Tiền đồng ổn định nhờ đâu?

Anh Khoa| 27/07/2020 07:00

Trong khi nhiều đồng tiền khác trong khu vực mất giá mạnh so với USD, tiền đồng tiếp tục giữ được sự ổn định trong nhiều năm qua. Trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ từ thương mại, đầu tư và kiều hối có những diễn biến trái chiều, điều gì đã giúp tỷ giá USD/VND vẫn nằm trong mục tiêu đề ra?

Tiền đồng ổn định nhờ đâu?

Trái chiều nguồn cung ngoại tệ

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu trì trệ, đứt gãy do ảnh hưởng bởi Covid-19, Việt Nam dù đã sớm kiểm soát được dịch bệnh nhưng cũng không tránh khỏi xu hướng chung, khi các đợt dịch mới bùng phát trên thế giới, đặc biệt tại các nước đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam đã ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất nhập khẩu của nhiều mặt hàng.

Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm nay của nước ta giảm 2,1% so cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 238,4 tỷ USD, riêng tháng 6 vừa qua đã có dấu hiệu phục hồi trở lại, ước tính đạt 41,5 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, nhờ vào việc kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 121,2 tỷ USD, chỉ giảm 1,1%, thấp hơn nhiều so với mức giảm của nhập khẩu lên đến 3%, giúp xuất siêu đạt mức kỷ lục 4 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, gấp hơn 2,3 lần mức xuất siêu 1,7 tỷ USD của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,2 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 14,2 tỷ USD.

Ở lĩnh vực đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 6 tháng đầu năm giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn đạt ở mức ổn định 8,65 tỷ USD. Đáng chú ý là dòng vốn đầu tư gián tiếp khi có 4.125 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị 3,5 tỷ USD, tăng 3% về số dự án nhưng giảm 56,8% số tiền.

Tuy nhiên, chủ yếu là do hai tháng đầu năm 2019 có thương vụ Beerco Limited (Hồng Kông) góp vốn, mua cổ phần Công ty TNHH Vietnam Beverage, với trị giá lên tới 3,85 tỷ USD. Nếu loại trừ thương vụ này, tổng giá trị góp vốn nửa đầu năm nay chỉ giảm 18% so cùng kỳ 2019.

Ở lĩnh vực kiều hối, diễn tiến cũng không mấy tích cực. Thống kê gần nhất cho thấy kiều hối 5 tháng của TP.HCM (chiếm 30% lượng kiều hối cả nước) là 2,3 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên kiều hối giảm theo tháng trong nhiều năm qua

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây dự báo trong năm 2020, lượng kiều hối toàn cầu sẽ giảm mạnh, khoảng 20% do khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 và hoạt động kinh tế đình trệ. Theo đó, dòng kiều hối chảy vào các khu vực sẽ giảm và sẽ là mức giảm mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Diễn biến chỉ số USD Index từ đầu năm đến nay

Diễn biến chỉ số USD Index từ đầu năm đến nay

Thị trường ngoại hối vẫn ổn định

Dù nguồn cung ngoại tệ từ thương mại, đầu tư và kiều hối có những diễn biến trái chiều như trên, cộng thêm rủi ro do ảnh hưởng của đại dịch và xu hướng lãi suất tiền gửi VND giảm mạnh, thị trường ngoại hối vẫn giữ được ổn định trong thời gian qua. Tỷ giá trung tâm USD/VND do Ngân hàng Nhà nước niêm yết tính đến ngày 18/7/2020 chỉ tăng vỏn vẹn 80 đồng, tương đương 0,35% so với đầu năm. Trong khi đó, giá giao dịch tại các ngân hàng lẫn thị trường tự do đang sụt giảm xấp xỉ 0,3% so với đầu năm.

Kết quả này là khá tích cực khi nhìn vào diễn biến mất giá mạnh so với USD của các đồng tiền khác trong khu vực, như đồng IDR của Indonesia mất giá 2,55%, THB của Thái Lan mất giá 3,19% và MYR của Malaysia mất giá 4,89%. Điều quan trọng hơn là dù tiền đồng mất giá nhẹ so với USD, tức tăng giá đáng kể so với các đồng ngoại tệ khác, nhưng xuất khẩu của Việt Nam không vì thế mà bị mất quá nhiều lợi thế cạnh tranh.

box-1-8641-1595580942.jpg

Một yếu tố quan trọng giúp tỷ giá trong nước vẫn được kiểm soát tốt trong thời gian qua là nhờ vào đồng USD không tăng mạnh trên thị trường quốc tế. Chỉ số USD Index đã có lúc giảm về vùng 96 điểm, cách xa mốc cao kỷ lục gần đây ở 103 điểm đạt được vào giữa tháng 3. Cả đồng USD và nhân dân tệ đang trong giai đoạn suy yếu đã không gây sức ép lớn lên tiền đồng.

Dù lượng vốn FDI giải ngân sụt giảm, nhưng lượng vốn cam kết đăng ký mới và tăng thêm trong 6 tháng qua vẫn tăng trưởng tích cực, giúp kỳ vọng về nguồn cung ngoại tệ trong tương lai sẽ khả quan hơn nhiều. Cụ thể, các dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt gần 8,5 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi vốn đăng ký tăng thêm đạt 3,7 tỷ USD, tăng 26,8%. Diễn biến này cũng phù hợp với những dự báo, nhận định về xu hướng dòng vốn nhiều nước chuyển dịch từ Trung Quốc sang các quốc gia trong khu vực, trong đó Việt Nam là một trong những điểm thu hút tiềm năng nhất.

Nếu những yếu tố kể trên tiếp tục được duy trì, tiền đồng sẽ giữ được giá trị ổn định. Công ty Chứng khoán KBSV dự báo, VND trong năm 2020 sẽ duy trì mức mất giá khoảng 1%, thấp hơn dự báo trước đó là 2,5% nhờ nguồn cung USD được cải thiện. Công ty Chứng khoán MBS cũng dự báo tỷ giá trong năm nay sẽ chỉ tăng nhẹ, lên mức 23.351 VND/USD.

Áp lực tăng lên tỷ giá nếu có sẽ diễn ra vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu nhập khẩu thường tăng cao do tính mùa vụ, tuy nhiên với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thặng dư thương mại của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, nhu cầu nắm giữ tiền đồng của nhà đầu tư gia tăng khi đồng USD khó tăng mạnh được trên thị trường quốc tế. Dù vậy, những dự báo cũng chỉ có tính tham khảo, khi nền kinh tế hiện nay đang đứng trước những bất định khó lường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiền đồng ổn định nhờ đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO