3 lý do kinh tế Việt Nam chưa cần dùng gói QE

06/04/2015 05:39

Mất cân bằng tỷ giá là một trong những lý do chính khiến gói nới lỏng định lượng (QE) đi ngược lại mục tiêu hiện nay của Chính Phủ.

3 lý do kinh tế Việt Nam chưa cần dùng gói QE

Lãi suất cao, dễ gây ra lạm phát và giảm giá VNĐ là ba nguyên nhân chính khiến các gói QE chưa phải là lựa chọn tốt nhất hiện nay ở Việt Nam dù cho công cụ này được áp dụng thành công trên nhiều nước.

Các gói nới lỏng định lượng (Quantitative Easing - QE) là một công cụ chính sách tiền tệ, trong đó ngân hàng trung ương mua vào các tài sản dài hạn như trái phiếu chính phủ hoặc các chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp từ các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính khác.

Lượng tiền này được bơm vào nền kinh tế sẽ khiến lãi suất dài hạn giảm xuống, khuyến khích cho vay và chi tiêu.

Trong những năm gần đây, 4 ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã đã lần lượt tung ra các gói nới lỏng định lượng để kích thích nền kinh tế.

Đó là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Các gói QE của Mỹ, với quy mô tổng cộng 3.500 tỷ USD được áp dụng trong giai đoạn 2008-2014.

Tại Anh, chương trình mua tài sản trị giá 375 tỷ bảng Anh (tương đương 569 tỷ USD) tính đến cuối năm 2012. Trong khi đó, Nhật Bản bắt đầu áp dụng QE sớm hơn nhiều, kể từ năm 2001 và tổng giá trị trái phiếu mà ngân hàng trung ương nước này đã mua vào tính đến tháng 3/2006 khoảng 1.700 tỷ USD. Tháng 4/2013, BoJ công bố một gói QE mới trị giá 60.000-70.000 tỷ Yên (khoảng 6.000 tỷ USD) mỗi năm và sau đó, mở rộng lên 80.000 tỷ Yên (686 tỷ USD) từ tháng 10/2014.

Ngày 22/1/2015, ECB trở thành ngân hàng trung ương lớn thứ tư trên thế giới sử dụng chương trình mua trái phiếu. ECB tuyên bố, sẽ bơm ít nhất 1.100 tỷ EUR (tương đương 1.300 tỷ USD) vào nền kinh tế Khu vực đồng Euro. Theo đó, hàng tháng, ECB sẽ mua 60 tỷ EUR (70 tỷ USD) trái phiếu cho đến hết tháng 9/2016.

Cho đến nay, các gói QE này đã có nhiều tác dụng tích cực với nền kinh tế của các nước nói trên, như giảm giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu, giảm lãi suất thị trường thúc đẩy sản xuất; giúp các thị trường tài sản, nhất là thị trường cổ phiếu tăng điểm mạnh mẽ và giúp kinh tế các nước nói trên thoát khỏi suy thoái và phục hồi trở lại.

Trong bối cảnh đó, một số ý kiến cho rằng, khả năng Việt Nam cũng sẽ thực hiện một gói QE tương tự nhằm kích thích kinh tế và hỗ trợ thị trường bất động sản và chứng khoán. Tuy nhiên, theo chúng tôi, điều này là không phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam do một số lý do sau đây:

Thứ nhất, QE chỉ được thực hiện tại các nước nói trên khi lãi suất điều hành ngắn hạn đã gần bằng 0 và không thể giảm xuống dưới mức này. Trong khi đó, các mức lãi suất điều hành và lãi suất OMO của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện vẫn đang ở mức khá cao (3,7-6,5% vào cuối tháng 3/2015).

Thứ hai, QE được các nước trên sử dụng với mục tiêu chống giảm phát. Trong khi đó, tại Việt Nam, trong những năm gần đây, lạm phát mặc dù đã giảm về mức một con số, nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao trở lại, gây khó khăn cho việc giảm lãi suất vay vốn để tăng cường khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Nếu tăng mạnh cung tiền, lạm phát nhiều khả năng sẽ quay trở lại mạnh mẽ, do VND chưa phải là đồng tiền mạnh, chưa được chấp nhận chuyển đổi rộng rãi trên thế giới.

Thứ ba, QE sẽ khiến cho VND giảm giá mạnh so với các ngoại tệ khác, trong khi Chính phủ Việt Nam thực hiện chính sách tỷ giá ổn định. Theo tính toán của Chính phủ, nếu VND mất giá 1% so với USD, nợ công sẽ tăng lên 10.000 tỷ đồng, gây áp lực gia tăng nợ nần và cắt giảm chi tiêu lên ngân sách. Do đó, mặc dù hiện VND đang bị định giá cao hơn 20-30% so với giá trị thực của USD, tỷ giá ổn định là mục tiêu chính sách của Chính phủ.

Trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố định hướng chính sách tiền tệ, với tổng phương tiện thanh toán tăng 16-18%, tín dụng tăng 13-15% (có thể tăng lên 17% nếu cần thiết) so với năm 2014 và tỷ giá VND/USD sẽ được điều chỉnh không quá biên độ 2%. Trong khi đó, đến cuối năm 2014, tổng phương tiện thanh toán tăng 17,7%, tín dụng tăng 14,16% và tỷ giá VND/USD được điều chỉnh tăng 1% so với cuối năm 2013. Như vậy, về cơ bản, định hướng cung tiền và tỷ giá không khác nhiều so với thực hiện năm 2014.

Để hỗ trợ tăng trưởng, thay vào đó, Việt Nam đã và đang thực hiện các chính sách nới lỏng tín dụng. Đặc điểm của chính sách nới lỏng tín dụng này là giúp giảm một số lãi suất tín dụng nhất định, đối với một số đối tượng vay vốn nhất định…, nhằm thực hiện các chương trình gắn kết tín dụng ngân hàng với chính sách ngành kinh tế, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Một số chính sách tín dụng nói trên bao gồm: chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP và Nghị quyết 61/NQ-CP, chương trình cho vay liên kết 4 nhà trong lĩnh vực bất động sản, chính sách cho vay đối với người nuôi tôm và cá tra theo Quyết định 540/QĐ-TTg…

>FED giữ nguyên gói QE: Kín đầu, hở chân
>Anh sẽ mở rộng chương trình nới lỏng định lượng?
>Tin vui từ chính sách tín dụng: Dễ thở hơn cho doanh nghiệp?
>Chống lạm phát tại VN: “Đơn thuốc” cần được duy trì

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
3 lý do kinh tế Việt Nam chưa cần dùng gói QE
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO