Đặt kinh tế 2011 trong dài hạn

HẢI VÂN thực hiện| 15/02/2011 04:27

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 đặt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 7 - 8%/năm. Nhưng muốn giữ được sự ổn định và đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng, theo PGS-TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, “phải đặt kinh tế 2011 trong dài hạn”.

Đặt kinh tế 2011 trong dài hạn

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 đặt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 7 - 8%/năm. Nhưng muốn giữ được sự ổn định và đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng, theo PGS-TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, “phải đặt kinh tế 2011 trong dài hạn”.

* Hầu hết những mục tiêu ưu tiên trong năm 2010 đều không đạt được. Vậy thì kịch bản nào phù hợp với kinh tế 2011, khi khởi đầu ở mức lạm phát cao, thưa ông?

- Năm 2010, chúng ta nỗ lực nhiều cho tăng trưởng. Tuy nhiên, do dốc sức cho tăng trưởng bằng tăng đầu tư nên đã phải lãnh đủ sự lạm phát. Năm 2011, Chính phủ đã xác định là tập trung hết sức để ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.

Nhưng cũng không nên kỳ vọng chỉ với những chính sách, những thao tác ngắn hạn là có thể ổn định. Ta phải căn cứ vào các nguyên nhân gây bất ổn kinh tế vĩ mô năm 2010 để tập trung cho việc xử lý. Nếu chỉ dùng thao tác ngắn hạn để kéo lạm phát đang ở mức cao xuống, không chắc đã giải quyết được bất ổn kinh tế vĩ mô.

* Chính phủ đưa ra thông điệp: Năm 2011, ổn định vĩ mô và giảm lạm phát. Nhưng trên thực tế, điều này lại dựa nhiều vào tư duy chính sách và phối hợp chính sách. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

- Bất ổn kinh tế vĩ mô 2010 bắt nguồn từ cách điều hành. Một bên là kỳ vọng ổn định, bên kia là kỳ vọng tăng trưởng. Hai máy bơm tiền hoạt động không đồng nhịp trong khi chi tiêu ngân sách tiếp tục là nguyên nhân gây ra lạm phát. Khi đã tạo được niềm tin vào sự ổn định thì vấn đề tăng trưởng ở Việt Nam không còn phải bàn nhiều.

Bởi khi đó, dòng đầu cơ giảm đi, khu vực doanh nghiệp (DN) sẽ tăng đầu tư vào dài hạn, sẽ đạt được sự tăng trưởng vững chắc, chứ không phải tăng trưởng theo kiểu “ăn xổi” như hiện nay.

Năm 2011, Chính phủ hoàn toàn có thể cắt giảm đầu tư công và việc này nằm trong tầm tay nếu Chính phủ quyết tâm. Tuy nhiên, cách làm này đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai chính sách.

Bởi nếu cứ làm theo kiểu ông bên này cố gắng kéo lãi suất xuống, ông bên kia lại tung trái phiếu ra để hút tiền, đẩy lãi suất lên thì sẽ tạo tín hiệu sai lệch trên thị trường, gây nhiều bất ổn.

* Tỷ giá không ổn định, DN Việt Nam đang ở thời điểm khó khăn vì lãi suất cao. Theo ông, năm 2011, DN có tiếp tục đối mặt với áp lực vốn?

- Khuynh hướng dòng tiền chảy vào các kênh đầu cơ rất rõ, ảnh hưởng đến định hướng đầu tư kinh doanh dài hạn. Tỷ giá ổn định trong năm 2011 là điều không thể có, nhưng chính sách về tỷ giá phải rất rõ ràng. DN thiếu vốn nhưng chưa chắc đất nước thiếu vốn.

Thực tế những năm qua cho thấy, nền kinh tế Việt Nam có vấn đề trong việc phân bổ vốn. Điều này thấy rõ ở hai tuyến không kỳ vọng phát triển nhưng lại hút vốn nhiều nhất: thứ nhất là kênh chứng khoán bất động sản, vốn đang chảy vào đó.

Tất nhiên, bất động sản phần nào có thể trở thành năng lực thực sự nhưng hiện nay, phần lớn vẫn là dòng đầu cơ. Thứ hai là ngân sách, nếu Nhà nước giảm bớt đầu tư từ ngân sách, giảm bớt chi tiêu công, thì sẽ giảm được nguồn vốn chảy vào đây. Vốn cho DN sẽ bớt căng thẳng nếu giảm bớt được vốn chảy vào hai tuyến này.

Ở một góc độ khác, sẽ là vô nghĩa nếu vốn cứ nằm bẹp, không được vận hành, lưu thông. Tôi cho rằng, chính sách phải hướng dòng vốn đến người sử dụng vốn tốt, tích cực thì mới ổn được. Năm 2011, môi trường vĩ mô phải tạo ra sự yểm trợ lớn cho DN, chẳng hạn, tổng số vốn đầu tư nên dồn cho DN. Tất nhiên, điều này phụ thuộc vào việc quan tâm đến lợi ích tổng thể hay lợi ích cục bộ, quan tâm đến lợi ích nhóm hay lợi ích vĩ mô.

* Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đặt kinh tế 2011 trong dài hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO