Ai có thể tổ chức tốt lễ hội?

BÍCH HỒNG| 28/02/2014 07:00

Đầu năm, câu chuyện lễ hội Xuân, cầu an và giải hạn với những cảnh tượng xấu hổ đến mức có thể gọi là thảm họa văn hóa lại diễn ra.

Ai có thể tổ chức tốt lễ hội?

Đầu năm, câu chuyện lễ hội Xuân, cầu an và giải hạn với những cảnh tượng xấu hổ đến mức có thể gọi là thảm họa văn hóa lại diễn ra. Nhiều người thấy bất mãn, tại sao lễ hội ngày càng phình to mà khả năng tổ chức thì vẫn như hội làng?

Đọc E-paper

Thổi quy mô lễ hội, ngân sách gánh nặng tâm linh

>Lễ hội hay lễ lợi?
>Cần bài trừ tình trạng mê tín dị đoan trong mùa lễ hội
>
Du lịch lễ hội văn minh

Bao nhiêu là miêu tả và phân tích nguyên nhân, bao nhiêu là chỉ đạo và phê bình từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, và cả những cuộc họp đúc kết kinh nghiệm từ các ban tổ chức cấp tỉnh, huyện nhưng có lẽ sang năm, sang năm nữa, tình trạng tồi tệ ấy vẫn tiếp tục diễn ra. Văn hóa tâm linh của người Việt càng ngày càng biến tướng, càng phơi bày trần trụi hơn nữa cái sự u mê thảm hại của những tâm hồn tham lam và ngu ngốc đến mức đáng kinh ngạc!

Điều đáng giận là những lễ hội càng lớn, có sự chủ trì, chỉ đạo chặt chẽ của nhiều cấp lại càng bát nháo, dù chúng tiêu tốn một khoản ngân sách không nhỏ. Những khoản đầu tư thể hiện ở nhiều dạng, ở tiền làm đường sá, tiền tu sửa, nâng cấp di tích hằng năm, tiền chi cho các bộ phận tham gia chỉ đạo tổ chức thực hiện, cho lực lượng cảnh sát bảo vệ trật tự lễ hội, cho truyền thông...

Và dĩ nhiên ngân sách cũng bị xà xẻo bởi chính những chiếc xe công được sử dụng vào việc đi lễ chùa. Ngân sách gánh nặng nhu cầu tâm linh cá nhân chứ hoàn toàn không góp được chút công sức nào vào phục hồi nếp văn hóa truyền thống, lễ nghĩa dân tộc.

Làm lễ hội luôn có lãi. Cái lãi này thể hiện ở con số khách du lịch đến địa phương năm ấy tăng bao nhiêu phần trăm trong các báo cáo. Lãi ở sự tô vẽ bảo vệ di sản văn hóa của ngành. Bệnh thành tích và mê tín dị đoan đã vẽ ra phong trào lễ hội.

Tỉnh, huyện, làng, xã đều nghiên cứu quanh cái trục "Bảo tồn văn hóa - làm du lịch", nóng ruột đưa những giá trị văn hóa truyền thống vào đời sống hiện thực thông qua kết quả lễ hội thu hút được con số vạn khách.

Chưa kịp nghiên cứu thấu đáo những giá trị nào thật sự hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc, đã có cả một làn sóng mê tín ùa vào, không kiểm soát nổi. Địa phương nào cũng cố gắng chen chân vào danh sách lễ hội quốc gia và một cơ chế "xin - cho" hành lang xuất hiện.

Chính sự dung túng của mỗi địa phương, cái dung tục xuất hiện thoải mái đã làm nên những lễ hội tín ngưỡng nhố nhăng. Cảnh người chen lấn, tắc đường, cướp ấn, làm tiền khách đi lễ... lặp đi lặp lại nhiều năm phải được nêu đích danh trách nhiệm chính quyền địa phương, chứ không thể đổ lỗi cho Ban quản lý di tích hay người dân cuồng tín.

Chúng ta phải chấp nhận thực tế, dù đó là thực tế buồn, rằng trạng thái xã hội bất an, lòng người ngả về phía tâm linh như tìm một điểm tựa bám víu tinh thần. Những người không cầu danh lợi thì đã né tránh nơi đầy tai tiếng về an ninh trật tự như thế.

Đấu thầu lễ hội?

Vấn đề là chúng ta đã quá vội kinh doanh văn hóa khi chưa học hỏi, làm quen với công nghệ tổ chức những lễ hội lớn. Có ý kiến hãy xã hội hóa bằng cách cho đấu thầu tổ chức lễ hội. Mới nghe thấy thật phản cảm. Lễ hội của dân phải trả lại cho dân, sao chính quyền lại cho doanh nghiệp kinh doanh?

Nhưng nếu suy xét cho kỹ, để doanh nghiệp tham gia đấu thầu nhiều công đoạn của công tác tổ chức lễ hội chắc chắn sẽ có một lễ hội an toàn và các biểu hiện mê tín, dị đoan sẽ giảm đi nhiều. Chúng ta biết nếu công chức hay cảnh sát giữ trật tự cũng chen vào lấy lộc, về cùng lắm là bị cấp trên kiểm điểm.

Nhưng nếu các bảo vệ và nhân viên của công ty tổ chức làm như vậy, "thọ lộc" đâu chưa thấy, khả năng mất việc ngay đầu năm là rất cao. Tại sao không cho đấu thầu bán vé vào lễ hội, cái lý ở đây là mua vé để góp phần trả phí trật tự, phí vệ sinh, phí tái tạo cảnh quan di tích. Để được "thọ lộc" sẽ không có khách hành hương nào phản đối sự đóng góp đó.

Việc bán vé cho phép kiểm soát được lượng người tập trung vừa phải trong giờ cao điểm. Việc tiến hành nghi lễ cũng phải có một kịch bản kéo dài để thỏa mãn nhu cầu thưởng bái tâm linh của người dân và khách hành hương.

Các gói thầu còn có thể chia ra từ giữ an ninh trật tự, giữ xe, ẩm thực, thiết kế và hoàn chỉnh kịch bản lễ hội, bán hàng lưu niệm... dưới sự xét duyệt nghiêm túc của ngành chuyên môn và chính quyền địa phương nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân địa phương và doanh nghiệp tham gia thầu. Làm được vậy ngân sách nhà nước đỡ những khoản chi vô lý.

Chúng ta đã thấy hàng loạt các di sản thiên nhiên thế giới như Phong Nha Kẻ Bàng, động Thiên Đường (Quảng Bình), vịnh Hạ Long, các khu bảo tồn thiên nhiên như Sơn Trà, Bà Nà Núi Chúa (Đà Nẵng) đều đã mạnh dạn cho các doanh nghiệp đầu tư công trình hạ tầng, dịch vụ để khai thác hiệu quả các di sản thiên nhiên và phục vụ du khách.

Không thể cứ mãi nấp dưới suy nghĩ lễ hội là của dân, của truyền thống văn hóa dân tộc mà phó mặc nó ngả nghiêng trước một đám đông cuồng tín với những hành vi bản năng sai lệch xuất hiện từ lễ hội này qua lễ hội khác như thế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ai có thể tổ chức tốt lễ hội?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO