Cần một thể chế “vì dân và do dân”

VŨ QUỐC TUẤN/DNSGCT| 15/12/2012 08:34

Trong tác phẩm nổi tiếng Tại sao các quốc gia thất bại? – Nguồn gốc của quyền lực, thị trường và nghèo đói (Why nations fail) mới xuất bản tháng 2/2012, đã phân tích rất thuyết phục rằng một quốc gia giàu nghèo không phải là do điều kiện địa lý, văn hóa,… mà cái tạo ra sự khác biệt chính là thể chế.

Cần một thể chế “vì dân và do dân”

Trong tác phẩm nổi tiếng Tại sao các quốc gia thất bại? – Nguồn gốc của quyền lực, thị trường và nghèo đói (Why nations fail) mới xuất bản tháng 2/2012, từ lịch sử phát triển của các nước Hoa Kỳ, Anh, Đức cho đến châu Phi – hạ Sahara, Trung Mỹ và Nam Á, hai chuyên gia đầu ngành về phát triển Daron Acemoglu và James Robinson đã phân tích rất thuyết phục rằng một quốc gia giàu nghèo không phải là do điều kiện địa lý, văn hóa,… mà cái tạo ra sự khác biệt chính là thể chế.

Đọc E-paper

Theo các vị này, có hai loại thể chế: thể chế bao gồm và thể chế khai thác: “Thể chế bao gồm” phát huy dân chủ, tôn trọng tiếng nói của người dân, có sự kiểm soát quyền lực, có trách nhiệm giải trình và hệ thống pháp luật độc lập,… Còn “thể chế khai thác” thì ngược lại; dù có thể có tăng trưởng, nhưng không bền vững.

Người dân nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ UBND quận Gò Vấp TP.HCM

Các vị này cũng đã trình bày rất thuyết phục về mối liên quan giữa thể chế chính trị và thể chế kinh tế, trong đó thể chế chính trị giữ vai trò quyết định.

Ở nước ta, thực tế cũng đã chứng minh tầm quan trọng có ý nghĩa quyết định của thể chế trong công cuộc phát triển đất nước. Khi chuyển từ thể chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lực lượng sản xuất được cởi trói, kinh tế, xã hội đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất to lớn và quan trọng, đưa đất nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình thấp.

Và cũng chính vì thế, ngày nay, khi bước vào thời kỳ phát triển mới, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, việc hoàn thiện thể chế vẫn được coi là đột phá đầu tiên trong ba đột phá chiến lược đã được khẳng định tại Đại hội lần thứ XI của Đảng (cùng với phát triển nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng) có tác động trực tiếp đến quá trình phát triển đất nước.

Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy: việc hoàn thiện thể chế kinh tế thực sự là một cuộc đấu tranh gay go, gian khổ, không hề thuận buồm xuôi gió, vì liên quan đến nhiều nguyên nhân: có thể do trình độ, năng lực của những người hoạch định thể chế, chính sách; có thể do thiếu thông tin, do quy trình hoạch định không được tuân thủ và cũng có thể do lợi ích nhóm chi phối,… song một điều rất dễ nhận thấy là đang có một số thể chế chưa bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân, có khi lại chỉ thiên về thuận tiện cho nhà quản lý, do đó, thể chế, chính sách xa rời cuộc sống, bị người dân phản đối.

Có thể lấy ví dụ gần đây nhất. Đó là thể chế, chính sách liên quan đến đất đai. Những vụ khiếu nại về đất đai (chiếm đến 70 – 80% các vụ khiếu nại) xuất phát từ những cơ chế, chính sách không tôn trọng đầy đủ quyền và lợi ích chính đáng của người có quyền sử dụng đất.

Tại kỳ họp tháng 11 năm nay của Quốc hội, khi thảo luận Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu cũng đã nêu lên những bất cập trong cơ chế, chính sách, từ việc quy hoạch, quyết định giá đất, đến thu hồi đất, đền bù, giải tỏa, tái định cư…

Chuyên gia về đất đai Đặng Hùng Võ cũng đã phát biểu: quy định như thế thì còn khiếu kiện! Điều đáng nói là những cơ chế, chính sách như thế kéo dài, không được sửa đổi kịp thời, cũng như không có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của cơ quan và cá nhân trước những tình cảnh rất khốn khó của người dân.

Một ví dụ khác tưởng là nhỏ nhưng lại rất lớn, vì liên quan đến hàng triệu người dân, đang gây bức xúc lớn về quyền của người dân, đó là việc “phạt người chủ phương tiện không chuyển quyền sở hữu” theo Nghị định số 71/2012 của Chính phủ, rồi dẫn đến việc cảnh sát giao thông “phạt người điều khiển phương tiện giao thông không chính chủ”.

Về việc này, bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng quy định của Nghị định 71 vừa sai luật vừa không khả thi.

“Việc phạt chủ phương tiện không chuyển quyền sở hữu quy định tại các nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã chưa bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật” và “Chính phủ cần sớm xem lại Nghị định 71. Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Quốc phòng, an ninh của Quốc hội nên phối hợp giám sát và tổ chức một phiên giải trình về việc tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong việc ban hành nghị định trên” (VNN, 25/11/2012).

Quy định này đã được hoãn áp dụng để chờ thông tư hướng dẫn.

Có thể kể ra nhiều ví dụ khác để nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi thể chế kinh tế, trước hết là những quy định liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Đây không chỉ là sự thể hiện bản chất của Nhà nước ta, mà còn là rất cấp bách để bảo đảm ổn định xã hội, khơi dậy các nguồn lực cho phát triển kinh tế, góp phần có ý nghĩa vào việc khắc phục những khó khăn hiện nay của nền kinh tế. Xin nêu lên hai tư duy cần quán triệt trong việc tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế như sau.

Đất dự án bị bỏ hoang trong khi khiếu kiện về đất đai còn nhiều

Trước hết, đó là một thể chế vì dân. Đây là một nguyên tắc, vì dân có giàu, thì nước mới mạnh. Một thể chế thiếu chú trọng đến việc khuyến khích người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, mà chỉ chú trọng thu cho được nhiều, thậm chí tận thu bằng đủ mọi thứ thuế, phí, lệ phí, thì chắc sẽ đi đến triệt tiêu động lực kinh doanh.

Một thể chế thiếu tôn trọng quyền làm chủ của dân, không tạo thuận lợi cho dân làm ăn, mà chỉ chú trọng tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý, đẩy khó khăn cho dân, thì chắc chắn sẽ không khơi dậy được các sáng kiến, tài năng của người dân cho phát triển đất nước.

Một xã hội mà pháp luật không nghiêm, tham nhũng không được trừng trị đến nơi đến chốn, thì phép nước sẽ bị coi thường, niềm tin bị xói mòn, xã hội sẽ thiếu sự đồng thuận, không thể phát triển bền vững.

Có lẽ không chỉ Nghị định 71 cần được xem xét việc tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi ban hành như bà Lê Thị Nga đã đề xuất trên đây, mà nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác cũng cần xem lại việc bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của dân trong đó.

Việc thảo luận sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này cũng nên chú trọng tư duy này. Từ năm 1945, Bác Hồ đã từng dặn “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh” (báo Cứu quốc, số 69, ngày 17/10/1945). Phải chăng nên rà soát lại các thể chế, từng bước hoàn thiện thể chế theo tư duy “vì dân” như thế?

Thứ hai, để thể chế thực sự “vì dân” thể chế ấy phải do dân xây dựng. Đương nhiên, việc nghiên cứu, soạn thảo, ban hành các thể chế là do các cơ quan nhà nước tiến hành, song quá trình ấy không thể không có sự tham gia đầy đủ của người dân.

Nguyên tắc này đã được nhắc lại nhiều lần, quy định trong văn bản, thế nhưng việc tham gia của dân vẫn còn quá mờ nhạt, không xuất phát từ cuộc sống của dân. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao cho việc tham gia của người dân được thực hiện một cách thực chất, cả từ phía cơ quan nhà nước và từ phía người dân.

Cần công bố rộng rãi, công khai các dự thảo văn bản pháp quy để người dân dễ tiếp cận và có thể tham gia ý kiến. Cơ quan nhà nước cần tiếp thu một cách chân thành, tránh hình thức, chiếu lệ.

Cũng nên khuyến khích phản biện xã hội, để qua đó nghe được ý kiến từ nhiều phía, nhất là ý kiến phản biện của các tổ chức xã hội – những tổ chức của dân, gần dân, nói lên tiếng nói của dân. Nếu có ý kiến trái nhau, cần thảo luận, tranh luận công khai, bình đẳng giữa các tổ chức xã hội với cơ quan nhà nước, tránh sự áp đặt.

Sự tham gia của người dân trong việc thiết kế thể chế cũng chính là một giải pháp khắc phục tình trạng thể chế, chính sách bị tác động của nhóm lợi ích (lợi ích phe nhóm, địa phương…) thường được gọi là “tham nhũng chính sách” – một dạng tham nhũng có tác động bất lợi cho việc hình thành một “thể chế vì dân và do dân” song rất tinh vi, chỉ có thể bị phát hiện khi thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình một cách đúng đắn trong các cơ quan nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần một thể chế “vì dân và do dân”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO