải kê thêm ghế ngoài hành lang. Ông Nguyễn Trọng Hạnh cho rằng, đây là hiệu quả tất yếu bởi thuế luôn là vấn đề được quan tâm.

* Thưa ông, lĩnh vực nào về thuế được hỏi nhiều nhất trong những ngày qua?

- Hơn một nửa câu hỏi liên quan đến thuế thu nhập cá nhân, trong đó được quan tâm nhất là vấn đề kê khai, quyết toán, thời gian khai nộp... Điều này cũng dễ hiểu vì DN từ lâu đã quen với việc kê khai thuế, còn riêng với các cá nhân, việc này còn khá mới mẻ.

* Sự thu hút các đối tượng nộp thuế vượt dự kiến chứng tỏ ngành thuế còn nhiều bất cập?

- Với một khối lượng quan hệ công việc lớn như hiện nay, có chuyện chưa hiểu, hoặc hiểu nhầm là khó tránh. Hiện công tác quản lý thu thuế tại TP.HCM liên quan tới hơn 140.000 DN, hơn 400.000 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, hơn 1 triệu người lao động kê khai thuế Thu nhập cá nhân và hơn 1 triệu chủ hộ hằng năm phải nộp thuế nhà đất, tổng cộng lên tới 20 triệu lượt quan hệ giữa tổ chức cá nhân người nộp thuế với cơ quan thuế.

Trong khi áp lực công việc trong ngành thuế tăng gấp hàng trăm lần do nhiều sắc thuế mới, thì 10 năm rồi nhân viên cũng chỉ chừng ấy, chỉ khoảng 3.800 người.

* Ông nhận thấy các phản hồi thực tế của các đối tượng nộp thuế trong những ngày qua ra sao?

- Nhiều phản ảnh, góp ý của DN chúng tôi thấy đúng và cần xem xét lại. Điều đáng mừng là nhiều thành phần, kể cả những thành phần không thuộc diện phải nộp thuế nhưng cũng liên lạc với chúng tôi. Nhiều cán bộ hưu trí gọi điện ủng hộ và cũng nói thẳng rằng, ngành thuế và người nộp thuế không phải hai đối thủ “chọi” nhau. Nhiệm vụ của cả hai là làm sao hợp tác để đóng góp ngân sách cho Nhà nước một cách chính xác và hiệu quả nhất.

* Cùng với những phản ảnh “đúng”, thì DN còn những hạn chế gì, thưa ông?

- Điều đầu tiên DN cần phải làm là luôn tìm hiểu và cập nhật thông tin. Đừng tiếp tay cho các tiêu cực. Ví dụ như hiện có nhiều đơn vị dịch vụ gợi ý với DN sẽ “lo giúp” các thủ tục về thuế, trong đó có việc hoàn thuế. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng, không có bất cứ đơn vị nào có thể vượt qua những điều kiện hoàn thuế đã quy định. Nếu DN thấy có gì không rõ, hãy đến bộ phận hướng dẫn làm hồ sơ hoàn thuế của Cục Thuế thành phố, thậm chí có thể gặp trực tiếp chúng tôi để được giải quyết, đừng tạo điều kiện cho những tiêu cực không đáng có xảy ra.

Hoặc có nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài liên tục báo cáo lỗ trong thời gian qua. Nhưng xem xét kỹ, chúng tôi biết chắc đó là báo cáo sai phạm. Có DN quy mô vốn 10 tỷ đồng, nhưng báo cáo lỗ tới 40 tỷ đồng, nhiều trường hợp báo lỗ tới 8 - 9 năm. Nhưng sau khi chúng tôi làm gắt, đến nay đã có nhiều DN báo cáo... lãi.

* Ngoài hiệu quả ghi nhận trước mắt, mục đích của “hậu” tuần lễ lắng nghe người nộp thuế này là gì?

- Sau tuần lễ này, chúng tôi không chỉ thu nhặt những phản ảnh, mà còn nâng cao ý thức và hiệu quả phục vụ. Đã có nhiều phản ảnh rằng cán bộ chi cục thuế bên dưới không tận tình, chúng tôi khuyến nghị, nếu cán bộ tiếp nhận bên dưới không giải quyết được thì cá nhân, DN nên làm việc trực tiếp với lãnh đạo chi cục. Hằng ngày, theo quy định đều có lãnh đạo cấp trưởng hoặc phó trực ban tại đây. Từ hiệu quả trước mắt, chúng tôi đặt ra mục tiêu chương trình lắng nghe người nộp thuế sẽ được tổ chức hằng năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Doanh nghiệp đừng tiếp tay cho tiêu cực”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO