Bình ổn” đạo đức kinh doanh

KIM THỦY - Công ty TNHH MTV Dịch vụ Nhân Việt| 27/05/2011 02:11

Trước cơn bão giá, người tiêu dùng rất phấn khởi với những tuyên bố tham gia bình ổn giá của nhiều doanh nghiệp trong nước.

Bình ổn” đạo đức kinh doanh

Trước cơn bão giá, người tiêu dùng rất phấn khởi với những tuyên bố tham gia bình ổn giá của nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước.

Nhưng đùng một cái, người ta lại phát hiện hàng loạt mặt hàng tham gia bình ổn giá lại có giá cao hơn chính nó trước khi tham gia bình ổn giá và cao hơn những mặt hàng cùng chủng loại không bình ổn giá. Đáng buồn thay! Tất cả những mặt hàng được kể tên không có mặt hàng nào của DN nước ngoài.

Hưởng ứng chương trình cổ động dùng hàng Việt Nam của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM

Nếu ở một nước khác, chúng ta chắc chắn sẽ nhận thấy ngay những phản ứng dữ dội của người tiêu dùng. Còn ở ta, thông tin này không làm người ta ngạc nhiên. Những cơ quan quản lý chức năng cũng im hơi lặng tiếng như chuyện đó không liên quan gì đến công tác quản lý và điều hành nền kinh tế của mình. Tại sao vậy?

Họ đã quá quen thuộc với kiểu kinh doanh gian dối của một số DN Việt, quen đến mức không thèm phản ứng! Và dĩ nhiên, họ cũng chả quan tâm đến những gì mà một số DN Việt nói và làm. Điều này cũng là việc hiển nhiên: ta không tôn trọng người thì người sao có thể tôn trọng ta?

Ở đây, chúng ta khoan hãy nói đến vai trò quản lý của nhà nước, mà điều muốn nói là văn hóa DN và doanh nhân Việt. Ở Nhật, người ta chỉ bán những sản phẩm tốt nhất cho thị trường trong nước. Còn ở ta, sản phẩm kém chất lượng được sản xuất để cho dân mình dùng.

Khi cả nước Nhật hứng chịu động đất và sóng thần, lương thực, thực phẩm trở nên khan hiếm ở nhiều địa phương, người ta không thấy DN Nhật nào nâng giá. Còn ở ta, sau mấy ngày mưa, ngập, Hà Nội thiếu rau, giá rau lập tức tăng gấp 3 -5 lần, thậm chí nhiều mặt hàng còn tăng đến hàng chục lần.

Khi miền Trung lũ lụt, người người, nhà nhà góp công góp của ủng hộ đồng bào vượt qua cơn khốn khó, thì người ta lại phát hiện ra những DN núp bóng làm từ thiện để nâng giá mấy món đồ cổ trong một cuộc bán đấu giá với danh nghĩa ủng hộ lên gấp nhiều lần để trục lợi...

Lợi dụng hoạn nạn của người khác làm cơ hội kinh doanh béo bở là nỗi sỉ nhục của người làm kinh doanh! Dù đây chỉ là những “con sâu” nhưng quá nhiều “con sâu” đã bỏ rầu “nồi canh” doanh nhân Việt Nam.

Bao giờ người Việt mới có thể tự tin dùng hàng Việt và tự hào về hàng Việt? Vậy nên, trước khi kêu gọi“Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, xin doanh nhân Việt hãy “bình ổn” cho mình một văn hóa kinh doanh lành mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bình ổn” đạo đức kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO