Việt Nam có tiềm năng mạnh về CNTT

QUÝ YÊN thực hiện| 07/09/2013 02:17

Với việc đầu tư đúng đắn về cơ sở hạ tầng CNTT cũng như nhận thức tốt về quyền sở hữu trí tuệ, Việt Nam có tiềm năng trở thành quốc gia mạnh về CNTT.

Việt Nam có tiềm năng mạnh về CNTT

Điều hành Microsoft Châu Á Thái Bình Dương với 17 văn phòng tại 11 nước cùng tổng cộng 2.900 nhân viên, 22 đơn vị phân phối, và 80.000 cửa hàng bán lẻ, ông Cesar Cernuda - Chủ tịch của Microsoft Châu Á Thái Bình Dương là một cái tên khá ấn tượng trong làng công nghệ thế giới, bởi khả năng đặc biệt của ông trong việc phát triển những thị trường mới.

Chủ tịch Microsoft Châu Á Thái Bình Dương - ông Cesar Cernuda

Đến Việt Nam nhân dịp Microsoft triển khai mô hình làm việc thân thiện, ông Cesar Cernuda bày tỏ ấn tượng đặc biệt khi Việt Nam đã thoát khỏi danh sách những quốc gia vi phạm bản quyền nhiều nhất thế giới.

* Ông đã có những khảo sát nào về ngành CNTT của Việt Nam?

- Việt Nam là một nước đang phát triển và có tiềm năng lớn trong ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT). Tôi rất ấn tượng về những gì Việt Nam đã đạt được và sự phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực này trong những năm qua. Với việc đầu tư đúng đắn về cơ sở hạ tầng CNTT cũng như nhận thức tốt về quyền sở hữu trí tuệ, Việt Nam có tiềm năng trở thành quốc gia mạnh về CNTT, trở thành trung tâm gia công phần mềm trong khu vực.

Những lợi thế lớn của Việt Nam bao gồm đội ngũ lập trình viên giỏi, triển khai thành công các dự án lớn về CNTT do phía nước ngoài đầu tư, sự phát triển của mạng di động 3G và những đầu tư về cơ sở hạ tầng CNTT. Tôi cho rằng, khu vực tư nhân sẽ là động lực thúc đẩy thị trường CNTT tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tôi thực sự ấn tượng khi biết rằng Chính phủ Việt Nam tin tưởng rằng CNTT là công cụ hữu hiệu và là chất xúc tác giúp gia tăng năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Đó là một tầm nhìn lớn giúp đưa Việt Nam trở thành một nước mạnh về CNTT đến năm 2020.

Nhìn thấy được tiềm năng này nên trong 16 năm hoạt động tại Việt Nam, Microsoft đã mạnh dạn đầu tư 80 triệu USD, tổ chức xấp xỉ 100 nhân viên và 500 đối tác địa phương. Không chỉ riêng Microsoft mà rất nhiều tập đoàn CNTT quốc tế đã chọn Việt Nam làm điểm đến.

* Vậy theo ông, các nhà đầu tư nước ngoài đang nhận được những thuận lợi và phải đối mặt với khó khăn nào khi kinh doanh tại Việt Nam?

- Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực để đất nước của các bạn trở nên ngày càng hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài với các điều kiện thuận lợi hơn và chính sách ưu đãi đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các khu công nghiệp được tạo dựng và đang mở rộng nhanh chóng trên toàn quốc chứng minh cho điều này.

Tôi rất ấn tượng với nỗ lực mà Việt Nam đã thực hiện để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nếu hệ thống pháp luật về đầu tư của Chính phủ hoàn thiện hơn và ưu đãi nhiều hơn thì các DN nước ngoài sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi đầu tư ở Việt Nam. Bên cạnh đó, để đánh thức tiềm năng, Việt Nam cũng nên chú trọng đầu tư nhiều hơn cho nguồn nhân lực CNTT.

* Đánh giá của ông về hiện trạng nhân lực CNTT ở Việt Nam? Theo ông, nhân lực Việt Nam cần cải thiện điều gì để có thể đạt tiêu chuẩn quốc tế?

- Nguồn nhân lực dồi dào của Việt Nam là một lợi thế giúp phát triển ngành CNTT. Tôi đánh giá cao về sự chăm chỉ, thông minh, linh hoạt của người Việt Nam. Tuy nhiên các bạn cũng cần phải đạt được nhiều điều quan trọng khác để có thể cạnh tranh trong thị trường lao động quốc tế.
Tôi vẫn xin nhấn mạnh, giáo dục vẫn là điểm mấu chốt. Đối với ngành CNTT, khái niệm giáo dục bao gồm cả nâng cao kiến thức và phát triển về kỹ năng. Đặc biệt, để có thể tự tin làm việc trong môi trường quốc tế, lực lượng lao động của Việt Nam cần phải trang bị khả năng ngoại ngữ tốt.

* Microsoft sẽ đứng ở đâu trong quá trình phát triển kỹ năng CNTT cho nguồn nhân lực của Việt Nam?

- Khi bước chân vào thị trường Việt Nam, nhiệm vụ hàng đầu mà Microsoft đặt ra là giúp người dân Việt Nam tận dụng triệt để các lợi ích mà CNTT có thể mang lại cũng như thu hẹp khoảng cách trong lĩnh vực công nghệ số giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bởi ngoài yếu tố trách nhiệm xã hội của DN thì đó còn là cách tốt nhất để nhà đầu tư có thể hưởng lợi trong tương lai.

Trong 16 năm có mặt tại Việt Nam, Microsoft đã triển khai rất nhiều chương trình như Microsoft BizSpark hỗ trợ DN mới thành lập và lập trình viên. Trung tâm sáng tạo Microsoft đào tạo và trang bị những kỹ năng công nghệ có giá trị cho hơn 5.000 thanh niên; 750 bạn trẻ ở độ tuổi vị thành niên. Dự kiến 70% trong số đó sẽ tìm được việc làm.

60 trường đại học tại Việt Nam và 350 trường phổ thông tại TP. Hồ Chí Minh sử dụng tài khoản Live@edu của Microsoft. Tính đến nay, 2.000 giáo viên và 20.000 học sinh đã tham gia các khóa đào tạo sử dụng dịch vụ miễn phí của Live@edu để tiếp cận tốt hơn với CNTT. Tất nhiên, chúng tôi vẫn sẽ không dừng lại sự hỗ trợ này trong tương lai.

* Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam có tiềm năng mạnh về CNTT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO