Cà phê của ý tưởng

THIÊN THANH| 02/11/2014 08:42

Trong vô vàn quán cà phê đang kinh doanh, từ lề đường đến hàng quán sang trọng, muốn mở một quán cà phê mới, ắt phải suy nghĩ cái lý do để mở, chứ không đơn giản đi tìm cái mặt bằng mua vài chục bộ ghế rồi pha cà phê đợi khách.

Cà phê của ý tưởng

Trong vô vàn quán cà phê đang kinh doanh, từ lề đường đến hàng quán sang trọng, muốn mở một quán cà phê mới, ắt phải suy nghĩ cái lý do để mở, chứ không đơn giản đi tìm cái mặt bằng mua vài chục bộ ghế rồi pha cà phê đợi khách.

Đọc E-paper

Vì vậy, khi bước chân vào những quán cà phê lạ, tôi hay lắng nghe cảm xúc của mình từ nó, bởi một quán cà phê nếu không thể làm người bạn của khách, ắt phải có đôi tuyên ngôn cùng với người trả tiền mỗi ngày.

Vì thế có lạ gì khi từ Bắc chí Nam, ta thấy quá nhiều sáng kiến cà phê, nhưng ngoài mấy quán cà phê sách của mấy cô văn sĩ làm thơ, cà phê tranh của vợ các họa sĩ, thì những ý tưởng khác vẫn còn làm cho khách lấn cấn.

Đó là cảm giác nặng nề chông gai khi ngồi trong một quán cà phê xứ Huế, nằm trên con đường đến thăm Lăng Tự Đức. Nó là quán cà phê để khách nhớ đến ký ức chiến tranh khủng khiếp từng hiện diện trên mảnh đất này suốt 20 năm.

Các loại vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng sắp đặt la liệt từ ngoài hiên vào đến bên trong. Khách ngồi dưới một tấm dù pháo sáng, ngắm những kỷ vật chiến tranh, những chiếc nón sắt của lính Mỹ và nón cối của bộ đội.

Một chuỗi quán cà phê Cộng theo dòng tái hiện đời sống của người dân thời bao cấp, thời còn chiến tranh cũng là cảm hứng tìm về quá khứ. Quán Cộng ở Đà Nẵng khá đông khách mùa du lịch nội địa.

Nhưng đến khi hết du khách, quán này cũng vắng vẻ, bởi hình như không có ai muốn ngồi trong căn phòng tồi tàn, với đồ đạc cũ nát mà phải trả cái giá khá cao cho thức uống.

Những người trẻ thấy đôi nét quen thuộc ở cái ghế xập xệ không nệm, đôi lúc ở một câu thơ treo trên tường như "Áo anh rách vai quần tôi có hai miếng vá” cũng lạ lẫm, nhưng cảm giác lạ không kéo dài được. Sau một hai lần ghé uống cà phê, họ lại dạt ra những quán bên cạnh phù hợp với tuổi trẻ, hoặc quán có thiết kế sang trọng với tâm thế muốn hướng tới tương lai.

Nhưng ngay cà phê tái hiện chuyện thời sự như quán cà phê "Biển báo giao thông" cũng không kéo dài được sự thu hút khách quen. Một khu vườn xanh và đẹp, chủ nhân có ý tưởng hay trong bày biện.

Nhưng khách thấy quanh mình quá nhiều tín hiệu "Stop", những biển cấm, những phương tiện giao thông cách điệu dễ dẫn đến cảm giác bất an, không thoải mái là cảm giác khách không muốn có khi ngồi bên ly cà phê.

Dù nhiều người tin rằng uống cà phê là để kích thích sáng tạo, nhưng có lẽ không nhiều người thích ngày ngày bỏ tiền vào quán cà phê để nhìn mãi về những thời kỳ khổ đau hoặc những tệ nạn xã hội, hoặc "được" cảnh tỉnh.

Có thể số đông người Việt uống cà phê để suy ngẫm, không phải để tiếp nhận. Những ý tưởng cà phê bảo tàng, cà phê giáo dục phải có một phân khúc khách đặc biệt, dựa vào lợi thế của vị trí mặt bằng những nơi đông khách du lịch qua lại.

Nếu không đạt được mục đích về lợi nhuận, quán khó sống lâu dài, uổng phí đi cả một bộ sưu tập của chủ nhân đã tích cóp hàng chục năm, uổng phí đi một phong cách cà phê mới xuất hiện!

Bạn là người uống cà phê suy ngẫm hay tiếp nhận?

>Cà phê của người trẻ
>Cà phê cóc Sài Gòn
>
Với những buổi “Cà phê sáng”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cà phê của ý tưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO