Cuộc rượt đuổi giữa giá vàng và nhà quản lý

19/03/2014 07:05

Liệu những cuộc chiến trên chiến trường và chính trường thế giới có gây nên “cuộc chiến” trên thị trường vàng? Và khi đó chúng ta sẽ ứng xử thế nào với vàng?

Cuộc rượt đuổi giữa giá vàng và nhà quản lý

Liệu những cuộc chiến trên chiến trường và chính trường thế giới có gây nên “cuộc chiến” trên thị trường vàng? Và khi đó chúng ta sẽ ứng xử thế nào với vàng?

>Bài học quản lý thị trường vàng Trung Quốc và Ấn Độ
>Thị trường vàng: Dễ vào khó ra
>Đằng sau cú 'bổ nhào' của thị trường vàng thế giới
>Thị trường vàng: Giữ chênh để giảm vênh?

Mùi thuốc súng không chỉ khiến chính trường các nước nóng lên, mối quan hệ bang giao giữa một số quốc gia trở nên căng thẳng, mà còn tạo thành lực đẩy cho giá vàng tăng. Câu hỏi lúc này là giá vàng sẽ tiếp tục diễn biến như thế nào?

Diễn biến giá vàng thế giới…

Sự thất thế của vàng từng khiến nhiều chuyên gia dự báo giá vàng có thể về mốc 1.000 USD/oz. Dự báo này càng dễ trở thành hiện thực khi giá vàng quả thật trượt dần về mốc 1.200 USD/oz.

Không ai có thể ngờ những cuộc biểu tình chống chính phủ tại Thái Lan, Ukraina lại có nhiều tiếng súng, nhiều thương vong và nguy cơ trở thành chiến tranh thực sự như hiện nay. Chính vì thế, các chuyên gia về vàng và nhà đầu tư cũng không ngờ giá vàng có thể tăng trở lại.

Sự bất ngờ này thể hiện rất rõ ở việc, cho dù các nhà kinh doanh liên tục cập nhật giá thế giới, nhưng vàng trong nước không theo kịp với diễn biến giá vàng thế giới.

Ngày 16/1/2014, giá vàng trong nước từng tụt khỏi mốc 35 triệu đồng/lượng, về 34,98 triệu đồng/lượng. Thị trường lâu rồi không còn không khí nhộn nhịp thưở nào. Những người từng mua vàng thời điểm giá vẫn ở đầu 4 (trên 40 triệu đồng/lượng) đã và đang “ôm hận” khi họ quá thua thiệt nếu so với những người giữ tiền đồng hoặc gửi tiền vào ngân hàng (với lãi suất thấp nhất cũng 7%/năm, cao nhất có thể lên đến 13%/năm).

Vì thế, khi giá vàng bật tăng lên mức 36,36 triệu đồng/lượng, người ta đã đổ xô đi bán để cắt lỗ, cho dù lãi suất tiền gửi ngân hàng giờ chỉ còn tối đa 7,8%/năm. Nếu khách hàng có “liều mình” gửi kỳ hạn đến 36 tháng ở những ngân hàng từng nổi tiếng bởi những vụ lùm xùm thì lãi suất tối đa cũng chỉ 8,5%/năm.

Một điểm nữa cho thấy thị trường vàng bị bất ngờ là khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới bị thu hẹp đáng kể, chỉ còn chưa đến 2 triệu đồng/lượng – mức chênh lệch hiếm có, chỉ từng diễn ra gần đây nhất là hồi tháng 8/2012. Giá vàng tiếp tục tăng theo sức nóng trên chính trường khiến động thái của người dân thay đổi.

Nếu như 70% khách hàng đến giao dịch là bán vàng vào đầu tuần trước (3/3) thì đến cuối tuần tỷ lệ mua – bán vàng là 50 – 50. Giá vàng thế giới đã vượt qua mốc 1.350 USD/oz và đe dọa tiến đến 1.400 USD/oz, tùy theo diễn biến chiến sự ở Ukraina. Giá vàng trong nước đang tạm đứng ở mốc 36,17 – 36,25 triệu đồng/lượng.

Hiện đã có hơn 10 ngân hàng thương mại được phép kinh doanh vàng miếng. Con số này có thể tăng.

Sự trở lại của vàng cũng khiến đồng đôla Mỹ được thể tăng tiếp. Thực ra, gần đây tỷ giá VND/USD đã nhấp nhổm tăng khi suốt thời gian qua NHNN liên tục mua ngoại tệ vào để tăng dự trữ ngoại hối.

Một số ngân hàng liên tục điều chỉnh tăng giá bán đôla Mỹ. Tỷ giá được các ngân hàng niêm yết phổ biến ở mức 21.085 – 21.140 đồng/USD (mua vào – bán ra). Câu hỏi lúc này là giá vàng sẽ tiếp tục diễn biến như thế nào?

Quá khó để trả lời khi giá vàng không chỉ còn phụ thuộc vào những yếu tố kinh tế như tăng trưởng của các nền kinh tế lớn trên thế giới hay cầu vàng vật chất của Ấn Độ, Trung Quốc… mà còn là diễn biến tình hình chiến sự, chính trị ở Ukraina, Thái Lan, thậm chí là cả cuộc chiến chống phiến quân, chống khủng bố ở Trung Quốc, Campuchia hay Myanmar.

…Và hành động của chúng ta?

Hai tháng đầu năm, NHNN chưa tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng nào. Điều này dễ hiểu vì các tổ chức tín dụng đã tất toán xong tài khoản huy động vốn bằng vàng. Các ngân hàng cũng đang thuyết phục khách hàng dần chuyển món đã vay bằng vàng sang vay bằng tiền đồng.

Bên cạnh đó, sự mất giá của vàng trong suốt năm 2013 đã khiến cầu vàng trong nước giảm mạnh. Những lý do này đã hỗ trợ NHNN thành công trong quản lý, điều hành thị trường vàng thời gian qua. Thế nhưng ai cũng biết chuyện vàng không đơn giản như vậy.

Thứ nhất, người dân vẫn đặt câu hỏi, bao giờ thị trường vàng trong nước và thế giới liên thông? Nếu vàng không phải là mặt hàng thiết yếu nên không cần bình ổn giá, sao không để hai thị trường liên thông? Bởi đó là cách để nhà đầu tư có cơ hội chơi trên những sân chơi lớn – sàn vàng quốc gia chẳng hạn.

Thứ hai, nếu tới đây giá vàng thế giới tăng mạnh, cầu vàng trong nước tăng và biện pháp cũ là can thiệp bằng bán vàng qua đấu thầu vẫn được sử dụng, sẽ nảy sinh câu hỏi khó giải. Liệu quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia có đủ mạnh để cung mãi đôla ra cho NHNN mua vàng vào?

Đó là chưa kể chủ trương bán vàng ra và thu tiền đồng về trong khi tín dụng của ngân hàng thương mại không tăng được là khá rủi ro. Các ngân hàng thay vì tập trung vốn cho đầu tư sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, lại “chơi” vàng, đô la. Lúc đó sẽ có khủng hoảng kép (cả trên thị trường ngoại hối và điều tiết thanh khoản cho các ngân hàng thương mại), chưa kể rủi ro từ vàng, tỷ giá có thể dẫn đến đổ vỡ ngân hàng, như bài học nhãn tiền của ACB vừa qua.

Nhớ lại thời điểm năm 2013, chỉ vì dư thừa tiền đồng mà các ngân hàng đã chuyển sang kinh doanh ngoại tệ, khiến thị trường nhiều phen nổi sóng. Cho dù NHNN liên tục hút dòng tiền về qua thị trường mở (OMO), nhưng lượng tiền đồng dư thừa vẫn đang rất lớn. Và kênh ngoại tệ, vàng sẽ là cơ hội để các ngân hàng tìm kiếm lợi nhuận khi tín dụng vẫn bế tắc?

Hiện đã có hơn 10 ngân hàng thương mại được phép kinh doanh vàng miếng. Con số này có thể tăng. Vì theo quy định tại Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, yêu cầu đối với một đơn vị kinh doanh vàng không quá khó.

Chưa kể, đã có ngân hàng mà cổ đông chính cũng là một doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn thì tiền gửi của khách hàng rất dễ được chuyển hóa thành vàng, cho dù NHNN đã cấm các tổ chức tín dụng huy động vốn bằng vàng.

Thứ ba, lượng vàng trong dân hiện đã rất lớn. Nếu mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm (theo chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2/2014, NHNN phải giảm tiếp mặt bằng lãi suất), đồng nội tệ kém hấp dẫn, người dân sẽ cơ cấu lại “giỏ trứng” của mình với nhiều vàng hơn. Lúc đó vàng – nguồn lực vốn chết trong dân sẽ càng nhiều hơn. Làm cách nào để huy động vàng trong dân? Câu hỏi này được đặt ra nhiều năm nhưng cho đến nay vẫn chưa có một phương án nào để thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cuộc rượt đuổi giữa giá vàng và nhà quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO