Con đường về Tết

THIÊN THANH| 24/01/2015 00:02

Người Việt mãi không thoát ra được nỗi "lo Tết". Người giàu cũng lo, doanh nghiệp cũng lo, người nghèo càng khốn khổ, thúc bách!

Con đường về Tết

Có ai đó viết rằng, người Việt mãi không chán cảnh chầu chực ở bến xe ngày 30 Tết sao? Và mãi không thoát ra được nỗi "lo Tết" khi đứng ở hàng chục sân bay khác nhau chờ về quê ăn Tết? Người giàu cũng lo, doanh nghiệp cũng lo, người nghèo càng khốn khổ, thúc bách!

Đọc E-paper

Có ai từng đứng ở bến phà Cần Thơ xưa, nhìn dòng người từ thành phố khao khát hướng cái nhìn qua bên kia sông Hậu, nhìn con phà già nua ì ạch mỗi lúc một gần cái làng nhỏ chứa đựng bao nỗi thân thương của quê mình?

Có ai từng đứng ở con sông Kỳ Cùng, nhìn dòng người từ bên kia biên giới đổ về nhà đón Tết? Những Lào Cai, Bắc Giang, Phú Thọ dang rộng cánh tay chờ đón đứa con trở về sau một năm bôn ba xứ người...

Một ngày gần Tết, có việc ngang qua đèo Hải Vân, cái hầm dài 700 mét như không chứa hết được nỗi lòng của những núm ruột miền Trung tìm về.

Hàng chục ngàn chiếc xe máy chờ đợi nhiều tiếng đồng hồ để được lên chiếc xe trung chuyển qua hầm. Có một cặp đến gặp đúng lúc xe quá tải, phải chờ đến 3 tiếng đồng hồ mới tới lượt lên xe trung chuyển, vợ trách chồng không chịu vượt đèo, những ngày nghỉ Tết ngắn chẳng tày gang, mất phút nào nóng lòng phút đó. Chồng sợ tai nạn.

Họ là công nhân quê ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, xuất phát từ các khu công nghiệp ở Đà Nẵng, vượt qua 300 - 500km trong mưa phùn gió bấc ngày cuối năm, quanh xe lủng củng giỏ xách "đựng" Tết!

Từng đến thăm làng cổ Đường Lâm một chiều 28 Tết. Trong làng toàn người già và trẻ em. Có thêm đôi chục phụ nữ mải miết đẩy xe phân bón ra đồng chăm nốt vụ lúa Đông Xuân đang trổ đòng. Ngôi làng đẹp, bình yên, nhưng buồn não ruột vì những người đàn ông chưa về kịp.

Phải một, hai ngày nữa làng mới có sức sống, từ những đồng tiền, món quà Tết từ phố đem về, nhưng cái chính là những người chủ gia đình trở về sum họp. Và từ sự trở về đó, những mái nhà nông thôn mới ấm lên bởi bếp lửa rộn ràng những món bánh trái quen thuộc. Bàn thờ được dọn dẹp, bắt đầu chuẩn bị bữa cơm cúng rước ông bà.

Và trong dòng người mệt mỏi, đã rất nhiều tiếng kêu cất lên: "Tết làm chi cho khổ vầy Trời!". Ăn Tết, rút cục nó là trạng thái tinh thần gì mà làm cho hàng chục triệu lượt người nháo nhào ra khỏi cuộc sống hằng ngày để hướng đến. Thế nhưng không có gì tự nhiên xuất hiện và cũng không tự nhiên tồn tại mãi.

Khổ cực mấy, tốn kém mấy cũng phải về, để nhận được cái người Việt không dám để mất, không thể làm khác! Đó là Tết, là thời khắc định dạng lại cho mỗi người biết họ thật sự sinh ra từ đâu và sẽ trở về đâu. Thời điểm này ai cũng dùng từ "về quê”, người không có nơi chốn để về sẽ ngơ ngác giữa dòng người, sẽ cô đơn ở nơi tưởng như mình đã gắn bó hàng chục năm vậy.

Có nhiều lý do để người Việt yêu thương Tết. Lịch sử và chiến tranh chia cắt từng gia đình sang những nẻo đường khác nhau. Người Việt cần có Tết để xóa nhòa đi những vết cắt đau thương, để hòa giải. Những hàng xóm bất hòa cũng cần có Tết để mùng Một, mùng Hai đi chúc Tết, xóa đi định kiến, bất đồng nhờ chén rượu, câu chúc đầu năm.

Chính vì lẽ đó, bây giờ nhiều tổ dân phố đã tổ chức những buổi cúng xóm cuối năm, để sau phút cầu cúng linh thiêng, đồng lòng hướng về điều tốt đẹp, thì có một bữa liên hoan, xóm giềng ngồi bên nhau thêm tình gắn bó. Nói Tết như một liệu pháp xóa vết thương quá khứ là rất đúng với đặc điểm lịch sử người Việt.

Ở thời đại mới này, người trẻ cũng gắn bó với Tết như những ngày "sống chậm" đẹp nhất của mỗi năm, thời khắc ai cũng cố gắng sống tốt để đề ra những mục đích mới mà phấn đấu. Và đặc biệt Tết là thời điểm tốt nhất để gia đình sum họp, gắn kết tình cảm anh em, bày tỏ lòng hiếu thảo và giữ nếp nhà.

Người thành phố cũng cần một khoảng "hít thở" mỗi khi Xuân về, con phố như dài rộng ra bởi một lượng lớn người "ngụ cư” ở phố đã trở về quê. Người thành phố cũng được quyền tận hưởng một không gian phố đẹp bất ngờ đó, để được tiếp thêm sinh lực cho một năm mới nhiều vất vả, bon chen.

Và họ bỗng mong Tết về để có dịp tô điểm làm đẹp cho nơi mình sống. Đó là những ngày quý giá của người đô thị. Vấn đề là chúng ta cần tiếp tục thu xếp để mỗi cái Tết trở thành một khoảng thời gian đáng sống, đáng giữ gìn.

Trong cuộc sống luôn vậy, cái được và cái khó luôn song hành, kể cả trong câu chuyện ăn Tết của người Việt chúng ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Con đường về Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO