Đắp đê chống ngập, ngăn triều, nên chăng?

THƯỢNG TÙNG| 11/12/2010 09:18

TP.Hồ Chí Minh quyết định xây thêm khoảng 170km đê bao với mức đầu tư 11.000 tỉ đồng nhằm mục tiêu chống ngập và ngăn triều. Trong khi đó, không ít nhà khoa học đầu ngành tỏ ra băn khoăn về tính hiệu quả của công trình này. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng “lợi bất cập hại”.

Đắp đê chống ngập, ngăn triều, nên chăng?

TP.Hồ Chí Minh quyết định xây thêm khoảng 170km đê bao với mức đầu tư 11.000 tỉ đồng nhằm mục tiêu chống ngập và ngăn triều. Mặc dù thông tin về công trình này được công bố trong bối cảnh “ngập lụt đến hẹn lại lên”, còn Dự án Vệ sinh Môi trường TP. HCM lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới nhằm mục tiêu chống ngập, tiêu thoát và xử lý nước thải, bảo đảm vệ sinh môi trường vẫn chưa hoàn thiện sau gần 10 năm triển khai thi công, thì không ít nhà khoa học đầu ngành tỏ ra băn khoăn về tính hiệu quả của công trình này. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng “lợi bất cập hại”.

Học gì từ Hà Lan

Trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong bên lề hội thảo khoa học toàn quốc bàn về ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu ngày 25/11, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cho biết: “TP. Hồ Chí Minh sẽ làm hệ thống đê bao như Hà Nội và học tập kinh nghiệm của Hà Lan trong phòng chống triều cường, xâm nhập mặn”.

Đoạn bờ bao ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức bị triều cường đánh vỡ hồi tháng 1/2010

Không thể phủ nhận Hà Lan là quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghệ trị thủy.

Do cao trình thấp hơn mực nước biển, bị lũ lụt tàn phá nên từ những năm đầu của thập niên 50 ở thế kỷ trước, Hà Lan bắt đầu phát triển hệ thống đê đập, trở thành biểu tượng quốc gia và là niềm tự hào của người dân xứ sở hoa tulip.

Tuy nhiên, theo TS.KTS Phó Đức Tùng, một chuyên gia về quy hoạch đô thị, đồng tác giả giải nhất cuộc thi Quy hoạch chung phát triển Côn Đảo và là một trong ba đại diện Hội Kiến trúc sư Việt Nam phản biện Quy hoạch Hà Nội, thì chính Hà Lan đã dần nhận ra “kè cứng” không phải là giải pháp lâu dài.

Nguyên nhân thứ nhất là do chi phí bảo dưỡng, duy tu hệ thống đê bao quá lớn.

Nguyên nhân thứ hai, có lẽ còn quan trọng hơn, là hệ thống này dù được phát triển bằng công nghệ tiên tiến trong suốt gần sáu thập niên qua nhưng vẫn không thể loại bỏ hết rủi ro.

Tình huống xấu nhất xảy ra là vỡ đê thì hậu quả khôn lường bởi cư dân trong vùng ảnh hưởng hoàn toàn bị động.

Ngược lại, nếu không có đê thì nghiễm nhiên người dân sẽ chuẩn bị đương đầu với nước bằng một tâm thế chủ động hơn.

Vì lẽ đó nên hai năm qua, Hà Lan có chương trình quốc gia nhằm giúp con người tái hòa nhập với nước theo hướng trả lại không gian cho nước tự do vận hành.

Hàng loạt biện pháp đã được triển khai, chẳng hạn như mở rộng hành lang thoát lũ, đào sâu lòng sông nhằm tăng thể tích trữ nước… và đặc biệt là kế hoạch phá đê theo lộ trình.

Thí dụ, trên một thửa đất rộng 100 hécta, nếu dành 50 hécta để xây dựng thì phần diện tích còn lại bắt buộc phải được trả lại tình trạng hoang dã nguyên thủy.

Theo đó, đê bao quanh khu vực này sẽ bị phá để dẫn nước vào và cộng đồng dân cư ở đó phải tập thích nghi để sống chung với nước. Tùy theo điều kiện cụ thể của từng vùng mà có những giải pháp kỹ thuật cụ thể để phân tán dòng nước như nâng nền, xây nhà trên cọc…

Cũng theo TS.KTS Phó Đức Tùng, đắp đê là kỹ thuật của thời xa xưa, ra đời trong bối cảnh khả năng dự báo của loài người bị hạn chế do khoa học kỹ thuật chưa phát triển. Còn trong điều kiện hiện nay, với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật tiên tiến, chúng ta có thể tìm ra những giải pháp hiệu quả để chung sống hài hòa với thiên nhiên.

Đây cũng là quan điểm đương đại theo hướng phát triển bền vững đã được thế giới thống nhất.

Tiến sĩ Trương Đình Hiển, một chuyên gia về vật lý hải dương và công trình biển phân tích rằng việc xây dựng đê bao ở TP. Hồ Chí Minh sẽ khiến lòng sông Sài Gòn bị nâng lên do quá trình bồi lắng phù sa.

Theo thời gian, khi lòng sông cao hơn cao trình của nền đất thành phố thì vô hình trung tạo ra một trái bom nước khổng lồ treo lơ lửng trên đầu hàng triệu cư dân đô thị.

Mặt khác, cốt nền của TP. Hồ Chí Minh khá yếu. Đây là yếu tố vô cùng bất lợi đối với sự ổn định lâu dài của hệ thống đê bao có chiều dài 170km. Mặc dù chưa có tính toán cụ thể nhưng khoản kinh phí phục vụ duy tu và bảo dưỡng hệ thống đê bao hằng năm cũng là một yếu tố cần phải tính đến.

Từ một đề xuất chống ngập cho TP. Hồ Chí Minh…

Hiện tượng triều cường tại TP. Hồ Chí Minh ngày càng diễn biến phức tạp và hung dữ hơn. Số liệu thống kê từ các cơ quan khí tượng thủy văn cho thấy mực nước biển ở Vũng Tàu tăng khoảng 0,8cm/năm trong khi mực nước tại các sông, kênh của TP. Hồ Chí Minh tăng gần gấp đôi, 1,5cm/năm.

Tháng 11/2009, đỉnh triều tại TP. Hồ Chí Minh đạt 1,54m, mức cao nhất trong lịch sử 49 năm qua. Tuy nhiên, chỉ một tháng sau, triều cường thiết lập đỉnh mới là 1,55m.

10 m đê bao Rạch Cầu Quán (KP.8, P.Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức TPHCM) bị xô ngã ngày 5/11/2010

Thực tế đã có những vụ vỡ đê bao do tác động của triều cường. Ngày 5/11, triều cường dâng cao kết hợp với mưa lớn làm vỡ đoạn bờ bao Rạch Câu Quán (khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), khiến nhà của gần 100 hộ dân ở khu vực này bị ngập sâu hơn 1m.

Theo một cán bộ thủy lợi phường Hiệp Bình Chánh và một số nhân chứng, đoạn đê bao dài 12m được làm bằng sắt thép, xi măng đã không chịu nổi áp lực nước triều (theo Vnexpress).

Còn ông Nguyễn Ngọc Công - Phó giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP. Hồ Chí Minh - cho biết khi xây xong hệ thống đê bao thì mục đích là để giảm ngập chứ không thể hết ngập vì biến đổi khí hậu phức tạp và rất khó dự đoán (theo Vnexpress ngày 24/11/2010).

Câu hỏi đặt ra là việc thông qua một phương án hiệu quả hạn chế, tiềm ẩn những rủi ro chưa thể lượng hóa, liên quan trực tiếp đến vận mệnh của hàng triệu cư dân đô thị như vậy liệu có quá vội vàng?

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong mười đô thị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ hiểm họa nước biển dâng. Tại một hội thảo quốc tế ở TP. Hồ Chí Minh hồi tháng 6/2009, ông Hồ Long Phi, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, nhận định: “Nếu không có dự án kiểm soát triều (cường), TP. Hồ Chí Minh sẽ chỉ còn hai cái đảo ở những vùng cao khi nước biển dâng lên 0,5m nữa”.

Tiến sĩ Trương Đình Hiển cho rằng hiểm họa nước biển dâng cũng chính là thời cơ TP. Hồ Chí Minh mạnh dạn phát triển theo hướng đô thị sinh thái.

Một trong những biện pháp cần thực hiện nghiêm túc và khẩn trương là tiến hành điều tra chi tiết hệ thống cốt nền của thành phố, cho ngừng thi công các dự án xây dựng tại vùng trũng với nền đất yếu, nhất là những khu vực chắc chắn sẽ bị ngập do nước biển dâng trong tương lai.

Đồng thời tận dụng những khu vực này để đào hồ tích thủy. Hệ thống hồ này sẽ liên thông với nhau bằng kênh, rạch tự nhiên hoặc nhân tạo, hình thành mạng lưới giao thông thủy. Phần đất đào lên từ hồ sẽ được sử dụng vào việc tôn nền cho những khu vực có nền đất cao.

Một công đôi việc, móc lên 1m3 đất nghĩa là gia tăng sức chứa nước của thành phố thêm 1m3, đồng thời nâng cốt nền ở vùng đất cao thêm một mét. Để đối phó với hiểm họa nước biển dâng, TP. Hồ Chí Minh cần một tầm nhìn xa hơn thay vì tiếp tục loay hoay với những giải pháp tình thế theo kiểu ngứa đâu gãi đó.

…Đến sống chung với lũ

Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do nước biển dâng. Tại buổi họp báo về “Kế hoạch ứng phó Biến đổi khí hậu cho Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh tháng 11 vừa qua, giới khoa học cảnh báo mực nước biển tại Việt Nam sẽ dâng cao khoảng một mét trong thế kỷ tới.

Khi đó, khoảng 90% vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập nếu không có biện pháp chống lũ lụt bổ sung. Nhìn về viễn cảnh không mấy sáng sủa đối với tương lai của vựa lúa lớn nhất cả nước, TS Trương Đình Hiển nhận xét: “Theo tôi, Đồng bằng sông Cửu Long nên lựa chọn con đường phát triển theo hướng sinh thái”.

Cũng tương tự như giải pháp chống ngập cho TP. Hồ Chí Minh, ông Hiển đề xuất phương án đào hồ tại Đồng bằng sông Cửu Long nhưng với thể tích lớn hơn, mỗi hồ có chiều rộng khoảng 5km, chiều dài dao động từ 20 - 30km và độ sâu từ 5 - 10m.

Ngoài vai trò điều hòa, tích nước vào mùa mưa, xả nước vào mùa khô để chống hạn và góp phần đẩy mặn… cũng như sẵn sàng tiếp nhận và phân tán nước trong tình huống lũ lớn bất ngờ đổ xuống từ thượng nguồn sông Mekong, những hồ này còn có thể được tận dụng để phát triển ngành thủy sản.

Sống chung với lũ là một đặc điểm của đồng bằng.Thành ra, theo TS.KTS Phó Đức Tùng, phương án sử dụng đê bao tại Đồng bằng sông Cửu Long vừa trái với quan điểm đương đại về phát triển bền vững, vừa đi ngược lại truyền thống của cư dân đồng bằng, tác động tiêu cực đến bản sắc văn hóa truyền thống của vựa lúa lớn nhất cả nước.

Trước thực tế diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp vì những nguyên nhân khách quan (xói lở, xâm nhập mặn…) và chủ quan (chuyển đổi sang đất công nghiệp, phục vụ phát triển nhà ở…), người nông dân nên chuyển hướng từ quảng canh sang thâm canh.

Nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy nhanh tốc độ đưa công nghệ sinh học vào đồng bằng, chẳng hạn như nghiên cứu những giống lúa mới có thể chống chịu trong môi trường nước lợ, nước mặn…

Có lẽ cũng phải tính đến phương án chuyển đổi dần dần từ vị trí số 2 thế giới về xuất khẩu gạo sang tập trung phát triển ngành thủy sản. Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 4,2 tỉ USD, chiếm khoảng 8% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của thế giới (58 tỉ USD).

Sự trường tồn của Đồng bằng sông Cửu Long là một bài toán phức tạp với nhiều ẩn số. Giải quyết khối lượng công việc khổng lồ này nếu không bắt đầu từ bây giờ thì e rằng sẽ không còn kịp nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đắp đê chống ngập, ngăn triều, nên chăng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO