Cơ hội thoát khỏi bão tố

VÕ ĐẮC KHÔI / DNSGCT| 19/11/2012 05:40

Để vượt qua cơn bão kinh tế này thì bằng niềm tin vẫn chưa đủ, mà còn phải biết khai thác các thế mạnh và khắc phục các điểm yếu.

Cơ hội thoát khỏi bão tố

Chúng ta đang ở trong cơn bão kinh tế toàn cầu và các cơ quan chức năng vẫn tỏ ra rất lúng túng đối phó với khủng hoảng nhất là trong việc quản lý các dòng vốn nóng. Thêm vào đó sự nôn nóng làm giàu sao cho nhanh nhất của một số đông doanh nhân đã làm cho thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, hệ thống ngân hàng Việt Nam lên cơn sốt nặng.

Đọc E-paper

Tuy vậy để vượt qua cơn bão kinh tế này thì bằng niềm tin vẫn chưa đủ mà còn phải biết khai thác các thế mạnh và khắc phục các điểm yếu.

Một dây chuyền sản xuất trong nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung Việt Nam

Áp lực cạnh tranh khu vực nhưng là cơ hội để thay đổi

Sau nhiều thập niên được cai trị độc đoán bởi quân đội và bị cấm vận của Mỹ, Myanmar đang nổi lên thành điểm nóng thu hút đầu tư của nước ngoài. Trước tình hình này, một số nhà đầu tư bắt đầu giảm chú ý vào các nước láng giềng ASEAN để khăn gói lên đường sang vùng đất mới.

Vốn cũng như máu lưu thông trong cơ thể, vốn chảy đến nơi nào kinh tế năng động và sinh lợi lớn. Vì thế, không chỉ có Việt Nam, các quốc gia ASEAN gần đây đều ở thế bất lợi đối với sự đổi thay của Myanmar. Vì thế, cùng với việc tìm ra giải pháp để bù đắp giảm sút FDI ở một số khu vực của nền kinh tế, chúng ta cần chú trọng hơn đến các lĩnh vực vẫn còn nhiều thế mạnh, đó là các nhà máy lắp ráp chế tạo hàng điện tử, viễn thông; nhà máy dệt nhuộm, vải sợi cung cấp nguyên liệu cho thị trường các tỉnh Nam Trung Quốc.

Sở dĩ có hiện tượng này vì tính toán lợi thế về thuế xuất nhập khẩu khi Hiệp định Thương mại tự do các nước ASEAN (AFTA) và ASEAN+3 có hiệu lực, các nhà sản xuất Hàn Quốc, Nhật, Singapore, EU vẫn muốn tiếp tục đầu tư mạnh các nhà máy chế tạo, lắp ráp các mặt hàng này, nhất là các tỉnh phía Bắc. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng được cải thiện, giá nhân công thấp ở các tỉnh phía Bắc nước ta so với nhân công các nước Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… cũng là một thực tế thêm thu hút các nhà đầu tư quốc tế.

Việc sử dụng vốn ODA tuy vẫn quan trọng nhưng không còn hấp dẫn do nhiều nước coi Việt Nam là nước không còn thích hợp với loại hình vốn này. Thay vào đó, nên mạnh dạn mở cửa cho các công ty quốc tế trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) hoặc hình thức xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT) theo hướng hợp tác công tư (PPP).

Chính phủ Nhật và Indonesia trong tháng 10-2012 đã ký hợp tác song phương theo hình thức PPP một thỏa thuận lên đến 24 tỉ USD nhằm nâng cấp hạ tầng một số khu vực trọng điểm kinh tếở Indonesia. Nếu chúng ta không mạnh dạn lôi kéo các công ty Nhật theo hướng này, Indonesia, Philippines sẽ nhanh chóng trở thành điểm thu hút đầu tư của Nhật và như thế việc thu hút nguồn vốn FDI sẽ khó khăn hơn.

Nguồn vốn của Mỹ cũng sẵn sàng đổ vào Việt Nam. Cuộc viếng thăm liên tiếp của đại diện Ngân hàng Eximbank cho thấy, Việt Nam được xếp vào sáu quốc gia hàng đầu của Mỹ trong việc cấp hạn mức tín dụng từ ngân hàng này. Khoảng hạn mức tín dụng 1,5 tỉ USD Mỹ sẵn sàng cho vay mua thiết bị hàng không, đầu tư hạ tầng trong đó chú trọng hình thức PPP.

Quan sát thực tế, các tuyến đường sắt trên cao ở Bangkok, Thái Lan, MRT ở Kuala Lumpur, Malaysia… giai đoạn đầu đều do các nhà đầu tư quốc tế xây dựng, vận hành và khai thác. Còn ở TP.HCM, các dự án BOT do các công ty trong nước đầu tư hiện nay rất bất cập, do thiếu vốn, thiếu phối hợp đồng bộ trong quản lý điều hành. Chẳng hạn, dự án BOT cầu – đường Bình Triệu II; dự án BOT nâng cấp, mở rộng liên tỉnh lộ 15 giai đoạn 2; và hiện nay, dự án BOT cầu Phú Mỹ đang đứng trước nguy cơ phá sản… Gần đây báo chí cũng đã nêu vấn đề hệ thống thu phí rào kín các ngõ đường TP.HCM khiến cho dư luận có thể hiểu sai hình thức đầu tư này.

Để thu hút FDI vào nước ta trở lại, chúng ta cần mạnh dạn áp dụng thực tiễn trên. Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc còn đương thời đã nhắc nhở rằng phải nghĩ đến lợi ích của nhà đầu tư mới làm tốt thu hút đầu tư.

Tái sắp xếp hệ thống ngân hàng

Vấn đề nan giải của hệ thống ngân hàng trong thời gian qua và hiện nay có phần do sơ hở ngay từ luật. Việc cho phép các ngân hàng mở cửa ào ạt cùng với việc mở và sở hữu các công ty chứng khoán đã giúp cho các nhóm lợi ích sử dụng chuyển vốn qua lại theo hình thức bình thông nhau dẫn đến nền kinh tế bị lũng đoạn trên ba lĩnh vực nền tảng của nền kinh tế đó là ngân hàng, chứng khoán và địa ốc. Vì vậy, cần thiết phải chấn chỉnh ngay hệ thống ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo hướng tách biệt sự liên thông hoặc chồng chéo.

Lãi suất cho vay cao, nhưng việc hạ lãi suất ngân hàng phải bắt đầu từ chính sách vĩ mô và ý chí của Ngân hàng Nhà nước. Các nước phát triển đều sử dụng lãi suất cơ bản do ngân hàng trung ương thiết lập làm nền tảng cho các ngân hàng thương mại tái cấp vốn lẫn nhau và xác định lãi suất cho vay khách hàng dựa vào rủi ro của dòng vốn cho vay. Tuy vậy, một cách dễ hiểu, lãi suất cao hay thấp phụ thuộc vào dòng tiền thu ngân sách như thuế, thặng dư mậu dịch, tiền gửi từ nước ngoài và từ khả năng vay nợ của chính phủ.

Việc giải quyết tồn đọng bất động sản hiện nay, Nhà nước cần lập quỹ nhà ở để cho người làm công ăn lương ở thành phố có thể vay dài hạn mua nhà ở. Trên thế giới ít phổ biến hình thức dùng khoản vay ngắn hạn để đầu tư mua nhà ở, thậm chí người mua nhà bằng tiền mặt còn bị nghi ngờ rửa tiền hoặc thu nhập bất chính.

Cần chấn chỉnh khâu cung cấp số liệu thống kê

Số liệu thống kê là nền tảng để đề ra chính sách kinh tế. Các trường đại học ở Mỹ, Singapore, Pháp… thường đóng góp nhiều về chính sách kinh tế cho quốc gia. Rất nhiều giáo sư kinh tế về sau trở thành bộ trưởng, thống đốc ngân hàng. Thực tế hiện nay tính trách nhiệm và độ tin cậy trong việc cung cấp số liệu thống kê phục vụ phát triển kinh tếở Việt Nam có vấn đề.

Không thể nào các sinh viên ngành kinh tế, thương mại lại phải trích dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP)… trong khi đáng lẽ ra, số liệu này phải được Tổng cục Thống kê giao chìa khóa cho các khoa kinh tế, thương mại các trường đại học để truy cập cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu kinh tế. Số liệu thống kê hiện nay chưa cho phép so sánh và đánh giá chính xác thực trạng của các ngành kinh tế ngay cả những con số về nợ công, số liệu liên quan đến hiệu quả và sự phát triển của nền kinh tế cũng như các vấn đề khác.

Vì thế, khi không nắm chắc được số liệu thực tế, không rõ các nhà cố vấn cho Chính phủ làm thế nào để đưa ra những phân tích và kết luận xác đáng, từ đó Chính phủ có thể nhận được đề xuất về chính sách quản lý một cách chính xác.

Việc độc lập trong thu thập dữ liệu sẽ làm tăng độ minh bạch. Yếu tố này không những làm tăng uy tín quốc gia mà còn là yếu tố thu hút các nhà đầu tư quốc tế.

Thu hút tài năng từ các nước

Khủng hoảng kinh tế tạo ra sự dịch chuyển lao động từ nơi khó khăn đến nơi dễ kiếm việc làm. Khó khăn trong giải quyết công ăn việc làm khiến cho chính phủở các nước Mỹ, châu Âu và kể cả doanh nghiệp các nước này đặt ra ưu tiên tuyển dụng cho người bản xứ. Đây là cơ hội tốt để thu hút tài năng từ các nước vào Việt Nam.

Vả lại, trong khi nước ta đang bị tình trạng sa sút về chất lượng đào tạo, tình trạng bằng cấp chưa phản ánh năng lực đáp ứng nhu cầu công việc, nạn bằng giả… và nhất là thiếu kinh nghiệm kinh doanh quốc tế, Chính phủ cần có chính sách thu hút tài năng người Việt ở nước ngoài về chấn hưng tổ quốc. Sự ra đi của gần một triệu người Việt đến nhiều nơi trên thế giới qua nhiều thời kỳ lịch sử hóa ra lại có lợi cho đất nước trong thời kỳ kinh tế mới.

Không chỉ phục vụ phát triển kinh tế trong nước, các chuyên viên kinh tế kỹ thuật người Việt được đào tạo ở các trường chất lượng cao trên thế giới hiện rất cần cho các công ty Việt Nam trong hoạt động xuất nhập khẩu, quản lý vốn đầu tư đi vào và đi ra của quốc gia và bành trướng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài. Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, sinh viên Đài Loan, Trung Quốc du học và ở lại làm việc cho các công ty của Anh, Mỹ, Úc hiện đang góp phần rất hiệu quả cho các công ty của họ bành trướng ra thế giới.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng kinh tếở các quốc gia Âu Mỹ cũng sẽ giúp chúng ta thu hút chuyên gia quản lý khoa học, quản lý kinh tế của các nước này. Việc tham gia hoạt động của của chuyên gia nước ngoài không chỉ đóng góp trong công việc thực tế, mà sẽ giúp trao đổi văn hóa, tạo ra một môi trường làm việc quốc tế ngay trong đất nước mình.

Đây cũng chính là cách tiếp thị hình ảnh tốt nhất cho quốc gia. Các nước Singapore, Nhật, Anh, Mỹ, Úc… đang dùng các chương trình học bổng, cấp visa việc làm… cũng nhằm thu hút chất xám từ các nước khác. Còn tại Hàn Quốc những năm đầu sau chiến tranh Triều Tiên, (1950-1953) chính phủ Hàn Quốc đã xây nhà cho chuyên gia ở, chu cấp tiền lương để thu hút nhân tài. Đây là kinh nghiệm mà chúng ta cần nghiên cứu áp dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ hội thoát khỏi bão tố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO