Áp lực

KIM DUY/DNSGCT| 06/09/2015 01:47

Không phải bây giờ, mà từ hai mươi năm trước, đã có nhiều lo lắng về tình trạng xã hội ít con dẫn đến cha mẹ tạo áp lực lên con cái, ngay từ khi… mới sinh.

Áp lực

Không phải bây giờ, mà từ hai mươi năm trước, đã có nhiều lo lắng về tình trạng xã hội ít con dẫn đến cha mẹ tạo áp lực lên con cái, ngay từ khi… mới sinh.

Đọc E-paper

Lúc con còn bé, nuôi, chăm con, thì áp lực hàng đầu là con phải ăn được. Con biếng ăn thì buồn rầu, tìm mọi cách ép con ăn. Con ăn được có nguy cơ béo phì lại tìm biện pháp ngăn cản không cho con ăn, đến bác sĩ để nghe lời khuyên về chế độ dinh dưỡng.

Đến khi đi học, từ lớp nhà trẻ đã chịu áp lực, phải được bé khỏe bé ngoan. Hết mẫu giáo lớn phải đọc thông viết thạo để vào lớp Một không thua kém bạn bè. Con cái càng lớn thì áp lực càng tăng. Cha mẹ sợ con khổ nếu không được ăn học đến nơi đến chốn.

Thiên hạ cứ nói, đại học không phải con đường duy nhất, không vào đại học thì cao đẳng, trung cấp nghề, “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Nhưng thử hỏi, đời công nhân khổ đến mức nào thì có bao người lên tiếng? Lương đã thấp, đôi khi còn bị chủ nợ lại hay “xù” luôn. Phấn đấu lên được tổ trưởng hay giám sát, quản đốc mới có cơ hội, chứ làm công nhân suốt đời sao khá được?

Tốt nghiệp đại học, nếu không kiếm việc làm tốt, lương cao thì cũng nhàn tấm thân. Do đó mong muốn con cái vào đại học, cho dù cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đến đâu thì cha mẹ vẫn cứ mong ước và sẵn sàng hy sinh. Nhiều người quan niệm đơn giản, đời họ khổ vì không có chữ, đầu tư cái chữ chỉ mong đời con không khổ!

Từ những áp lực đó của cha mẹ, không ít bạn trẻ bị áp lực hơn khi được ăn học thành tài. Một bạn trẻ tâm sự, nhà bạn có hai chị em. Chị lớn lấy chồng, yên phận chị. Bạn là con trai phải ở với cha mẹ. Bạn được cha mẹ nuôi ăn học, nhiệm vụ của bạn là phải nuôi cha mẹ khi ông bà về già. Đó là lý do bạn phải cố gắng ra trường tìm việc làm có thu nhập tốt.

Một bạn trẻ khác là giáo viên dạy toán. Cha mẹ là công chức về hưu. Dù không thích dạy thêm nhưng bạn phải suy nghĩ đến việc kiếm tiền. Lương giáo viên chỉ 4 - 5 triệu/tháng, đủ xoay xở cho riêng mình, muốn quà cáp cho cha mẹ cũng khó.

Cả đời cha mẹ hy sinh cho con, không ra khỏi lũy tre làng, một chuyến du lịch thật sự có ý nghĩa khi cha mẹ về già và vẫn còn sức khỏe. Chẳng ai biết trước điều gì, lo cho cha mẹ được lúc nào hay lúc đó. Và đứa con nào cũng tự hào khi có cơ hội trả ơn cha mẹ. Phải nói, mong mỏi có điều kiện báo đáp cha mẹ là ước mơ hiện có nơi nhiều bạn trẻ.

Rồi có những người thành đạt xây nhà cho cha mẹ, lập sổ tiết kiệm để cha mẹ tiêu dùng hằng tháng… Từ đó, nhiều người trẻ chưa được vậy lại thấy mình bị áp lực dù cha mẹ không bao giờ đòi hỏi.

Đời người, có con cái biết nghĩ là một hạnh phúc, bất cứ cha mẹ nào cũng mong con như thế. Tuy ngoài miệng họ luôn nói rằng không đòi hỏi ở con, nhưng chắc chắn trong lòng cha mẹ cũng buồn khi thấy con người ta có điều kiện giúp cha mẹ mà con mình vẫn còn lận đận.

Thôi thì, mỗi nhà mỗi cảnh. Hạnh phúc là biết chấp nhận vừa đủ. Lo cho con trong khả năng, mong con nghĩ lại cũng trong khả năng của chúng. Ai đốn người nấy gánh, mỗi người một phần số, có phước thì được hưởng. Nghĩ được như thế mới không tạo áp lực cho mình và cho con cái. Thế nhưng, trong thời buổi mọi thứ kế hoạch có thể bị đảo lộn bất thình lình, làm sao để cuộc sống nhẹ nhõm, xem ra khó!

>Thành đạt

>Ai phá tuổi trẻ lung linh?

>Hội chứng con nhà giàu

>Đưa "thế hệ máy lạnh" ra khỏi nhà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Áp lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO