Đến lúc cần mạnh tay đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ?

16/02/2016 06:56

Nikkei cho rằng, nếu không xây dựng được ngành công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam sẽ không nhận được nhiều lợi ích từ TPP.

Đến lúc cần mạnh tay đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ?

Hồi cuối tháng 1 vừa qua, chính phủ Việt Nam đã cho biết đang xem xét kế hoạch đầu tư tổng cộng 1.720 tỷ đồng (tương đương 77 triệu USD) để hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ trong vòng 10 năm tới. Hơn một nửa con số trên (khoảng 890 tỷ đồng) sẽ được sử dụng cho các dự án nghiên cứu và phát triển.

Cuối năm ngoái, UBND TP.HCM cũng đã thí điểm việc xây dựng khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam chuyên dành cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Đó là Khu công nghiệp Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè (TP.HCM) với diện tích 200ha và dự kiến hoàn tất trong năm nay. Mục đích chính khi xây dựng dự án là nhằm hỗ trợ cho các nhà sản xuất xe hơi, các công ty may mặc và các nhà sản xuất khác. Trong đó, ưu tiên được dành cho các sản phẩm như sợi xoắn, sợi tổng hợp, giày, da, linh kiện điện tử...

Hiệp định TPP vừa được ký kết có nhiều khả năng sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, chủ yếu là trong các ngành như da giày, dệt may và điện tử. Tuy nhiên, Nikkei cho rằng Việt Nam sẽ không nhận được nhiều lợi ích từ TPP trừ khi xây dựng được ngành công nghiệp hỗ trợ.

Vấn đề đạt chuẩn quốc tế

Một số nhà sản xuất lớn nhất thế giới đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất tại Việt Nam, tuy nhiên tỷ lệ nội địa hóa vẫn đang ở mức thấp. Tỷ lệ nội địa hóa của Samsung Electronics tại Viêt Nam đạt khoảng 10% vào quý III năm ngoái, trong khi tỷ lệ này của Toyota Motor là 19 - 37%, tùy vào loại xe.

Có khá ít các nhà cung ứng của Việt Nam có thể đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao của các doanh nghiệp nước ngoài. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết tỷ lệ các công ty nội địa có khả năng cung ứng cho nước ngoài chỉ đạt 20%. Tại Thái Lan và Malaysia, tỷ lệ này là 30 - 40%.

Tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp Nhật Bản tại một số nước châu Á

Điều này cho thấy Việt Nam chưa được hưởng lợi nhiều từ sự có mặt của các công ty đa quốc gia. Nhưng điều này có thể thay đổi. Giám đốc điều hành của một hãng xe Nhật cho biết, các nhà sản xuất đều mong muốn được mua linh kiện từ các nhà cung ứng địa phương, vốn có chi phí rẻ hơn nhiều.

Cần có tiếng nói chung

Trong bối cảnh đó, các công ty đa quốc gia vẫn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, điển hình là các công ty hàng đầu của Mỹ như Intel, Microsoft và P&G. Với tư cách là thành viên TPP cũng như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam được kỳ vọng là sẽ đóng vai trò trung tâm sản xuất nhiều hơn trong thời gian tới.

Theo Nikkei, một trở ngại có thể là sự thiếu gắn kết của các cơ quan chính phủ: Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều có chương trình riêng để hỗ trợ các doanh nghiệp và các ngành.

Một chuyên gia tư vấn người Nhật đánh giá rằng Việt Nam đang giải quyết vấn đề một cách nghiêm túc hơn trước đây, bởi mối quan ngại về những ảnh hưởng khi tham gia AEC. Tuy nhiên để có thể thành công thì các cơ quan chức trách cần phải có được tiếng nói và kế hoạch hành động chung.

>Lời khuyên đầu tư 4 chữ “vàng”

>Nhận diện rủi ro tiềm ẩn trong đầu tư kinh doanh bất động sản

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đến lúc cần mạnh tay đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO