Thuê bao ảo... cập bến ADSL

DIỆU TIÊN| 23/09/2011 04:49

Những tưởng thuê bao ảo, một khái niệm đã không còn xa lạ gì trong thời di động hóa và hoành hành nhiều năm nay trên thị trường thông tin di động, đã phần nào bị đẩy lui.

Thuê bao ảo... cập bến ADSL

Những tưởng thuê bao ảo, một khái niệm đã không còn xa lạ gì trong thời di động hóa và hoành hành nhiều năm nay trên thị trường thông tin di động, đã phần nào bị đẩy lui. Thế nhưng với những công bố mới nhất thì thuê bao ảo cũng đã... cập bến dịch vụ ADSL. Thị trường đang rộng mở những dịch vụ, công nghệ ảo, từ mạng riêng ảo, ảo hóa trong mạng máy tính, thuê bao di động ảo, giờ đến thuê bao ADSL ảo...

Con số bị... ảo hóa

Ở thị trường thông tin di động, thuê bao ảo được cho rằng chiếm đến 60 -70%. Sau đợt điều chỉnh cách thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông gần đây, theo đó các số liệu thống kê sẽ cắt đi những thuê bao không được kích hoạt và không phát sinh cước, thì thuê bao di động đã giảm mạnh hơn 40 triệu thuê bao.

Tuy nhiên theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thuê bao ảo vẫn còn chiếm ít nhất 30 - 40% trên tổng số thuê bao được công bố hàng tháng hiện nay.

Tỷ lệ thuê bao ảo trong lĩnh vực internet, cụ thể là dịch vụ ADSL, cũng không kém cạnh gì. 6 tháng đầu năm, theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), tổng số thuê bao của FPT Telecom đã giảm hơn 200.000 thuê bao, tức bằng khoảng 1/3 thị phần của doanh nghiệp này, sau khi loại trừ các thuê bao không phát sinh cước trong 6 tháng đầu năm.

Theo lý giải từ phía doanh nghiệp này, các thuê bao sau hai tháng không phát sinh cước sẽ bị xếp vào dạng thuê bao ảo và sẽ không còn được tính đến trong báo cáo thống kê hàng tháng.

Chính vì việc cắt đi một số lượng thuê bao ảo khá lớn trong báo cáo thống kê mà thị phần của FPT Telecom trên thị trường internet cũng giảm xuống. Tháng 6 ghi nhận thị phần của FPT Telecom giảm xuống chỉ còn 6,9% trong khi tháng 5 trước đó còn ở mức 10,27%.

Lâu nay những thống kê về số thuê bao internet trên thị trường đã bị ảo hóa. Với cách thống kê mới, những báo cáo về thị trường sẽ sát hơn và phục vụ tốt hơn cho công tác điều tra, nghiên cứu và dự báo về thị trường.

Vào tháng 5, thuê bao của Viettel và FPT Telecom tương đương nhau (Viettel chỉ nhỉnh hơn chưa đến 0,3%). Nhưng đến tháng 6, sau khi FPT cắt thuê bao ảo thì khoảng cách đã nới rộng hơn giữa Viettel đứng thứ 2 thị trường và FPT Telecom đứng thứ 3 thị trường, với tỷ lệ thị phần lên đến 8,51%.

Đã cắt hết chưa?

Thứ tự thị phần dịch vụ ADSL đến hết tháng 6 với VNPT dẫn đầu chiếm 72,56% thị phần, tiếp theo là Viettel 15,41% thị phần và FPT Telecom đứng thứ 3 với 6,9% thị phần sau khi đã cắt thuê bao ảo.

Trên thực tế không chỉ có FPT Telecom giảm mạnh thuê bao mà VNPT cũng có giảm, nhưng với mức nhỏ 1,58%, so với tháng 5. Con số giảm này chưa được lý giải rõ nguyên nhân là do lượng thuê bao thực sự sụt giảm hay do cắt thuê bao ảo.

Theo số liệu thống kê, đến cuối tháng 6, Việt Nam có khoảng 3,9 triệu thuê bao internet, tăng 16,8% so với cùng kì năm trước, số người sử dụng internet tại Việt Nam ước tính khoảng 30,1 triệu người, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2010.

Câu hỏi đặt ra là, con số tăng trưởng thuê bao 16,8% đã trừ số thuê bao ảo của FPT Telecom, nhưng còn VNPT và Viettel thì sao? Con số tính đến hết tháng 6/2011 là đã cắt thuê bao ảo của VNPT và Viettel hay chưa? Nếu đã khấu trừ rồi thì cũng khó có thể tin rằng VNPT chỉ giảm có 1,58% về lượng thuê bao.

Như vậy, con số 3,9 triệu thuê bao internet với quy đổi thành 30,1 triệu người sử dụng liệu xác thực tới đâu vì vấn đề này có liên quan mật thiết với thành tựu phát triển internet tại Việt Nam? Và liệu internet Việt Nam có phát triển phi mã như đã được ca tụng trong thời gian qua.

Theo phía FPT Telecom, việc cắt hơn 200.000 thuê bao ảo không ảnh hưởng tới vấn đề doanh số vì báo cáo doanh thu hằng tháng cũng đã loại trừ các thuê bao không phát sinh cước.

Điều này cũng sẽ diễn ra tương tự với cả VNPT và Viettel, dù có bỏ thuê bao ảo hay chưa thì doanh thu cũng không có khác biệt gì.

Nhưng vấn đề là các con số thống kê ở nước ta hay được sử dụng để ca tụng thành tích. Nó gắn chặt với căn bệnh thành tích trong nhiều năm qua và một khi bắt nguồn từ thuê bao ảo thì thành tích ấy cũng trở thành ảo.

Dù là theo hướng dẫn báo cáo thống kê mới nhưng việc tự cắt thuê bao ảo của FPT Telecom cũng là một việc làm đáng ghi nhận.

Bởi nhìn sang thị trường thông tin di động, nhiều nhà mạng không dám cắt thẳng thừng vì sợ ảnh hướng tới sự đánh giá trên thị trường nhằm lấy tiếng để cạnh tranh dù con số ấy hầu hết do tự nêu ra chứ chưa qua thẩm định.

Chính vì thế, sự chờ đợi tiếp theo là VNPT và Viettel sẽ cắt số thuê bao ảo như thế nào trong các báo cáo thống kê gửi lên cơ quan quản lý?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thuê bao ảo... cập bến ADSL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO