DN lo ngại AEC vì chưa hiểu về hội nhập

DUY KHUÊ thực hiện| 08/10/2015 01:38

Một số doanh nghiệp lo ngại về việc gia nhập AEC vì không nắm bắt đầy đủ thông tin về hội nhập.

DN lo ngại AEC vì chưa hiểu về hội nhập

Còn 3 tháng nữa, Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Một số doanh nghiệp (DN) xem đây là cơ hội kinh doanh, song có không ít DN tỏ ra rất lo ngại. Ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, lo ngại này xuất phát từ việc DN không nắm bắt đầy đủ thông tin về hội nhập.

Đọc E-paper

* Ông đánh giá thế nào về sự hiểu biết của DN Việt Nam đối với các vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế và đặc biệt là hội nhập AEC?

- Nếu để ý từ thời điểm Việt Nam chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng có rất ít DN hiểu tường tận về việc hội nhập này. Mặc dù vậy, DN Việt Nam, đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu (XK), cũng đã có những định hướng, tự nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ở đây cần lưu ý, để DN hiểu tường tận về thông tin hội nhập thì truyền thông phải đóng vai trò quan trọng. Bởi vì, thực tế có những chương trình về hội nhập của Việt Nam chưa đảm bảo hiệu quả trong truyền thông đến cộng đồng DN và người tiêu dùng.

* Theo một cuộc khảo sát về thị trường AEC, DN Thái Lan hiểu rõ các tiềm năng của Việt Nam, nhưng ngược lại, DN Việt Nam dường như vẫn còn thờ ơ với việc hội nhập. Ông nhận định điều này thế nào?

- Hiện nay, Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập toàn cầu, không chỉ một AEC, mà đang có khoảng 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ được ký kết. Đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như đàm phán FTA Liên minh Châu Âu cũng sắp kết thúc.

Trước xu thế này, DN phải tính đến không chỉ là thị trường nội địa với 90 triệu dân hay AEC với 600 triệu dân, mà con số sẽ lớn hơn rất nhiều. Cần xác định, dù năm 2015 hay năm 2018, khi Việt Nam dỡ bỏ hoàn toàn 7% dòng thuế còn lại trong AEC liên quan các mặt hàng nông sản, sữa, ô tô... thì tác động của hội nhập sẽ thấy rõ ở từng DN.

Chắc chắn từ nay đến năm 2018, Việt Nam sẽ chịu tác động rất mạnh của một số lĩnh vực kinh tế, nhất là các ngành mía đường, ô tô, nông sản...

Trong khi đó, vốn, tín dụng, nhân công, các cơ chế ưu đãi hoặc những hỗ trợ từ Chính phủ..., Việt Nam chỉ có thể thực thi theo các cam kết quốc tế. Bất kỳ hỗ trợ nào từ Chính phủ cho dù là công nghiệp hỗ trợ hay sản xuất mía đường cũng phải phù hợp với các cam kết hội nhập, nếu làm ngược lại, chúng ta sẽ bị kiện.

* Có ý kiến cho rằng, chính sách kinh tế của Việt Nam hiện nay đang giải quyết những vấn đề nội tại hơn là đáp ứng cho quá trình hội nhập, theo ông nhận định này có chủ quan?

- Nên xem lại hai khái niệm. Một là những chính sách điều hành mà Việt Nam đang thực thi. Hai là vấn đề lớn hơn, mang tính định hướng dài hạn. Ví dụ như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tầm nhìn đến năm 2025. Tuy nhiên, khi Việt Nam phải thực thi các FTA thì cũng đồng thời thực thi hàng loạt các vấn đề về cải cách hệ thống DN nhà nước, hoàn thiện hệ thống thể chế và cả khung pháp lý.

Tôi cho rằng, những vấn đề này không chỉ hướng đến nội tại mà còn hướng đến tương lai, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Nhưng trước hết phải điều hành tốt để đảm bảo các DN hoạt động tốt trong giai đoạn hiện nay. Và nước ta đang làm cả hai điều đó.

* Cảm ơn ông!

>Tham gia AEC: Thách thức từ năng suất và tiền công lao động

>Hiểu thêm về Cộng đồng Kinh tế ASEAN - AEC

>Chính sách kinh tế cần tạo niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp

>Chính sách kinh tế và cuộc sống: Vấn đề quản lý giá

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
DN lo ngại AEC vì chưa hiểu về hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO