Chuyện miệt vườn: Sắp mùa trăn hội

PHƯƠNG HÀ| 14/09/2009 09:45

Mùa trăn hội phải là tháng Mười một đến tháng Giêng âm lịch. Em từng theo ba bắt hàng bao bố trăn trong lúc con đực con cái quấn nhau”...

Chuyện miệt vườn: Sắp mùa trăn hội

Sau một buổi sáng rẽ nước phía tả ngạn sông Vàm Cỏ Tây, người lái tấp chiếc vỏ lãi vào bậc thềm nhà mình. Anh là Chủ tịch xã Bình Hòa Trung, người đưa tôi đi quan sát lũ vùng trũng nhất của huyện Mộc Hóa (tỉnh Long An).

Ngôi nhà của anh bị nước vây bốn bề, chơ vơ giữa cánh đồng hút tầm mắt, chỉ rải rác nhô lên vài khóm tràm cừ, vài cụm bạch đàn. Anh bảo thằng con út khoảng lên mười: “Kêu anh chị Hai mày dậy nấu cơm. Ba đi kiếm đồ nhậu”.

Khi chiếc vỏ lãi của anh biến mất giữa dập dồi sóng bạc, tôi đã thấy thằng Út ngồi ở thềm hông nhà gỡ con cá chốt từ lưỡi câu. Tôi sà vào: “Cho chú câu với”. Thằng Út nghi ngờ: “Chú có biết câu không đã?”. Nói thế nhưng nó lại móc một con nhộng lấy từ tổ ong tràm vào lưỡi câu cho tôi. Cần câu là một đoạn cây tràm gió, ngắn ngủn, cong queo, dây không có phao, vậy mà tôi vừa thả xuống nước là đã giật được con cá chốt to bằng ngón tay cái. Chẳng mấy chốc, hai chú cháu đã câu được mấy chục con mà thằng Út vẫn kêu ít. Nó kể: “Sáng nay, từ khi chị Hai cháu nhóm bếp đến khi cơm chín, cháu và má cháu câu đủ cá cho một nồi canh chua. Má cháu câu thì hết sẩy!.

“Đơn vị đo lường” của thằng Út quả là trừu tượng nhưng lại làm tôi nhớ chuyến băng Đồng Tháp Mười đầu tiên trong đời, trong chiến tranh chống Mỹ, lúc đi viết về Khu 8. Cũng vào tháng 9 chợt nắng chợt mưa, nhưng năm 1974, nước chỉ đủ tràn bờ ruộng và đồng hoang, cô giao liên mà tôi chỉ được giới thiệu bằng tên thứ là Sáu đón tôi từ một điểm ở Đức Hòa vào đầu hôm, bằng một chiếc xuồng ba lá, gần sáng thì tấp vào nghỉ trong một cánh rừng tràm, buộc dây câu đã chuẩn bị sẵn lúc nào, cô Sáu bảo tôi bắt kiến vàng trên thân tràm làm mồi. Cô nói trống không: “Cơm chín là đủ cá ăn”.

Tôi đã được đọc trong sách, nghe những đồng chí ở đồng bằng sông Cửu Long công tác tại R nói về sự phong phú và lượng cá “đặc nước như bánh canh” ở Đồng Tháp Mười, nhưng khi hai tay một lúc giật hai cần câu cho Sáu gỡ cá, tôi mới tin. Cơm vừa sôi, Sáu bảo tôi không câu nữa, đã thừa ăn, cứ rộng cá dưới rừng tràm cho nó tươi!

Chiếc xuồng đã kẹp giữa hai cây tràm to bằng bắp vế mà vẫn bị sóng đánh nghiêng ngửa, đến nỗi chúng tôi phải tựa lưng vào nhau mới ngồi vững. Sáu nói quê Sáu ở gần lắm, sát nách tỉnh lỵå Kiến Tường (nay là thị trấn Mộc Hóa), chỉ chèo xuồng cỡ tiếng đồng hồ là tới. Sáu nói, khi chưa đi làm giao liên Giải phóng, mùa lũ Đồng Tháp Mười là mùa mà Sáu thích nhất, ở đâu cũng bơi được xuồng, ngồi đâu cũng câu được cá, bắt được chuột; có lũ, phèn được xả bớt, năm sau lúa trúng mùa, cây tràm, cây bố cũng lớn nhanh hơn.

Đang say sưa kể chuyện mùa lũ, bỗng Sáu ngã đầu vào vai tôi, nói như reo: “Anh coi, cặp trăn quấn nhau trên chảng ba cây tràm kìa”. Tôi chọc Sáu: “Trăn hội hay sao mà quấn nhau?”. “Mùa trăn hội phải là tháng Mười một đến tháng Giêng âm lịch. Em từng theo ba bắt hàng bao bố trăn trong lúc con đực con cái quấn nhau”...

Trong những ngày mưa dầm đầu tháng 9 này, tôi nhớ da diết cô giao liên tên Sáu cùng mùa trăn hội ở Đồng Tháp Mười mà mình duy nhất được một lần chứng kiến.

Sau khi tôi và cô Sáu bịn rịn chia tay ở điểm tập kết của một trạm giao liên khác, cũng giữa Đồng Tháp Mười, để chờ vượt lộ 4 (nay là quốc lộ 1A), nhưng đối phương bố ráp quá dày đặc, đường dây đưa cán bộ luồn sâu vào vùng địch hậu bị tắc, tôi phải bám trụ cùng du kích một xã thuộc huyên Tân Thạnh của tỉnh Long An ngày nay. Đây không phải là vùng lõm của Đồng Tháp Mười, nhưng tràm gió mọc thành rừng, lác đác có những gò cao che phủ bởi cây trâm bầu, cỏ và nhiều loại cây dại khác mà tôi không biết tên. Chính những gò đất này là nơi trú ẩn rất tốt của chúng tôi trong mùa nước nổi.

Một chiều cuối tháng 10 âm lịch năm 1974, chúng tôi cuốn võng chuẩn bị hành quân thì bỗng thấy cánh đồng năn um tùm ngập trong nước rùng rùng chuyển động. Tưởng là gió lốc, nhưng không phải, một bầy trăn hình như trườn đua để tới cái gò chúng tôi đang trú. Cậu Đực, một du kích người địa phương kêu lên: “Trăn hội, trăn hội các anh ơi!”. Cả đội du kích chộn rộn nói cười, chuẩn bị đón “một sự kiện lớn”. Riêng tôi là dân trọ trẹ, đã nghe nói đến trăn hội nhưng vẫn ngơ ngác không biết chuyện gì sắp xảy ra. Đội trưởng đội du kích kêu anh em dạt qua một bên gò để nhường chỗ cho trăn hội.

Mặt trời càng xuống thấp, trăn trườn đến càng nhiều. Những cây trâm bầu cao quá đầu người bị bầy trăn làm cho nghiêng ngửa, còn cỏ và cây dại thì tơi bời như có xe tăng chạy qua. Từng đôi trăn quấn lấy nhau, hàng chục con trăn quấn lấy nhau, cả bầy trăn như phát cuồng bện vào nhau, hầu như không phát ra tiếng động ngoài tiếng răng rắc của cây bị gãy, tiếng phì phì thở mệt của một tập thể anh đực chị cái giao hoan truyền nòi giống, bất chấp ánh chớp nhì nhằng, bất chấp sấm rền và tiếng trọng pháo của địch lâu lâu bắn hú họa vào bưng biền.

Đội trưởng du kích phải điều ba chàng lực điền mới kéo được một con trăn khoảng 30 ký lô trong bầy trăn hổn độn vặn xoắn cho vào bao để sau khi bám địch, làm đồ nhậu.

Đêm khuya bì bõm vác con trăn băng qua cánh đồng năn cùng đội du kích, tôi mới tin Sáu khi em nói từng theo ba bắt hàng bao bố trăn trong lúc con đực con cái quấn nhau...

Gần một triệu hecta đất chua phèn Đồng Tháp Mười nay đã thành ruộng lúa, thành khu dân cư, chỉ duy nhất còn lại 800 hecta rừng tràm nguyên sinh của Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười thuộc xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An là có thể cho những mùa trăn hội, nhưng cũng phải nhiều năm nữa thì may ra hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này mới lại xảy ra. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyện miệt vườn: Sắp mùa trăn hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO